Ngày 16/11/2023 vừa qua, vòng chung kết cuộc thi “Pháp luật về bình đẳng giới qua lăng kính thanh niên” do Đoàn Thanh niên trường Đại học Luật, ĐHQGHN đăng cai tổ chức tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, HN).
Bình đẳng giới hiện đang là mục tiêu quan trọng mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cùng hướng tới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, nhiệm vụ nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho nhóm đối tượng thanh niên – đại diện cho thế hệ tương lai của đất nước là vô cùng quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý từ các cấp lãnh đạo. “Pháp luật về bình đẳng giới qua lăng kính thanh niên” 2023 là một sân chơi tri thức đầy thú vị và bổ ích cho toàn thể các bạn sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Với mong muốn đem đến cuộc thi phần giới thiệu vừa ấn tượng, vừa mang dấu ấn Việt Nhật, nhóm sinh viên VJU đã lồng ghép sáng tạo trên nền nhạc bản Mashup Yêu 5 & Muộn rồi mà sao còn. Nội dung phần kịch hóa với chủ đề “Đường đến trường và giới” tập trung vào cuộc hành trình của một phụ nữ vùng cao sau khi đã lập gia đình, có ước mơ được trở lại trường học nhưng phải đối mặt với những ràng buộc về giới tính và truyền thống (trọng nam khinh nữ, vấn nạn tảo hôn,…). Kịch sẽ tập trung vào cuộc đấu tranh của nhân vật chính để vượt qua những thách thức và thay đổi cuộc sống thông qua việc tiếp cận giáo dục.
Sinh viên Diêm Yến Nhi trong vai nhân vật Giàng A Ninh đã chia sẻ rằng: “Rất vinh dự khi tôi được giao trọng trách đảm nhận vai Ninh trong vở kịch. Câu chuyện của Ninh không chỉ là hành trình cá nhân mà còn là hình ảnh sống động về sự đấu tranh của phái nữ khi vượt qua định kiến giới và những thách thức về giáo dục. Tôi hy vọng rằng câu chuyện về Ninh sẽ làm thay đổi tư duy của người xem về giới tính và giúp họ nhận thức được sức mạnh của giáo dục trong việc xây dựng xã hội bình đẳng.”
Trong vai người chồng bạo hành, cấm cản vợ, sinh viên Phạm Đức Hùng bồi hồi chia sẻ: Em rất vui và hào hứng ngay từ khi bắt đầu cuộc thi. Đây là một chủ đề hay đã lôi cuốn em ngay lập tức khi bắt đầu cuộc chơi này. Trong tác phẩm em vô cùng ấn tượng với lời thoại “không tôi không thể mãi tiếp diễn như thế này được nữa tôi muốn được đi học tôi muốn đc biết chữ”, đây tiếng nói của người phụ nữ vùng cao là lời văn sáng nhất câu chuyện. Là một mắt xích quan trọng của vở kịch, sinh viên Nguyễn Thu Phương trong vai cô giáo chia sẻ: Vai diễn của em là một người phụ nữ hiện đại và trẻ trung, một nhân tố quan trọng để thúc đẩy giải quyết vấn đề bình đẳng giới.
Kết thúc phần kịch, nhóm sinh viên VJU đã gửi gắm một thông điệp ý nghĩa qua lời phát biểu hào hùng và sắc bén của nhân vật chính đã chạm tới trái tim của mỗi khán giả tới tham dự chương trình.
“Tôi, Giàng A Ninh. Từ một người phụ nữ miền cao, tôi rất biết ơn và tự hào khi được đứng ở đây, đại diện cho những người phụ nữ của thế hệ mới. Ngày hôm nay, sự có mặt của tôi ở đây để chứng minh rằng giáo dục chính là chìa khóa của cánh cửa mở ra tương lai. Theo Hiến pháp điều 16, 26 và 39 năm 2013, đã là công dân nước CHXHCNVN đều bình đẳng và có quyền được tiếp cận giáo dục. Vì vậy, tôi mong có thể lan tỏa và trao cơ hội được giáo dục đến những người phụ nữ khác, những người vẫn đang đối mặt với bất bình đẳng giới. Hãy chung tay xóa bỏ định kiến giới nơi vùng cao đồng thời tạo ra cơ hội cho nữ giới ngày càng đến gần hơn với giáo dục.”
Với phần thể hiện xuất sắc cùng tác phẩm kịch ấn tượng, Đội sinh viên Trường Đại học Việt Nhật đoạt giải Nhì chung kết cuộc thi “Pháp luật về bình đẳng giới qua lăng kính thanh niên” 2023.