SG. Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật phát biểu khai mạc Hội nghị
Ngày 22/9/2020, Trường đại học Việt Nhật (VJU) – ĐHQGHN tổ chức Hội nghị công chức, viên chức, người lao động và tổng kết năm học 2019-2020. Tham dự Hội nghị trực tuyến gồm có PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQG HN, đại diện các phòng ban từ ĐHQG HN và toàn thể cán bộ, công nhân viên của VJU. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm 2020 do ĐHQGHN giao; đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Giám đốc ĐHQGHN tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đào tạo 2019 – 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, GS. Furuta Motoo đã nêu bật các kết quả đáng ghi nhận của Trường trong năm học 2019-2020. Cụ thể, gần 20% học viên tốt nghiệp đã được nhận học bổng học tiếp bậc học Tiến sĩ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, trên 15% học viên tốt nghiệp được nhận vào làm việc tại các tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản tại Nhật Bản. Số còn lại hầu hết đã nhận được việc làm tốt tại các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và trong nước tại Việt Nam. Năm học 2019-2020 cũng là năm học đầu tiên Trường triển khai Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nước tiểu vùng sông Mekong” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Hội nhập Asean – Nhật Bản. Dự án này là lợi thế lớn trong việc thu hút học viên quốc tế, góp phần gia tăng tỉ lệ quốc tế hóa cho Trường và cho ĐH QGHN. Về hoạt động nghiên cứu, năm học 2019-2020 số lượng công trình công bố của Trường cũng tăng mạnh, đạt 66 bài, trong đó có 42 bài được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Oanh trình bày tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Oanh đã trình bày các kết quả triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo ĐHQGHN. Thứ nhất, Trường xác định phát triển bền vững dựa trên triết lý “tuyển chọn giảng viên tốt và người học tốt”. Năm 2019-2020, Trường có 38 giảng viên cơ hữu và giảng viên Nhật Bản toàn thời gian do JICA phái cử. Bên cạnh đó, trường có 120 giảng viên thỉnh giảng là các giáo sư do các đại học đối tác phái cử. Trong thời gian tới, Trường sẽ thành lập 2 Khoa gồm Khoa Khoa học xã hội liên ngành và Khoa Công nghệ Kỹ thuật tiên tiến và thành lập một số phòng ban mới nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác đào tạo bậc đại học sắp được triển khai tại Trường. Thứ 2, Trường đang tiến hành các hoạt động tuyển sinh cho 8 Chương trình Thạc sĩ, duy trì đào tạo chất lượng bậc thạc sĩ và triển khai mở bậc đại học, khẳng định thương hiệu đào tạo chất lượng trong xã hội. Thứ 3, với số lượng giảng viên cơ hữu và các nguồn lực tài chính còn hạn chế, trong năm 2019-2020, đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đã nỗ lực trong NCKH và hợp tác quốc tế. Tổng số đề tài nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn báo cáo là 26, trong đó có 4 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài cấp ĐHQGHN và 17 đề tài cấp Trường. Riêng 7 tháng đầu năm 2020, giảng viên và chuyên gia trong Trường đã công bố được 21 công trình trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus. Thứ 4, Trường gia tăng nguồn thu sự nghiệp và chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu hoạt động giai đoạn 2020-2025. Các nỗ lực hiện tại gồm Chủ động tìm kiếm nguồn thu, đầu tư, hỗ trợ từ bên ngoài cho các Chương trình đào tạo; Chủ động thiết lập các Chương trình đào tạo ngắn hạn, trao đổi học viên với các trường đối tác nhằm tạo nguồn thu cho Trường; Thiết lập toàn bộ hệ thống vận hành tài chính trong đơn vị nhằm đảm bảo mục tiêu hiệu quả, tiết kiệm, và đáp ứng tốt các hoạt động đào tạo, nghiên cứu; Thực hiện chính sách khuyến khích vật chất trong công tác can bộ, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thứ 5, dự án xây dựng Trường sử dụng vốn vay của chính phủ Nhật Bản đã được Chính phủ phê duyệt đề xuất vào tháng 12/2019. Hiện nay, Trường đang tích cực phối hợp với ĐHQGHN và JICA để thực hiện các bước nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của Dự án. Bên cạnh đó, Quy chế tài chính đặc thù đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu mối trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Bà Nguyễn Thu Phương – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính trình bày tại Hội nghị
Phần thảo luận, lấy ý kiến của cán bộ, viên chức và người lao động đã thu nhận nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề như chế độ lương thưởng cho cán bộ, viên chức, cách tính và quy đổi giờ giảng, công trình nghiên cứu khoa học, quy trình sử dụng các thiết bị nghiên cứu, và các giải pháp ứng phó trong giai đoạn covid để việc đào tạo và nghiên cứu khoa học đảm bảo chất lượng, và các cơ chế cho giảng viên khi tham gia giảng dạy online… Tất cả các mối quan tâm của cán bộ, viên chức, người lao động được Ban Giám hiệu giải đáp trực tiếp và tiếp tục nghiên cứu để tạo ra một môi trường học tập nghiên cứu lành mạnh, tạo động lực học tập, nghiên cứu và cống hiến công bằng cho mọi người.
Hội nghị đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2020-2021 cần tập trung thực hiện gồm: Đẩy mạnh tốc độ thu hút và phát triển nhân lực khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo và nghiên cứu trong giai đoạn tới; Cải tiến hệ thống quy trình quản lý, xây dựng văn hoá làm việc chuyên nghiệp; Gia tăng hoạt động truyền thông nội bộ và gắn kết nội bộ nhằm xây dựng cộng đồng VJU đoàn kết, gắn bó trong VJU nói riêng và ĐHQGHN nói chung; Tăng cường hoạt động quảng bá, truyền thông về Trường để thu hút người lao động và người học tham gia giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Trường. Về công tác đào tạo, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, các mục tiêu trọng tâm gồm có chuẩn bị các điều kiện để mở thêm các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học, chú trọng phát huy các thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản mà xã hội Việt Nam có nhu cầu; Tiếp tục các hoạt động xúc tiến nghiên cứu một cách bền vững trên cơ sở tiềm lực khoa học thực tế của đơn vị; bước đầu thiết lập các nhóm nghiên cứu/hướng nghiên cứu chính của Trường theo chiến lược phát triển tới năm 2035 đã trình Hội đồng trường. Về công tác tài chính và cơ sở vật chất, Trường phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Dự án Trường để xây dựng dự án khả thi phát triển Trường, xây dựng các yêu cầu cho dự án một cách tổng thể cả về đào tạo và nghiên cứu; Tăng cường nguồn lực tài chính, chủ động phát triển nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước. Xây dựng hệ thống phân phối nguồn lực tài chính và phát huy các lợi thế của Trường theo Quy chế tài chính đặc thù (nếu được duyệt); Mở rộng và tăng cường năng lực cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao, từng bước vận hành thí điểm cơ sở theo kinh nghiệm Eco-campus của Nhật Bản; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho dự án đầu tư, xây dựng Trường tại Hoà Lạc, đồng thời xây dựng ngay phương án tạm thời về sử dụng cơ sở vật chất cho nhà trường trong giai đoạn dự án ODA đang trong quá trình triển khai, chưa đưa vào sử dụng.
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQG HN phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị qua cầu truyền hình, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQG HN đã phát biểu chỉ đạo, tập trung vào các nội dung chính sau. Trường ĐHVN là đơn vị mới của ĐHQGHN, gồm cả cán bộ Việt Nam và Nhật Bản, do vậy cần gia tăng thông tin chung về ĐHQG, đẩy mạnh truyền thông nội bộ để tạo một cộng đồng trách nhiệm, dựa trên niềm tự hào VJU. Có thể đẩy mạnh các hoạt động team building để gắn kết nội bộ. Trong năm 2021, Trường cần hoàn thành nhanh chóng chiến lược, kế hoạch mở các chương trình đào tạo; Phối hợp chặt chẽ với BQL Dự án để tập trung trong khâu đầu tư, thảo luận về quy hoạch 1/500, thiết kế các chương trình đào tạo có sự tham gia của cán bộ, viên chức của Trường. Về phát triển nhân lực, Trường cần thu hút nhân lực mang tính toàn cầu, không chỉ dựa vào nhân lực của hai phía Việt Nam – Nhật Bản. Về cơ sở vật chất, Trường cần có ngay phương án tạm thời cho năm 2021-2022, khi vốn ODA chưa giải ngân cho VJU. Cân nhắc việc tính toán quy đổi giờ dạy, giờ khoa học cho giảng viên một cách phù hợp nhất. Việc nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên là quan trọng, tuy nhiên giảng viên vẫn phải tham gia các công việc khác của nhà trường (tư vấn cho sinh viên, tổ chức các sự kiện của trường, coi thi…)
Nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ CNV Trường đại được nêu lên và giải đáp tại Hội nghị