Giáo dục khai phóng đang là chủ đề được quan tâm ở các diễn đàn giáo dục trên toàn thế giới. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam – một xã hội đã quen thuộc với giáo dục chuyên môn, việc theo đuổi triết lý giáo dục này sẽ là một thách thức cho bất kỳ trường Đại học nào.
Trong Hội thảo “Giáo dục Khai phóng: Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 16/10/2017 vừa qua, GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN đã có bài phát biểu về sự cần thiết của giáo dục khai phóng trong thời đại ngày nay, nêu rõ định hướng phát triển giáo dục khai phóng tại Trường ĐH Việt Nhật. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của GS. Furuta Motoo trong buổi Hội thảo:
Trước hết tôi xin phép trình bày bối cảnh xu thế thời đại khiến cho người ta chú ý tới nhiều đến giáo dục khai phóng.
Hiện nay, cả Việt Nam và thế giới đang trải qua giai đoạn có những biến đổi xã hội lớn. Cuộc sống trong một xã hội thay đổi nhanh chóng có khía cạnh khiến chúng ta cảm giác kiến thức thông thường trở nên vô ích, giống như người “đi biển mà thiếu la bàn”. Tố chất cần thiết giúp chúng ta vượt qua trạng thái “đi biển mà thiếu la bàn” đó chính là một tầm nhìn rộng lớn. Tôi cho rằng đây là yếu tố cơ bản nhất làm cho nhiều người trên thế giới chú ý tới giáo dục khai phóng hơn trước đây.
Riêng lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhân loại đang có những phát triển vượt bậc. Trong thời gian qua, khoa học kỹ thuật phát triển theo hướng chuyên môn hóa và phân ngành hóa. Xu thế này một mặt đã kéo dài thời gian đào tạo nhà chuyên môn hơn trước đây. Hiện tại ở nhiều nước thế giới, giáo dục bậc đại học không còn đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo chuyên môn cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và giáo dục bậc sau đại học đang đảm nhiệm chức năng đào tạo chuyên môn cao. Giáo dục bậc cử nhân bắt đầu coi trọng đào tạo kiến thức cơ bản vững và tầm nhìn rộng, tức là coi trọng giáo dục khai phóng.
Mặt khác, xu thế chuyên môn hóa làm cho tầm quan trọng của lĩnh vực liên ngành và đa ngành tăng lên nhiều. Phát triển lĩnh vực liên ngành và đa ngành cũng yêu cầu kiến thức cơ bản vững, phạm vi ứng dụng rộng.
Trước bối cảnh thế giới ngày nay đang có những biến chuyển lớn như bùng nổ dân số, yêu cầu phát triển bền vững tăng cao, cách mạng công nghệ 4.0, A.I hóa và toàn cầu hóa, trong nền giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới đang nổi lên xu hướng coi trọng Mô hình mới đề cao đào tạo kỹ năng và năng lực áp dụng kiến thức hơn là trang bị kiến thức, nói một cách khác là coi trọng kỹ năng ứng phó với chuyển đổi lớn của xã hội và bồi dưỡng “năng lực con người tổng hợp” như khả năng điều khiển công nghệ AI cao, kỹ năng giao tiếp cao, năng lực hợp tác làm việc trong bối cảnh đa dạng, đa văn hóa, khả năng phát huy vai trò lãnh đạo, có đạo đức và lý luận cao. Tình hình như vậy cũng là bối cảnh khiến cho người ta chú ý tới nhiều tới giáo dục khai phóng.
Phần hai, xin phép cho tôi giới thiệu tình hình giáo dục khai phóng trong nền giáo dục đại học của Nhật Bản. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, các trường đại học Nhật Bản đã đưa triết lý giáo dục khai phóng vào chương trình đào tạo của mình với suy nghĩ là nền giáo dục đại học Nhật Bản trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã quá chú trọng giáo dục chuyên môn, đào tạo ra nhiều nhà lãnh đạo có tầm nhìn hẹp.
Nhiều trường đại học công lập của Nhật Bản đã áp dụng mô hình đào tạo chính quy bốn năm, hai năm đầu học chương trình đại cương và hai năm sau học chương trình chuyên môn. Tuy nhiên, cho đến thập niên 1990, giáo dục đại cương ở các trường đại học Nhật Bản đã bộc lộ một số khuyết điểm. Thứ nhất, Bộ Giáo dục Nhật Bản ban hành quy định cứng đối với các môn cơ sở nhân văn, xã hội, tự nhiên, áp dụng quy định này đối với tất cả các trường đại học. Quy định này rất cứng rắn, không cho phép các trường đại học tự mình sáng tạo những môn học phù hợp với thị hiếu của sinh viên của trường mình. Thứ hai, tên gọi nhiều môn đại cương không khác xa mấy tên gọi các môn học trong giáo dục phổ thông trung học và không có sức hấp dẫn đối với sinh viên. Thứ ba, các giảng viên phụ trách chương trình đại cương bị coi là “giảng viên đại học hạng hai” và không có cơ chế khuyến khích họ phát huy năng lực của mình. Những năm đầu thập niên 1990, khi Bộ Giáo dục Nhận Bản hủy bỏ Quy định cứng về giáo dục đại cương thì đại bộ phận các trường đại học Nhật Bản, ngoại trừ Đại học Tokyo, đã giải thể giai đoạn đại cương của mình. Đây là nguyên nhân gây nên nhận thức của không ít người nước ngoài cho rằng mô hình giáo dục đại cương ở Nhật Bản đã thất bại.
Lúc đó, chỉ riêng Đại học Tokyo vẫn duy trì Trường đại cương của mình. Đại học Tokyo cho rằng triết lý cơ bản của giáo dục khai phóng, đào tạo kiến thức cơ bản vững và tầm nhìn rộng, vẫn có vị trí quan trọng, nhất là đối với trường đại học có nhiệm vụ đào tạo nhân tài đóng vai trò lãnh đạo các lĩnh vực xã hội như Đại học Tokyo. Với nhận thức như thế, Đại học Tokyo đã triển khai một cuộc cải cách lớn nội dung giáo dục đại cương, tăng cường các môn học tự chọn phù hợp với tình hình xã hội và phát triển khoa học thời đại có sức hấp dẫn đối với sinh viên. Đại học Tokyo cũng xây dựng cơ chế các giảng viên sau đại học giảng dạy các môn đại cương, xóa bỏ tình trạng giảng viên phụ trách chương trình đại cương bị coi là “giảng viên đại học hạng hai”.
Năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt trong giáo dục khai phóng ở bậc đại học ở Nhật Bản. Đại học Waseda, một đại học tư thục tiêu biểu của Nhật Bản, quyết định thành lập mới School of International Liberal Studies và ở tỉnh Akita cũng có một trường đại học công ra đời với tên gọi là Akita International University. Mặc dù tên gọi tiếng Anh không dùng từ Liberal Arts nhưng nếu dịch trực tiếp tên tiếng Nhật sang tiếng Anh thì Trường có tên là Akita International Liberal Arts University “Akita Kyoyu Daigaku”. Trường Đại học này lấy “International Liberal Arts” làm triết lý cơ bản của trường và tuyên bố “cố gắng hồi phục hệ thống giáo dục khai phóng mà nền giáo dục đại học Nhật Bản đã từ bỏ một lần”. Sau đó nhiều trường đại học ở Nhật Bản đã lần lượt thành lập khoa hoặc trường áp dụng triết lý giáo dục khai phóng. Có thể nói năm 2004 là năm “hồi sinh” của giáo dục khai phóng ở Nhật Bản.
Lý do chính thúc đẩy giáo dục khai phóng hồi sinh vào thời điểm đó là xu thế toàn cầu hóa. Trong xu thế toàn cầu hóa, các trường đại học ngày càng tiếp nhận nhiều lưu học sinh nước ngoài và phải đào tạo nhân lực phát huy tài năng của mình trong bối cảnh đa văn hóa. Muốn đào tạo công dân toàn cầu phù hợp với xu thế thời đại thì giáo dục khai phóng đóng vai trò lớn.
Tôi đã từng làm Hiệu trưởng Trường Đại cương, Đại học Tokyo nhiệm kỳ 2001-2003. Trường Đại cương, Đại học Tokyo tự hào đã và đang đóng góp lớn vào việc hồi sinh và phát triển giáo dục khai phóng ở Nhật Bản. Từ năm 2004 đến năm 2007 tôi làm Phó Giám đốc phụ trách đào tạo ở Đại học Tokyo. Từ năm 2004 đến nay, trong số 6 Phó giám đốc phụ trách đào tạo của Đại học Tokyo, có 4 người nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại cương. Điều này cũng nói lên vị trí quan trọng của giáo dục khai phóng trong giáo dục đào tạo của Đại học Tokyo.
Phần thứ ba, tôi xin đề cập tới vị trí của giáo dục khai phóng tại VJU. VJU ra đời với sứ mệnh là “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế hướng tới trở thành nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà quản lý ở Việt Nam, Nhật Bản, khu vực Đông Á và thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay và tương lai”. VJU lấy giáo dục khai phóng là một trong những triết lý giáo dục cơ bản của trường nhằm hướng đến có những đóng góp mới, khác biệt và bền vững cho xã hội Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Ngoài bối cảnh chung mà tôi đã đề cập ở phần một, có một lý do khác đưa đến việc VJU nêu cao triết lý giáo dục khai phóng. Đó là kỳ vọng của các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Ở Nhật Bản đã thành lập một Hội đồng tư vấn cho Chính phủ để xúc tiến dự án xây dựng VJU. Có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tham gia hội đồng này. Tháng 8 năm ngoái, hội đồng đã xây dựng một bản khuyến nghị về định hướng xây dựng VJU và trình lên Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong đó có đoạn nhấn mạnh: “Trong bối cảnh xã hội đầy biến động hiện nay các doanh nghiệp cần “nguồn nhân lực có chất lượng cao và năng lực quản lý”, bao gồm khả năng giao tiếp, tính chủ động, khả năng giải quyết vấn đề hơn là nhân lực chỉ có các kỹ năng chuyên môn trong một số lĩnh vực riêng lẻ”. Với nhận định như vậy, bản khuyến nghị này nói rõ: “Đối với trình độ đại học, coi trọng kiến thức cơ bản theo mô hình liberal arts”.
Trước đây lý do chính mà các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là ở đây thuê được nguồn nhân lực giá rẻ. Nhưng hiện nay, nhiều công ty đã ổn định sản xuất và có nhu cầu nguồn nhân lực người Việt Nam chất lượng cao có thể đảm nhiệm được vai trò quản lý. Hơn nữa, một số công ty lớn của Nhật Bản dự kiến thuê nhân viên Việt Nam như những người được gọi là tài năng toàn cầu đến làm việc tại trụ sở chính ở Nhật Bản. Nguồn nhân lực toàn cầu là những người được kỳ vọng sẽ hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới như các giám đốc điều hành tương lai của công ty. Một trong những mục tiêu quan trọng của VJU là đáp ứng nhu cầu như vậy của giới doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Koshimura Toshiaki, cố vấn tối cao của tập đoàn Tokyu Nhật Bản, chủ tịch Hội đồng tư vấn xúc tiến dự án VJU đã có bài giảng đặc biệt với chủ đề “Hình mẫu sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Việt Nhật mà doanh nghiệp Nhật Bản trông đợi” ở VJU tháng 6 năm nay. Trong bài giảng này, ông Koshimura nhấn mạnh: “Bạn có thể chứng tỏ năng lực lãnh đạo của mình, phát triển và thành công như một nhà điều hành hay không là phụ thuộc vào khả năng thích ứng của bạn đối với bối cảnh liên tục thay đổi của môi trường toàn cầu, của tình hình trong nước và doanh nghiệp. Chính liberal arts sẽ là phương tiện mạnh mẽ nhất cho việc nuôi dưỡng khả năng thích ứng của các bạn trước những chuyển đổi lớn.”
Trong nền giáo dục đại học ở Việt Nam, không phải là không có lịch sử giáo dục khai phóng. Khi Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời giữa thập niên 1990 có thử nghiệm xây dựng trường Đại học Đại cương. Lúc đó tôi đã vận động Hiệu trưởng Trường Đại cương, Đại học Tokyo sang Hà Nội để trao đổi với ban lãnh đạo Trường Đại cương, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng thử nghiệm này không duy trì được lâu và trường Đại cương thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã bị giải thể. Tôi cho rằng ý tưởng xây dựng trường Đại cương là đúng nhưng cách tổ chức thực hiện có nhiều vấn đề. Ví dụ, cách liên kết Trường Đại cương với các trường chuyên môn không tốt và phát sinh tình huống sinh viên phải thi thêm kỳ thi chuyển giai đoạn, nghĩa là có hai lần thi nhập học, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường Đại cương quá ít v.v…
Sau khi giải thể trường Đại cương, khuynh hướng coi trọng giáo dục chuyên sâu trong nền giáo dục đại học ở Việt Nam lại tăng mạnh lên. Sinh viên chú trọng việc nhanh chóng nắm bắt kiến thức chuyên môn để có lợi thế khi xin việc làm. Doanh nghiệp muốn tuyển dụng sinh viên có năng lực chuyên môn để có thể sử dụng ngay sau khi tuyển dụng. Trong tình hình như vậy, với những trường nêu cao triết lý giáo dục khai phóng, việc thu hút nhiều sinh viên là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chính vì thế việc thành lập một trường đại học áp dụng căn bản và toàn diện triết lý giáo dục khai phóng có ý nghĩa to lớn.
VJU đang nghiên cứu phương án xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học theo mô hình Đại học Tokyo. Mô hình Đại học Tokyo có một số đặc điểm như sau. Thứ nhất, kết hợp hoạt động nghiên cứu ở bậc sau đại học với hoạt động đào tạo ở bậc đại học. Ở Đại học Tokyo tồn tại song song trường Đại cương và trường Sau đại học, cụ thể là Trường Đại cương (College of Arts and Sciences) và Trường Sau đại học (Graduate School of Arts and Sciences). Giảng viên cơ hữu của Trường Sau đại học phụ trách giảng dạy các môn đại cương tại Trường Đại cương. Thứ hai, tất cả sinh viên năm thứ 1 và thứ 2 của ĐH Tokyo đều phải học ở Trường Đại cương. Tất cả sinh viên học khung chương trình giáo dục đại cương chung nhưng có sự khác biệt về số tín chỉ và số lượng môn bắt buộc, môn tự chọn bố trí cho sinh viên định hướng khoa học xã hội và sinh viên định hướng khoa học tự nhiên. Sinh viên bậc đại học lựa chọn ngành và chuyên ngành khi kết thúc học kỳ 3, tức là sau khi học xong một năm rưỡi giáo dục đại cương (mô hình late specialization) .
VJU cũng dự kiến xây dựng cơ cấu kết hợp hoạt động nghiên cứu ở bậc sau đại học với hoạt động đào tạo ở bậc đại học. Cụ thể, chúng tôi dự kiến thành lập song song trường Đại cương và trường Sau đại học gọi là Trường Đại cương Văn hóa và Khoa học (Undergraduate School of Arts and Sciences, tên gọi tiếng Việt này bản thân chúng tôi cảm thấy chưa ổn và đang tìm tên gọi tốt hơn) và Trường Sau đại học về Khoa học bền vững (Graduate School of Sustainability Science). Ở Trường Đại cương Văn hóa và Khoa học dự kiến sẽ có 2 định hướng chương trình đào tạo và nghiên cứu chính: Khoa học Xã hội liên ngành và Khoa học bền vững tiên tiến. Mặc dù có 2 chương trình đào tạo nhưng ở giai đoạn 2 năm đầu, giống như ĐH Tokyo, tất cả sinh viên theo đuổi Khoa học xã hội liên ngành và Khoa học bền vững tiên tiến học khung chương trình giáo dục đại cương chung, có sự khác biệt về số tín chỉ và số môn bắt buộc và môn tự chọn bố trí cho sinh viên học Khoa học xã hội liên ngành và Khoa học bền vững tiên tiến. Khi sinh viên học xong học kỳ thứ 3 thì mới lựa chọn chuyên ngành của mình:
– Sinh viên Khoa học Xã hội liên ngành lựa chọn 1 trong các chuyên ngành: Luật và Chính trị; Kinh tế và Quản lý; Xã hội và Văn hóa; Nhật Bản học; Việt Nam học,…
– Sinh viên Khoa học bền vững tiên tiến lựa chọn 1 trong các chuyên ngành: Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật hạ tầng; Biến đổi khí hậu; Công nghệ Nano,…
Chương trình đại cương của VJU chú trọng trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về các lĩnh vực khoa học cơ bản (cả tự nhiên và xã hội), am hiểu những vấn đề cấp bách mà nhân loại thế kỷ 21 đang đương đầu, am hiểu văn hóa Việt Nam và văn hóa Nhật Bản, trình độ tiếng Nhật và tiếng Anh cao, bồi dưỡng kỹ năng thích ứng biến đổi lớn, kỹ năng sáng tạo và kỹ năng lãnh đạo qua active learning, problem based learning, team based learning,…
Mặc dù giáo dục khai phóng là trọng điểm của chương trình đào tạo nửa đầu bậc đại học (junior division) nhưng chúng tôi không quan niệm rằng chương trình đào tạo nửa sau bậc đại học (senior division) và chương trình đào tạo bậc sau đại học thuần túy là “giáo dục chuyên môn” và ở đó không có giáo dục khai phóng. Chúng tôi cho rằng giáo dục khai phóng dành cho chuyên gia đã được tranh bị kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực nhất định rất quan trọng và có lúc có hiệu quả hơn giáo dục khai phóng dành cho sinh viên mới nhập học vào đại học. Trong xu thế “học tập suốt đời”, một lúc nào đó người ta sẽ có nhu cầu học tập giáo dục khai phóng. Yêu cầu như vậy được gọi là “late generalization”. Chúng tôi mong muốn kết hợp “late specialization” và “late generalization” để tạo ra giáo dục khai phóng mới.
Hiện nay Trường Đại học Việt Nhật có 6 chương trình thạc sĩ, gồm Khu vực học, Chính sách công, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Nano, Kỹ thuật hạ tầng, và sắp mở thêm một chương trình nữa là Biến đổi khí hậu và phát triển. Đây là là các chương trình mang tính liên ngành, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên. Và mái nhà chung của các chương trình đào tạo này là phát triển bền vững và khoa học bền vững.
Hiện nay đối với xã hội loài người nói chung, đối với Việt Nam hay Nhật Bản nói riêng, việc tìm kiếm sự phát triển bền vững chính là vấn đề căn cốt. Chính khoa học bền vững là ngành khoa học yêu cầu sự tích hợp và liên kết nhiều lĩnh vực từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên, nhằm hướng tới một xã hội bền vững. Đây cũng chính là ngành khoa học sẽ đem lại một tầm nhìn rộng không thể thiếu cho những nhà lãnh đạo của thế kỉ XXI. VJU mong muốn các bạn học viên, sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật không chỉ nắm bắt được các kiến thức chuyên sâu mà còn chia sẻ được tầm nhìn rộng của khoa học bền vững. Với ý tưởng như vậy, trong chương trình thạc sỹ của VJU có hai môn bắt buộc về khoa học bền vững chung cho tất cả các chương trình thạc sỹ. Đối với VJU hiện tại, giáo dục về khoa học bền vững là giáo dục khai phóng sau đại học.