Vào 2 ngày 05-06/05 vừa qua, giảng viên và học viên khóa 5,6 của Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật hạ tầng (MIE) nay đổi tên là Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật xây dựng (MCE) đã có chuyến tham quan thực tế tại Công trình xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (TP. Hà Nội), Công trình xây dựng LG Display Hải Phòng, phân khu cảng Đình Vũ thuộc cụm cảng Hải Phòng (tỉnh Hải Phòng), và cơ sở hạ tầng, lưu lượng hàng hóa, kho bãi cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh). Đây là một hoạt động thường niên được mong đợi bởi học viên của MCE.
Địa điểm đầu tiên trong chuyến đi thực tế là công trình nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tọa lạc tại Thanh Trì, Hà Nội, được xây dựng giúp mục đích cải tạo Sông Tô Lịch và những con sông khác chảy qua thành phố. Dự án này do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng kinh phí đầu tư hơn 800 triệu USD (13.600 tỷ VNĐ), trong đó vốn vay ODA của JICA chiếm 84,14%. Tại đây, các học viên MCE đã được trực tiếp tìm hiểu những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản được áp dụng và tích hợp vào cơ sở hạ tầng của nhà máy, bao gồm công nghệ lọc tốc độ cao, phương pháp kích ống có chức năng nhận diện điện từ,… Với những trang bị hiện đại này, nhà máy xử lý nước thải được kỳ vọng sẽ xử lý được 270.000 mét khối nước mỗi ngày sau khi đi vào vận hành.
Địa điểm tiếp theo của đoàn là Cảng Đình Vũ, hiện là khu bến cảng chính, cảng tổng hợp và cảng container của cụm cảng Hải Phòng. Luồng vào cảng rộng trên 100 m, độ sâu trước bên luôn khoảng -8,7 m. Tại đây, các giảng viên và học viên MCE đã được BQL cảng giới thiệu và dẫn đi tham quan cơ sở hạ tầng của cảng. Với các trang thiết bị hiện đại được vận hành bởi đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, cảng Đình Vũ có năng suất xếp dỡ trên 600.000 TEU/năm, trên 1000 TEU/ngày. Ngay tiếp sau đó đoàn đã tới khảo sát và thăm quan công trình xây dựng LG Display Hải Phòng nằm trong KCN Tràng Duệ, dự án LG Display thuộc nhóm dự án đầu tư quy mô nhất Hải Phòng từ trước đến nay do Tập đoàn LG Displays (Hàn Quốc) đầu tư. Dự án là chuỗi dây chuyền sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao được xây dựng trên diện tích hơn 40ha tại khu đất thuộc giai đoạn 2 của Khu công nghiệp Tràng Duệ. Giảng viên và sinh viên MCE đã được giới thiệu về quy trình cải tạo đất bằng CDM, thi công cọc PHC D350, D500 (kết cấu bê tông cốt thép).
Cuối cùng, đoàn giảng viên và học viên MCE đã đến thăm cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh, một trong những cảng nước sâu của Việt Nam, đang được xây dựng và mở rộng thành một trong những cảng lớn nhất cả nước. Các giảng viên và học viên MCE đã được lắng nghe về định hướng phát triển của CICT như mở rộng các dịch vụ về logistics hậu cần như vận tải đường bộ và đường thủy, hỗ trợ thủ tục hành chính, tăng cường khả năng lưu kho và xếp dỡ cho khách hàng…
Chuyến đi thực tế đã giúp các học viên nâng cao kiến thức, cải thiện và phát triển các kỹ năng của bản thân. Các học viên đã có cơ hội thảo luận, đưa ra câu hỏi và nhận được những câu trả lời chi tiết trực tiếp từ các giảng viên của mình về các vấn đề về cơ sở hạ tầng tại các địa điểm đoàn được đến thăm. Chuyến đi đã thực sự mang lại những giá trị vô cùng to lớn cho các học viên chương trình Thạc sĩ MCE khóa 5,6 và cũng là cơ sở để VJU tiếp tục mở rộng hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm mang đến nhiều hơn nữa những trải nghiệm thực tế cho các học viên.