Hôm qua, 27/5/2021, Ngài Tsutomu Takebe, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ Nhật – Việt đã có bài giảng đặc biệt với sinh viên Trường ĐH Việt Nhật “Tinh thần sống trong thời đại toàn cầu hóa”.
Thiết kế cuộc đời để cống hiến cho con người và xã hội
Ông Takebe đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991 cùng thầy của ông là TS. Michio Watanabe lúc đó đang là Chủ tịch Hội đồng Hữu nghị Nhật – Việt để hội kiến với các nhà lãnh đạo đương thời là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Phan Văn Khải và trao đổi chính trị. Chuyến đi này đã để lại rất nhiều ấn tượng trong ông khi quan sát những người Việt Nam say sưa làm việc để tái xây dựng đất nước.
Vào thời điểm đó, thầy Michio Watanabe đã nói với ông: “Việt Nam sẽ phục hồi, phát triển, và trở thành một cường quốc ở châu Á với hơn 100 triệu dân. Chúng ta nên hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam vì sự ổn định của châu Á và tăng trưởng bền vững của Nhật Bản. Hãy tìm hiểu về Việt Nam”.
Từ đó đến nay đã 30 năm, khi đã trải qua nhiều vị trí quan trọng: thành viên Hạ viện, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp và Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, ông luôn đi đúng con đường mình đã lựa chọn, nỗ lực hết mình để trở thành một chính khách đóng góp nhiều nhất cho con người và xã hội. Câu nói của thầy Michio Watanabe dường như là cơ duyên để ông nhiều lần quay lại đất nước nhỏ bé này, lặng lẽ tìm hiểu, cảm nhận về đất nước, con người và trở thành người bạn đặc biệt của Việt Nam.
Sau này, khi giữ vai trò Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt, ông đóng vai trò là cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Sự hình thành và phát triển của Trường ĐH Việt Nhật, chính là trái ngọt của nỗ lực ngoại giao giữa hai nước và những chính khách thầm lặng bắc cầu.
Bối cảnh và các thách thức của Việt Nam
Năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,9%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Việt Nam cũng trở thành Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2020-2021 và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với những nỗ lực chống dịch thành công trong năm 2020, Việt Nam đang tăng cường sự hiện diện trong cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, các từ khoá của Việt Nam hiện nay là “giá trị lao động”, “giá trị sống”, “chất lượng tăng trưởng, “hiện đại hoá các ngành công nghiệp”, “tạo giá trị gia tăng cao”. Đây là các điểm chốt để hấp dẫn và giữ chân các nhà đầu tư.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nhân lực
Ông Takebe nói: “Ở khu vực Châu Á, Việt Nam là “một sinh viên ưu tú”, là một nước đang phát triển mạnh nhưng làm sao để phát triển bền vững và mang lại giá trị? Cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nhân lực.” Đó là bài toán mà Việt Nam cần giải để không bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng nhảy vọt.
Về hạ tầng, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển nhiều cơ sở hạ tầng trọng điểm. Nhật Bản muốn đặt mục tiêu phát triển nhân lực cho Việt Nam.
Với dự án Trường ĐH Việt Nhật, hai chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng Trường tại cơ sở Hòa Lạc để người học được dạy và học tốt hơn và nâng cao số lượng sinh viên học tại trường.
Ông cũng đề nghị Tổng Thư ký Nikai và Chính phủ khẩn trương thành lập cơ sở tại Nhật Bản để hỗ trợ Trường từ phía Nhật Bản.
Hãy tạo ra câu chuyện của riêng bạn
Trong phần hỏi đáp, sinh viên đã đặt câu hỏi “Trường ĐH Việt Nhật là biểu tượng mối quan hệ hai chính phủ Việt Nam – Nhật Bản, vậy sinh viên có lợi thế gì khi tốt nghiệp?” Ngài cố vấn cho rằng, nỗ lực của ông và cộng sự là xây dựng môi trường học tập chuẩn Nhật Bản để sinh viên theo học và phát triển năng lực bản thân. Hiện nay, lãnh đạo hai nước và Ban Giám hiệu nhà trường đang nỗ lực để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học để sinh viên có môi trường và cơ sở học tập tốt hơn và thu hút số lượng sinh viên lớn hơn.
Trong tương lai, Trường sẽ tiếp tục mở các trường trình đào tạo mới như Điều dưỡng, Vật lý trị liệu, Anime, Thời trang… để sinh viên có nhiều lựa chọn và thực hiện ước mơ của mình. Ông nói: “Các em chính là người xây dựng và phát triển lợi thế cho mình và cho Trường ĐH Việt Nhật”.
“Là một người từng trải và thành công, bác có lời khuyên gì để sinh viên Trường ĐH Việt Nhật có thể viết nên một câu chuyện có ý nghĩa và rực rỡ cho mình?”, Phạm Hà Trang, sinh viên Nhật Bản học hỏi.
Ông Takebe cho rằng, trong một câu chuyện luôn có cả những thành công và thất bại. “Đừng sợ thất bại. Hãy xây dựng một mục tiêu thật lớn cho mình!” ông nói. Ông cũng kể cho sinh viên nghe câu chuyện của mình: Năm lớp 6, bố mẹ ông đã nói: “Bố mẹ chỉ có nghĩa vụ với con đến năm 20 tuổi. Từ năm 20 tuổi trở đi, con sẽ là người của xã hội”. Ông khắc ghi nhớ câu nói đó của bố mẹ và thường xuyên nghĩ về việc lớn lên mình sẽ làm gì. Ông từng mơ ước trở thành một chính trị gia và luôn tự hỏi mình phải làm gì, học gì để trở thành một chính trị gia có nhiều đóng góp cho xã hội. Và mọi việc ông làm sau này, luôn hướng đến mục tiêu lớn lao đó. Ông cho rằng, ở thời điểm đó, nó có thể là một mục tiêu mà chúng ta không thể với tới, nhưng đó là cái đích để ta phấn đấu. “Ở đâu có nhiệt huyết, niềm tin và tình yêu, ở đó con đường sẽ rộng mở”, ông nói.