Từ 6/6 đến 9/6/2018, toàn bộ học viên khóa 2 Chương trình thạc sĩ Kỹ thuật hạ tầng (MIE) đã đi nghiên cứu thực tế tại các công trình hạ tầng kỹ thuật, dân dụng lớn ở Tp Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là hoạt động bắt buộc và quan trọng trong Chương trình đào tạo thạc sĩ Kỹ thuật hạ tầng giúp học viên kết nối kiến thức kỹ thuật công nghệ hạ tầng tiên tiến được học tại Trường với thực tiễn. Chuyến đi thành công tốt đẹp, học viên khóa 2 cảm thấy tự tin hơn trong việc vận dụng những kiến thức đã học.
Học viên Chương trình thạc sĩ Kỹ thuật hạ tầng tham gia chuyến đi thực tế tại Tp. Hồ Chính Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu
Tham gia chương trình nghiên cứu thực tế có toàn bộ học viên, giám đốc chương trình, giảng viên của MIE. Địa điểm nghiên cứu là những dự án trọng điểm của quốc gia sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản: dự án cầu Bình Khánh (một phần của đường bộ cao tốc Bắc – Nam), tuyến đường sắt Metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên), dự án Empire City tại khu đô thị Thủ Thiêm và cảng Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Tại các dự án này, học viên được tiếp cận các công nghệ xây dựng và phương thức quản lý dự án tiên tiến chuyển giao từ Nhật Bản.
Tại dự án cầu Bình Khánh, là cầu dây văng vượt sông có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam (55m), học viên được giới thiệu về tiến độ thi công và tiếp cận trụ cầu cao nhất Việt Nam (bằng thuyền).“Thực sự choáng ngợp trước trụ cầu nhất Việt Nam đứng sừng sững trước sóng gió cửa biển Soài Rạp Sài Gòn đang chờ ngày hòa mình cùng cao tốc Long Thành- Bến Lức” là cảm nhận của học viên Trần Quang Đức.
Học viên Chương trình thạc sĩ Kỹ thuật hạ tầng tại công trình cầu Bình Khánh
Hình ảnh đường dẫn lên cầu Bình Khánh được thi công theo phương pháp đúc hẫng
Tại dự án đường sắt Metro số 1, học viên đã đi bộ trong đường hầm dài hơn 700m và quan sát tận mắt hệ thống máy đào hầm hiện đại TBM (Tunnel Boring Machine) lần đầu sử dụng tại Việt Nam. Cỗ máy hiện đại này gây ấn tượng mạnh với các học viên bởi khả năng vận hành chuẩn xác chỉ với 5 công nhân.
Học viên Chương trình thạc sĩ Kỹ thuật hạ tầng khảo sát đoạn hầm được đào và lắp vỏ bằng máy TBM tại tuyến đường sắt Metro số 1 (Tp. Hồ Chí Minh)
Học viên Chương trình thạc sĩ Kỹ thuật nghe giới thiệu công nghệ thi công tuyến đường sắt đô thị số 1, Tp. HCM
Học viên Chương trình thạc sĩ Kỹ thuật thực tế tại cảng Tân Cảng – Cái Mép Terminal
Cảm nhận về các dự án đã đến thực tế, học viên Nguyễn Đức Trung chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên và cũng là sâu sắc nhất của mình về các dự án có yếu tố Nhật Bản đó là tính kỷ luật. Công trường tại các dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản đều ngăn nắp, sạch sẽ, các yêu cầu về an toàn lao động được đặt lên hàng đầu, được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt.”
“Đối với riêng bản thân tôi, với vai trò là một kỹ sư tư vấn thiết kế, phần lớn thời gian của tôi là ở trong văn phòng với máy tính, hồ sơ, bản vẽ. Chuyến đi này thực sự đã cho tôi thêm nhiều kiến thức mà trước nay tôi chưa từng biết, cũng như một môi trường học tập mà tôi chưa bao giờ được tham dự.”, học viên Nguyễn Danh Minh cho biết.
Học viên Chu Anh Tuấn nhấn mạnh chuyến đi rất bổ ích: “Cùng với việc học tập, cập nhật những ứng dụng trong thực tế, chuyến đi này còn củng cố sự gắn kết cho tình thầy trò, tình bạn của chúng tôi. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng đồng hành trong chuyến thực tế, chúng tôi đã có thêm rất nhiều điều để chia sẻ, giúp nhau trưởng thành hơn, quan trọng nhất là được hiểu về tinh thần đoàn kết, tất cả bỗng chốc trở thành một gia đình lớn, gia đình thật sự.”
Một số hình ảnh về các công trình mang đậm dấu ấn Nhật Bản qua chuyến đi thực tế của học viên Chương trình Kỹ thuật tạ hầng tại Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Trong hầm đường sắt đô thị Metro số 1 tại Tp. Hồ Chí Minh
Máy đào TBM trong hầm đường sắt Metro số 1, Tp. Hồ Chí Minh
Phần thi công đào hở tại ga Ba Son, tuyến đường sắt Metro số 1, Tp. Hồ Chí Minh
Trước lối xuống đường hầm đào bằng TBM
Trụ tháp chính của cầu Bình Khánh
Trên cano ra tham quan trụ tháp chính cầu Bình Khánh
Tại văn phòng công trường thi công cầu Bình Khánh