Nghiên cứu do TS Đặng Hoàng Hải Anh và hai đồng tác giả là TS. CalogeroCarletto từ Ngân hàng Thế giới và TS. Nguyễn Việt Cường từ khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia thực hiện nhằm nhằm đánh giá các tác động của đại dịch đối với lao động và việc làm ở Việt Nam trong năm 2020. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về tác động của quyết định giãn cách xã hội do Covid-19 đối với lao động và việc làm ở Việt Nam trong năm 2020.
Điểm nổi bật của nghiên cứu so với các nghiên cứu trước đây ở các nước là quy mô mẫu có tính đại diện quốc gia và bối cảnh nghiên cứu ở một nước đang phát triển.
Trong nghiên cứu, các tác giả sử dụng dữ liệu Điều tra Lao động Việc làm Việt Nam từ năm 2015 tới năm 2020, với quy mô mẫu là 600 ngàn người trong mỗi năm và phương pháp ước lượng khác biệt trong khác biệt (difference in difference) để ước tính tác động nhân quả của việc giãn cách xã hội toàn quốc vào tháng 4 năm 2020. Nghiên cứu so sánh sự khác biệt giữa các kết quả lao động việc làm giữa quý 2 năm 2020 với quý 1 năm 2020 (khi chưa có tác động của quy định cách ly xã hội), sau khi đã loại trừ đi ảnh hưởng theo xu hướng của thời gian. Bên cạnh đó, các tác giả còn sử dụng phương pháp thiết kế hồi quy gián đoạn (Regression discontinuity design) để ước lượng tác động của Covid tới việc làm và thu nhập của người lao động. Ngoài ra, nghiên cứu cũng so sánh sự khác biệt giữa các nhóm được khảo sát chịu ảnh hưởng của giãn cách xã hội như nhóm lao động có lương và nhóm lao động không có lương, nhóm lao động có kỹ năng và nhóm lao động không có kỹ năng, lao động ở các tỉnh thành bị phong tỏa và lao động ở các tỉnh thành không bị phong tỏa…
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc cách ly xã hội theo Nghị quyết 16 vào tháng 4/2020 làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tạm thời, cũng như làm giảm chất lượng việc làm (được thể hiện qua các biến như tỷ lệ việc làm có bảo hiểm xã hội, tỷ lệ việc làm có hợp đồng lao động). Đại dịch Covid và việc cách ly xã hội cũng dẫn đến giảm sút số giờ làm việc, giảm thu nhập và tiền lương. Các kết quả nói trên đều có ý nghĩa về mặt thống kê sau khi các tác giả sử dụng các phương pháp kiểm tra khác nhau. Các tác giả cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của Covid khác nhau giữa các ngành nghề, trình độ giáo dục người lao động và các vùng khác nhau trong cả nước. Tuy nhiên, nhìn chung, những người lao động có kỹ năng thấp và trình độ giáo dục thấp chịu thiệt hại nhiều nhất. Tỷ lệ người lao động có tiền lương thấp hơn tiền lương tối thiểu tăng 32% do ảnh hưởng của đợt dịch Covid này. Du lịch và vận tải là hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong khi khu vực Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và đồng bằng Sông Hồng là ba khu vực thiệt hại nhất.
Các kết quả nói trên đóng vai trò là các đầu vào quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các quyết định trong ứng phó với Covid nhằm đảm bảo mục tiêu kép là phòng chống bệnh dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế, cũng như hỗ trợ cho những nhóm yếu thế chịu thiệt hại do dịch bệnh. Các tác giả cũng dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng Covid trong các đợt dịch năm 2021 để có được đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn về những ảnh hưởng của đại dịch này tới việc làm và thu nhập người dân.
Bài viết của TS. Vũ Hoàng Linh, Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Chính sách công – Trường ĐH Việt Nhật
Từ Seminar “Tác động của Covid-19 đối với lao động và việc làm ở Việt Nam” của TS. Đặng Hoàng Hải Anh, Nghiên cứu viên thỉnh giảng cao cấp, khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia.
Nghe Seminar đầy đủ tại đây.