Nếu bạn muốn phát triển khoa học đơn thuần, hãy gửi sinh viên tới Mỹ hoặc Châu Âu, còn nếu bạn muốn phát triển cả một nền công nghiệp, hãy gửi họ đến Nhật Bản.”- Nhận định của GS. Kozo Ishizaki, Giáo sư danh dự, Cố vấn Chủ tịch, Nguyên Phó Chủ tịch Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản), trong bài giảng đặc biệt “Lịch sử phát triển công nghiệp ở Nhật Bản trong hai thế kỷ vừa qua – Các khía cạnh giáo dục và ngôn ngữ học” diễn ra vào chiều ngày 14/5/2018 tại Trường Đại học Việt Nhật.
Nhật Bản là một trong các quốc gia được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới về lịch sử kinh tế, với sự tăng trưởng thần kỳ qua ba giai đoạn: Giai đoạn 1 vào thời kỳ Edo (năm 1603), giai đoạn 2 từ cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân (năm 1868) và đặc biệt giai đoạn 3 từ sau Thế Chiến thứ hai (năm 1945) với nền kinh tế tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, Nhật Bản đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Có nhiều lý do dẫn tới sự chuyển mình mạnh mẽ này, trong đó nước Nhật đã tích cực học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của phương Tây vào phát triển công nghiệp.
Trong sự nghiệp của mình, GS. Kozo Ishizaki đã có những nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của ngôn ngữ đối với giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ từ thời kỳ Meiji đến nay. Từ những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, trong bài giảng của mình tại Trường Đại học Việt Nhật, giáo sư Ishizaki đã chia sẻ những góc nhìn, phân tích về sự thành công của Nhật Bản trong phát triển công nghiệp thông qua giáo dục và ngôn ngữ, đồng thời đưa ra những so sánh với các nước phát triển khác.
Về khía cạnh giáo dục, giáo sư cho biết, hầu hết các đại học tại Nhật Bản được thành lập sau năm 1868 do những đòi hỏi trong thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp, dẫn đến thiên hướng phát triển các ngành đào tạo đại học về khoa học kĩ thuật cao hơn các ngành khác. Cụ thể, tỉ lệ sinh viên trong các ngành đào tạo kĩ sư so với các ngành khoa học cơ bản ở Nhật là 6, trong khi con số này ở Anh và Mỹ chỉ là 0.7 và cũng chỉ là 1.3 tại Đức. “Nếu bạn muốn phát triển khoa học đơn thuần, hãy gửi sinh viên tới Mỹ hoặc Châu Âu, còn nếu bạn muốn phát triển cả một nền công nghiệp, hãy gửi họ đến Nhật Bản.” GS. Ishizaki chia sẻ.
Một điểm khác biệt trong lịch sử phát triển công nghiệp ở Nhật Bản so với các nước phát triển khác chính là triết lí hoạt động của các công ty. Tại các công ty Nhật Bản, các sản phẩm, dù đơn giản nhất, cũng được tăng giá trị nhờ việc gia tăng hàm lượng kĩ thuật và ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm và ý tưởng kinh doanh tại Nhật, do đó, đều được xuất phát từ chính những dự án nghiên cứu trong trường đại học.
Ngoài ra, quan niệm công ty thuộc về tất cả các thành viên không phân biệt cấp bậc cũng góp phần tạo sự ổn định và phát triển lâu dài cho doanh nghiệp Nhật Bản. Trong thực tế, hiện nay tại Nhật Bản có hơn 3300 công ty lâu năm, chiếm hơn 50 % số lượng các công ty, doanh nghiệp lâu đời trên toàn thế giới.
Về khía cạnh ngôn ngữ, trong quá trình tiếp cận học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào phát triển nền công nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã cho chuyển ngữ các thuật ngữ khoa học kỹ thuật từ các ngôn ngữ phương Tây sang tiếng Nhật và phổ biến đại chúng thông qua giáo dục, đào tạo. Chính nhờ việc dịch các thuật ngữ, tài liệu này, mà người Nhật đã học hỏi, nắm bắt được các kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại mà không phụ thuộc vào việc có thành thạo ngoại ngữ hay không. GS. Ishizaki cho biết, thậm chí một trong những nhà vật lí học được giải Nobel của Nhật Bản còn không nói được tiếng Anh.
Không chỉ vậy, theo GS. Ishizaki, trong quá trình chuyển ngữ này, trong ngôn ngữ Nhật Bản cũng phát triển những từ vựng mới về các khái niệm liên ngành, đa lĩnh vực mà thậm chí không có từ vựng tương đương trong Tiếng Anh.
Bài giảng “Lịch sử phát triển công nghiệp ở Nhật Bản trong hai thế kỷ vừa qua – Các khía cạnh giáo dục và ngôn ngữ học” là bài giảng thứ 8 trong chuỗi bài giảng đặc biệt của Trường Đại học Việt Nhật. Bài giảng đã tạo cơ hội cho học viên Trường Đại học Việt Nhật, chuyên gia nghiên cứu và người quan tâm được tìm hiểu thêm về lịch sử phát triển vượt bậc của nền công nghiệp Nhật Bản cùng những đóng góp của ngôn ngữ học và giáo dục tới sự phát triển này.