Ở Nhật, bạn có thể bắt gặp phong cách vẽ 2D của manga/anime ở khắp nơi: từ những tờ rơi giới thiệu đến những banner treo trên tàu điện hay video quảng cáo trên truyền hình; manga cũng được đặt tại ghế chờ của các phòng khám hay tiệm cắt tóc. Bạn cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh của các nhân vật manga/anime được hóa trang bởi các Otaku ở Akihabara, Shinjuku, Harajuku hay nhiều con phố khác ở khắp nước Nhật. Người ta cũng xây dựng cả một viện bảo tàng lớn ở Kyoto chỉ để triển lãm về văn hóa manga đặc sắc của nước Nhật. Manga được coi như là trái tim của văn hóa đại chúng Nhật Bản bao gồm: manga, anime, phim chuyển thể, game, cosplay… Điều gì hấp dẫn trẻ em đến vậy? Manga và anime có phải chỉ là thế giới của trẻ em? Câu trả lời phần nào được giải đáp trong Hội thảo “Japanese Pop-culture & Historical tales” do sinh viên Cử nhân Nhật Bản học tổ chức và điều hành chiều ngày 31/3/2021. Tham gia Hội thảo với sinh viên là Tiến sĩ Văn hóa Nhật, Masashi Yamaguchi – Chuyên gia JICA, Điều phối viên Hợp phần Phát triển Chương trình Đào tạo của VJU.
Hội thảo “Japanese Pop-culture & Historical tales” là một hoạt động trong Kế hoạch Tháng Thanh niên 2021 của BCH Đoàn trường ĐH Việt Nhật nhân kỉ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021) và 25 năm Ngày thành lập Đoàn ĐHQGHN (16/3/1996-16/3/2021).
Từ sự yêu thích của các bạn nhỏ dành cho manga và anime của Nhật Bản
Một trong những điểm đặc sắc của manga/anime là khối lượng kiến thức đa dạng và phong phú. Phần nội dung của manga/anime được đánh giá còn quan trọng hơn cả phần hình ảnh nên các họa sĩ phải đọc rất nhiều tư liệu để có thể xây dựng những cốt truyện hợp lý và hấp dẫn. Mỗi bộ manga thường gắn với một chủ đề hoặc một nghề nghiệp cụ thể nên người đọc, người xem có thể thu thập được nhiều kiến thức chuyên môn từ manga/anime một cách dễ hiểu và sinh động. Người Nhật cũng dùng manga/anime để giúp thế hệ trẻ có thêm tình yêu với lịch sử và văn hóa Nhật Bản. Chẳng hạn, các bộ truyện “Rurouni Kenshin”, “Kaze Hikaru”,… giúp cho thanh niên Nhật Bản quan tâm hơn đến những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước qua những câu chuyện dã sử hấp dẫn. Manga/anime cũng giới thiệu những nét đẹp văn hóa đặc trưng của Nhật như ẩm thực (“Vua bếp Soma”), ninja (“Ninja Hattori”), võ thuật (“Teppi”),… Tình yêu đất nước được xây dựng ngay từ tình yêu đối với văn hóa lịch sử của dân tộc.
Độc giả nhỏ tuổi Việt Nam đều đã từng một lần sở hữu hoặc say mê bộ truyện tranh Doraemon với nhân vật chính Nobita – một cậu nhóc có tất cả các khuyết điểm của một đứa trẻ bình thường. Thông qua những câu chuyện thú vị xung quanh việc Nobita vòi vĩnh bảo bối của Doraemon để giúp mình gian lận thi cử hay chơi nổi với bạn bè, tác giả khiến các độc giả nhỏ tuổi tự biết phê phán những thói xấu của Nobita, bài học đạo đức cho trẻ nhỏ được trình bày một cách hài hước thú vị và dễ thấm, không giáo điều, cứng nhắc.
… Đến một nền công nghiệp hoạt hình đỉnh cao
Theo số liệu của TS. Masashi Yamaguchi, tình yêu của nhiều thế hệ trẻ dành cho manga và sự kết hợp với các kỹ xảo của công nghệ hiện đại đã đưa công nghiệp hoạt hình Nhật Bản lên đến đỉnh cao. Chỉ riêng năm 2019, doanh thu của nền công nghiệp này đã mang lại trên 2511 tỉ Yên Nhật (tương đương với 23 tỉ USD). Con số này gần bằng với số doanh thu “âm” của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn Covid vừa qua. Mỗi năm có trên 300 đầu truyện tranh được hoạt hình hóa để đến với khán giả trong nước và quốc tế. Nhiều khía cạnh của nền công nghiệp hoạt hình Nhật Bản cần thêm thời gian để thích ứng và đạt được sự cân bằng trong xã hội hiện đại, song, anime đã và đang là niềm đam mê của nhiều bạn trẻ, và là nguồn cảm hứng các nhà sản xuất các chương trình giải trí sáng tạo.
Kết thúc Hội thảo, TS. Masashi Yamaguchi đã đặt ra một số câu hỏi đối với người tham dự: Việt Nam cũng có những nét văn hóa riêng độc đáo và thú vị. Vậy, làm thế nào để những nét văn hóa ấy lan tỏa và ngày càng được yêu mến? Câu hỏi này dành cho các sinh viên Nhật Bản học và các bạn trẻ yêu văn hóa Việt Nam nghiên cứu và suy nghĩ thêm sau bài giảng.