Ngày 12/12/2017, ông Sonoura Kentaro – Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã có bài nói chuyện tại Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN về chiến lược của Nhật Bản trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ông Sonoura Kentaro – Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản
Mở đầu bài nói chuyện, ông Sonoura Kentaro đã giới thiệu về hai tuyến giao thông quan trọng nối Việt Nam với các nước trong khu vực là Hành lang kinh tế Đông Tây và Hành lang kinh tế phía Nam. Trong hai tuyến này, hai cửa ngõ Cảng Đà Nẵng và Cảng Cái Mép Thị Vải đều sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ông Sonoura Kentaro cho rằng, thông qua cấp vốn ODA cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm chất lượng cao, Nhật Bản muốn giúp Việt Nam phát triển kinh tế và lan tỏa sức ảnh hưởng đến khu vực châu Á.
Theo ông Sonoura Kentaro, châu Á là trung tâm phát triển kinh tế toàn cầu với nhiều tiềm năng như trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và nguồn nhân lực trẻ. Điều quan trọng là đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực, trong đó đặc biệt là thiết lập trật tự trên biển trước những thách thức như an toàn an ninh, khủng bố, thiên tai. Do đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã khởi xướng “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng” nhằm kết nối các nước ở châu Á và Châu Phi thông qua các dự án hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó tăng cường sức mạnh kinh tế, đảm bảo an toàn an ninh cho khu vực. Điều này thể hiện qua ba nội dung chính:
Thứ nhất là phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ hai là tăng cường tính kết nối thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng như là xây dựng cảng biển, đường bộ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba là thúc đẩy các hoạt động vì hòa bình và ổn định bao gồm viên trợ, năng cao năng lực thực thi trên biển và giải quyết vấn đề khủng bố.
Theo ông Sonoura Kentaro, “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng” được xây dựng và triển khai trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển các giá trị chung về kinh tế, đề cao hòa bình và ổn định chính trị của các nước trong khu vực. Ông Sonoura Kentaro nhấn mạnh: “Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với bất kì quốc gia nào tán thành chiến lược này và xem Việt Nam là một quốc gia quan trọng vì vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam và Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng trên biển, là đối tác chiến lược”.
Khi được hỏi về những hoạt động cụ thể của Nhật Bản nhằm hỗ trợ Việt Nam thực thi pháp luật trên biển trong thời gian tới, ông Sonoura Kentaro cho biết: “Nhật Bản hợp tác với Việt Nam không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng ở Cảng Đà Nẵng và Cảng Cái Mép Thị Vải mà còn nâng cao khả năng thực thi pháp luật trên biển bằng việc cung cấp trang thiết bị và đào tạo đội ngũ nhân sự. Tháng 11 vừa qua, Nhật Bản đã hợp tác với cảnh sát biển của Mỹ, Philippine, Indonesia, Malaysia và Việt Nam trong chương trình bảo vệ đường biển nhằm nâng cao năng lực thực thi an ninh trên biển. Chính phủ Nhật Bản mong các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ đóng vai trò chủ động và tích cực để tăng cường khả năng thực thi này”.
Đối với câu hỏi liệu sáng kiến “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Nhật Bản có xung đột với sáng kiến “Một vành đai Một con đường” của Trung Quốc, ông Sonoura trả lời: “Nhật Bản đã bắt đầu khởi động chiến lược của mình từ năm 2007, tức là trước khi Trung Quốc khởi xướng sáng kiến “Một vành đai Một con đường”. Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương được xây dựng trên tinh thần hợp tác, phát triển dựa trên các giá trị chung, nếu Trung Quốc tán thành chiến lược của Nhật Bản và hành động theo tiêu chuẩn quốc tế, thì Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trên biển”.
Nhận định về Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN, ông Sonoura cho rằng Nhà Trường giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, là biểu tượng hợp tác của hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong phát triển văn hóa, giáo dục và con người.
Kết thúc bài nói chuyện, ông Sonoura Kentaro tin tưởng rằng học viên của Trường Đại học Việt Nhật sẽ không chỉ đóng vai trò cầu nối Việt Nam và Nhật Bản mà còn góp phần tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của Việt Nam tới toàn cầu.