Bài viết của TS. Đặng Quang Vinh – Giảng viên Chương trình Thạc sỹ Chính sách công (MPP)
Đã từ lâu, thể chế và chính sách công được coi là các yếu tố quan trọng hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế[1]. Ở Việt Nam, vai trò của chính sách công được thể hiện rõ nét ở các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tư nhân cụ thể là xây dựng thể chế rõ ràng hơn, minh bạch hơn cho hoạt động đầu tư.
Về xây dựng thể chế rõ ràng hơn, minh bạch hơn cho hoạt động đầu tư, năm 2014 Quốc hội ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với nhiều cải cách về đầu tư, kinh doanh. Với Luật Đầu tư năm 2014, lần đầu tiên pháp luật Việt Nam quy định rõ các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp tư nhân bị cấm kinh doanh hoặc được phép kinh doanh, đồng thời quy định rõ các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện. Đối với Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc thành lập doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều do Luật này không yêu cầu nhà đầu tư pháp đáp ứng các yêu cầu, điều kiện kinh doanh khi xin đăng ký thành lập doanh nghiệp. Luật này tạo ra khung khổ pháp lý linh hoạt hơn cho hoạt động của công ty bằng cách cho phép các công ty linh hoạt hơn trong lựa chọn mô hình tổ chức quản trị, linh hoạt hơn trong việc quy định nguyên tắc quản trị cụ thể phù hợp thực tế của công ty, như: cho phép công ty cổ phần tự do lựa chọn hình thức tổ chức quản lý theo mô hình “đơn hội đồng” hoặc “đa hội đồng”. Luật này cũng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi có yêu cầu cao hơn về công khai hóa thông tin đối với công ty, mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho các cổ đông, tăng cường quyền được tiếp cận thông tin, định kỳ hoặc theo yêu cầu, đối với mọi cổ đông không hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần, đặc biệt đối với các thông tin về quản lý và giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi của công ty; xác định rõ hơn, cụ thể hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý công ty.
Sinh viên Chương trình Chính sách công đi ngoại khóa trong chuyến thực tập tại Nhật Bản
Nối tiếp chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, từ 2018 Chính phủ đã liên tục thực hiện các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Năm 2018, Chính phủ đề ra mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống thể chế về đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% số quy định kinh doanh và 20% chi phí tuân thủ quy định kinh doanh.
Thời gian qua, Việt Nam liên tục được Ngân hàng thế giới đánh giá có sự cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh, nhờ vậy rút ngắn thời gian, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Qua bốn năm (2016-2019), môi trường kinh doanh tăng 5,97 điểm (thể hiện cải thiện chất lượng) và 12 bậc (từ thứ 82 năm 2016 lên thứ 70 năm 2019).
Các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư, thành lập doanh nghiệp. Năm 2019, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,2% so với năm trước. Tổng số vốn đăng ký là 1.730,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.254,4 nghìn lao động, tăng 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm gần đây[2]. Đây là một bằng chứng rất thuyết phục về vai trò của chính sách công đối với tăng trưởng kinh tế.
Trường Đại học Việt Nhật là một trong số ít trường đại học tổ chức đào tạo toàn thời gian chương trình thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công. Đến với Chương trình Thạc sĩ Chính sách công của trường Đại học Việt Nhật, học viên sẽ không chỉ có cơ hội được học tập và nghiên cứu cùng với các giáo sư Nhật Bản và giảng viên Việt Nam, mà các học viên xuất sắc của chương trình còn sẽ còn có nhiều cơ hội được nhận học bổng của chính phủ và các tổ chức Nhật Bản, Việt Nam, cũng như học bổng thực tập 03 tháng tại Nhật Bản.
Năm 2020, Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN tiếp tục tuyển sinh và cấp học bổng cho 8 chương trình đào tạo Thạc sĩ. Trong đó, quỹ hội nhập Nhật Bản – ASEAN (JAIF) cấp 26 học bổng toàn phần cho học viên Việt Nam giá trị cao. Đợt tuyển sinh năm nay được chia thành 04 đợt:
1) Đợt 1: Gộp vào đợt 2 và đợt 3
2) Đợt 2: Ngày 09/06/2020
3) Đợt 3: Ngày 17/08/2020
4) Đợt tuyển sinh bổ sung: 17/09/2020
(Sáng: 8h00-12h00, Chiều: 13h30 – 17h30)
Nơi tiếp nhận hồ sơ:
Bộ phận Tuyển sinh
Phòng 509, Tầng 5, Cơ sở Mỹ Đình, đường Lưu Hữu Phước, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
+ Tel: (+84-4) 73 06 6001 (số máy lẻ: 5093)
+ Hotline: +84-969 638 426 hoặc +84-966 954 736
+ Email: admission@vju.ac.vn
[1] Rodrik, D., Subramanian, A., & Trebbi, F. (2004). Institutions rule: the primacy of institutions over geography and integration in economic development. Journal of Economic Growth, 9, 131–165.
[2] Tổng cục Thống kê, “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2019”, xem tại https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=19454