Sáng ngày 29/08/2017 – Tại Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN, GS.TS. Ueno Kunikazu đã có buổi nói chuyện về “Phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự phát triển của các địa phương” trong hội thảo nằm trong chuỗi Hội thảo chuyên đề của Chương trình thạc sĩ Khu vực học.
Mở đầu buổi Hội thảo, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Việt Nhật phát biểu giới thiệu về GS. TS. Ueno Kunikazu và mục tiêu, nội dung của buổi Hội thảo. Đây là Hội thảo nằm trong chuỗi Hội thảo chuyên đề được Nhà trường thường xuyên tổ chức nhằm cung cấp kiến thức thực tế, các cách giải quyết vấn đề hiện nay của xã hội, đồng thời là cơ hội để các học viên và những người quan tâm được gặp gỡ, trao đổi với các giáo sư, và các chuyên gia.
GS. TS. Ueno Kunikazu là người có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu di sản văn hóa, đặc biệt là kiến trúc cổ. Ông từng là một trong những thành viên cốt cán của Đoàn chuyên gia tư vấn Nhật Bản tham gia điều tra, khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long, đã mở đầu bài giảng bằng một loạt những hình ảnh tư liệu về di sản văn hóa mà Việt Nam đang sở hữu như quần thể di tích Yên Tử, cầu Long Biên, nhà thờ Phát Diệm, tranh đông hồ, nghề điêu khắc, nghề làm hương v.v. Đặc biệt, GS. TS. Ueno Kunikazu có nhắc đến khu di tích chùa cổ đang được khai quật và nghiên cứu ở khu vực Yên Tử, Quảng Ninh – Đá Chông – nơi có thể ẩn chứa một tín ngưỡng dân gian cổ xưa của người Việt, trước khi các tín ngưỡng, tôn giáo ngoại lai khác xuất hiện. “Nếu chúng ta không khai quật, tìm hiểu, chúng ta sẽ không biết ý nghĩa của các di sản, từ đó không thể có cách bảo tồn di sản văn hóa phù hợp”, GS. TS. Ueno Kunikazu cho biết.
Đối với sự phát triển của địa phương, di sản văn hóa là một điểm sáng cho việc mở rộng ngành du lịch, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, theo lời GS. TS. Ueno Kunikazu, chúng ta không nên coi di sản văn hóa như công cụ để thu hút khách du lịch, mà phải tìm cách bảo tồn chúng để đời đời có thể kế thừa giá trị của những di sản này. Có rất nhiều hoạt động vừa thu hút khách du lịch, vừa bảo vệ toàn vẹn cho một di sản văn hóa mà người Nhật Bản áp dụng như: du lịch sinh thái, du lịch homestay, kết hợp du lịch với việc khám phá những hoạt động sản xuất sinh hoạt của người dân xung quanh khu di tích, v.v.
Thực trạng ở Việt Nam khiến nhiều di sản văn hóa đứng trước nguy cơ biến mất, suy giảm giá trị chính là qui hoạch đô thị không tính đến việc bảo tồn di sản văn hóa. Những khu nhà ở mới được xây dựng đồng nghĩa với việc mất đi những ngôi làng cổ, và lịch sử của vùng đất đó cũng dần rơi vào quên lãng.
Đồng thời, một thực trạng khác là tại Việt Nam, ý thức gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa đại phương của người dân chưa cao, chưa có các phong trào mang tính đại chúng về vận động bảo tồn di sản văn hóa.
Nhật Bản cũng từng phải đối mặt với việc mất đi các di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ hiện đại hóa, nhưng đã tìm được cách để không những bảo tồn mà còn phát huy được những di sản văn hóa của họ. Những năm gần đây, Nhật Bản đã triển khai hoạt động “Machizukuri”[1] (Tạm dịch: Xây dựng và phát triển đô thị). Trong hoạt động Machizukuri thì việc bảo tồn các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng. Việc phát hiện, đánh giá giá trị của di sản văn hóa sẽ giúp người ta nhìn nhận lại khu vực và môi trường khu vực mình đang sinh sống để từ đó hình thành nên ý thức về bản sắc. Với điểm tựa là các di sản văn hóa, người dân sẽ nảy sinh tình cảm, lòng tự hào và ý chí muốn cải tạo địa phương trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Một số hoạt động nằm trong “Machizukuri” như: bản đồ phố cổ được vẽ bởi người dân và các em học sinh tiểu học; sau thiên tai, các em học sinh tìm lại kỷ vật của mình; v.v. được người dân địa phương tổ chức để củng cố tình yêu của thế hệ sau với di sản văn hóa tại địa phương.
Chính hoạt động này đã giúp người Nhật tìm lại những lễ hội, nghi thức truyền thống tưởng chừng đã mất đi, hấp dẫn người trẻ tuổi và du khách tham gia, từ đó củng cố cộng đồng dân cư trở nên vững mạnh.
Theo GS.TS. Ueno Kunikazu :”Machizukuri” trong tiếng Nhật mang nhiều nghĩa đa dạng và phức tạp khác nhau. Từ này không đơn giản là để chỉ việc xây dựng đường xá, nhà cửa, công viên hay các công trình công cộng, mà để chỉ về những hoạt động mang tính chất phần mềm hơn là phần cứng của đô thị. Theo cảm nhận của cá nhân tôi thì từ này thường dùng để chỉ toàn bộ những hoạt động hướng đến việc tạo dựng một trường an toàn, an tâm và dễ sống. Điều này bao gồm cả việc hình thành nên cộng đồng chung. Trong nhiều trường hợp người ta còn phải tiến hành giáo dục và nâng cao ý thức của người dân. Bởi vì, thông qua các hoạt động đó người dân có thể dần từng bước tham gia vào “Machizukuri” để tạo dựng cảnh quan nơi mình sinh sống.
Bên cạnh hoạt động của người dân, chính phủ Nhật Bản thực hiện nhiều chính sách chung tay cùng người dân bảo tồn di sản văn hóa, gồm : giảm thuế, hỗ trợ chi phí bảo tồn, và qui định hoạt động du lịch của từng hộ dân để đảm bảo nguồn lợi từ di sản văn hóa có thể được chia đều cho tất cả người dân địa phương sống quanh khu di sản.
Sức mạnh của người dân là yếu tố tối quan trọng trong việc giữ gìn di sản văn hóa. Chính sách tốt không thể bằng người dân có ý thức tốt. GS. TS. Ueno Kunikazu khẳng định không thể áp dụng một cách máy móc Machizukuri vào Việt Nam, nhưng hoạt động học tập, giáo dục, dẫn dắt bởi những chuyên gia về di tích lịch sử, dành cho người dân tại Việt Nam là cần thiết trong giai đoạn này.
“Con người không chỉ sống bằng bánh mì”, con người có suy nghĩ về quá khứ và có niềm tự hào. Cũng giống như con người, mỗi địa phương cũng cần có lịch sử và bản sắc của riêng mình. Việt Nam đang có một xã hội hòa bình, ổn định và nền kinh tế đang phát triển – đó là những điều kiện thuận lợi để bảo tồn di sản văn hóa. Kết thúc bài giảng, GS.TS. Ueno Kunikazu gửi gắm hy vọng của mình đến những công dân Việt Nam hiện tại và trong tương lai, sẽ tìm cách giữ gìn, bảo tồn những di sản văn hóa đáng quý mà chúng ta đang sở hữu.