Sáng ngày 13/01/2024 vừa qua, hội thảo “Lịch sử giáo dục khai phóng tại Việt Nam và những gợi mở” do Trường Đại học Việt Nhật phối hợp với Viện Phát triển giáo dục khai phóng Libero tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện vinh dự có sự góp mặt của các giảng viên Trường Đại học Việt Nhật, trường Đại học KHXH & NV, các chuyên gia của Viện Libero cùng với các sinh viên, học viên quan tâm tới tham dự Hội thảo.
Mở đầu chương trình là tham luận “Giáo dục khai phóng tại Việt Nam và Nhật Bản qua kinh nghiệm của bản thân tôi” với phần trình bày của GS. TS Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật. Tham luận của GS.TS Furuta có bốn nội dung chính: (i) Tình hình giáo dục khai phóng trong nền giáo dục đại học của Nhật Bản; (ii) Thử nghiệm thành lập Trường Đại cương Đại học Quốc gia Hà Nội; (iii) Trường Đại học Việt Nhật và Giáo dục khai phóng; và (iv) Triển vọng giáo dục khai phóng tại Việt Nam.
TS Furuta Motoo chia sẻ: “Từ kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy, việc triển khai giáo dục khai phóng ở Việt Nam là công việc không hề dễ dàng, nhưng có thể từng bước thực hiện được bằng cách điều chỉnh mô hình giáo dục khai phóng phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Trường Đại học Việt Nhật sẽ tiếp tục kiên trì triết lý giáo dục khai phóng và quảng bá triết lý này ở Việt Nam.”
GS. TS Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật trình bày tham luận tại Hội thảo
“Câu chuyện Đại học Phan Châu Trinh, một thử nghiệm giáo dục khai phóng nhọc nhằn” là tham luận tiếp theo được trình bày bởi TS. Chu Hảo – Viện trưởng Viện Phan Châu Trinh, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Phan Châu Trinh. Trong phát biểu của mình, TS. Chu Hảo đã chia sẻ về lịch sử các trường giáo dục khai phóng trên thế giới và ở Việt Nam; thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay nói chung và khái lược tình hình giáo dục khai phóng nói riêng.
TS. Chu Hảo – Viện trưởng Viện Phan Châu Trinh, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Phan Châu Trinh phát biểu tham luận tại Hội thảo
Tiếp nối chương trình, Ông Dương Trọng Tấn – Giám đốc Viện Libero đã có bài tham luận với chủ đề “Khái lược tình hình giáo dục khai phóng ở Việt Nam hiện nay”. Qua nghiên cứu cá nhân, Ông Tấn nhận thấy ngày càng có nhiều sự quan tâm về giáo dục khai phóng trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, hiện nay đã có hàng chục cơ sở giáo dục tích cực triển khai giáo dục khai phóng theo những mức độ và cách thức khác nhau để gia tăng sự khác biệt, thúc đẩy các mục tiêu giáo dục phù hợp với bối cảnh thế kỉ 21. Ông cũng đề cập tới ý tưởng hình thành “mạng lưới giáo dục khai phóng” tại Việt Nam.
Ông Dương Trọng Tấn – Giám đốc Viện Libero đã có bài tham luận với chủ đề “Khái lược tình hình giáo dục khai phóng ở Việt Nam hiện nay”.
Ở phần sau của chương trình, TS. Phạm Hùng Hiệp – Chương trình Research Coach in Social Sciences đã đem đến những thông tin vô cùng hữu ích thông qua bài tham luận “Tổng quan một số nghiên cứu về giáo dục khai phóng”. Bắt đầu từ ngày 09/09/2023. TS. Phạm Hùng Hiệp và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức – Trường Đại học Thành Đô đã phối hợp cùng Viện Libero xây dựng “Tổng quan nghiên cứu về giáo dục khai phóng từ 1908-2022 từ dữ liệu Scopus”. Đến nay, nhóm đã khái quát được một số kết luận đáng kể như: giáo dục khai phóng là chủ đề “kinh điển” trong nghiên cứu khoa học giáo dục, và vẫn tiếp tục thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu; có 4 hướng nghiên cứu chính: (i) Triết lý chung, (ii) Giáo dục đại học, (iii) Chương trình, phương pháp và đánh giá, và (iv) giáo dục khai phóng và các chuyên ngành hẹp; sự hiểu biết của cộng đồng học thuật Việt Nam về giáo dục khai phóng dường như còn hạn hẹp, sự đóng góp của cộng động học thuật Việt Nam cho nghiên cứu giáo dục khai phóng trên thế giới vẫn còn khiêm tốn….
TS. Phạm Hùng Hiệp – Chương trình Research Coach in Social Sciences trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo
Cũng trong chương trình, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các diễn giả xoay quanh câu chuyện thực hành giáo dục khai phóng tại Nhật Bản và Việt Nam.
Hội thảo đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Trường Đại học Việt Nhật và Viện Libero. Kỷ yếu hội thảo sẽ được Viện Libero và Trường Đại học Việt Nhật tổng hợp và gửi tới quý vị trong thời gian tới.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đã dành thời gian tới tham dự sự kiện hội thảo đặc biệt lần này.