Vào 2 ngày 05/03/2022 và 12/03/2022 vừa qua, Khoa Khoa học Xã hội và liên ngành (FISS), Trường Đại học Việt Nhật phối hợp cùng Viện Nghiên Cứu Luật Châu Á Thái Bình Dương RILAP đã tổ chức chuỗi bài giảng “Sự tuân thủ của doanh nghiệp – Corporate Compliance” theo hình thức Seminar online dành cho toàn bộ sinh viên và giảng viên quan tâm tại VJU.
Tham dự chia sẻ tại 2 buổi seminar gồm có GS.TS. Futura Motoo – Hiệu Trưởng Trường Đại học Việt Nhật, TS. Yoshifumi Hino – Chuyên gia JICA, Giảng viên chương trình MBA-VJU, PGS.TS Phạm Thị Thu Giang – Giám đốc CT Cử nhân Nhật Bản Học, Ông Naito Kayoko – Oh-Ebashi LPC & Partners, GS.Nunoi Chihiro từ ĐH Hitotsubashi và một số chuyên gia cùng các giảng viên Nhật Bản khác. Hoạt động đã thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên và giảng viên trong và ngoài khoa Khoa học Xã hội và liên ngành.
Trước khi bắt đầu chuỗi bài giảng, GS.TS Futura Motoo – Hiệu trưởng VJU đã cảm ơn Tổ chức RILAP đã phối hợp cùng VJU để tổ chức một chuỗi bài giảng online trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đây có thể xem là sự nỗ lực đáng được ghi nhận của FISS-VJU và RILAP.
Bài giảng đầu tiên có chủ đề “Quản trị doanh nghiệp dựa trên ESG và SDGs” do Luật sư Naito Kayoko đến từ Oh-Ebashi LPC & Partners đảm nhiệm. Luật sư Kayoko đã giải thích các khái niệm về ESG, SDGs và các khái niệm có liên quan. Theo Luật Sư, 3 yếu tố ESG (Environment – Social – Governance) tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến dòng tiền hiện tại của doanh nghiệp nhưng sẽ tác động trực tiếp đến giá trị của doanh nghiệp trong tương lai (mid and long term). SDGs (Các mục tiêu phát triển bền vững) được Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 09/2015 cũng được xem là các mục tiêu của doanh nghiệp. Luật sư Kayoko nhấn mạnh 2 khái niệm này có ý nghĩa tương đối gần nhau và đều là mối quan tâm của các bên liên quan của doanh nghiệp.
Tiếp theo đó, bài giảng thứ 2 do GS Nunoi Chihiro – Đại học Hitotsubashi đảm nhiệm được diễn ra với chủ đề “Xây dựng hệ thống tuân thủ trong doanh nghiệp”. GS Chihiro đã giải thích khái niệm “sự tuân thủ”, đưa ra các quy định nên bao gồm trong hệ thống tuân thủ của doanh nghiệp, các cách báo cáo và tiếp nhận thông tin nội bộ, các chính sách bảo vệ cá nhân báo cáo vi phạm, và cách mở rộng các mục tiêu tuân thủ và tầm quan trọng của việc kiểm định các mục tiêu đó. Giáo sư đã giúp người tham gia có được cái nhìn tổng quan và những bước đi đầu tiên nhưng chắc chắn trong việc xây dựng một hệ thống tuân thủ cho một doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp quốc tế.
GS. Yasunobu Sato đến từ Đại học Tokyo tiếp tục mang đến bài giảng thứ 3 với chủ đề “Rà soát về quyền con người: Từ rủi ro đến cơ hội cho ESG/SDGs”. GS. Sato cho rằng Rà soát về quyền con người trong doanh nghiệp là hoạt động thực tiễn để nhận diện các rủi ro về quyền con người đã và có nguy cơ xảy ra. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các hành động cụ thể để ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực về quyền con người do các bên liên quan gây ra. Cũng theo Giáo sư, rà soát quyền con người sẽ giúp cho mục tiêu “No one left behind” của SDGs trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Đặc biệt, mục tiêu 16 (Peace and Justice) và 17 (Partnership for the goals) trong SDGs khi được kết hợp cùng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ tạo ra các giá trị chia sẻ, đảm bảo cho An ninh con người (Human Security) trên toàn thế giới.
Cuối cùng, bài giảng thứ 4 với chủ đề “Đạo luật Hợp đồng phụ và sự tuân thủ của doanh nghiệp” do GS Habu Eri đến từ Đại học Shizuoka đảm nhiệm. Giáo sư đã cung cấp những nội dung về nguyên nhân, mục đích, cấu truc của hợp đồng phụ. Bên cạnh đó, GS Eri còn đưa ra những ví dụ thực tiễn về các trường hợp áp dụng hợp đồng phụ tại các doanh nghiệp ở Nhật Bản. Sau cùng, GS Eri đã chia sẻ về các biện pháp nhằm ngăn chặn những hành vi sử dụng hợp đồng phụ trái pháp luật, bao gồm sự can thiệp từ các cơ quan chức năng, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trước khi thống nhất hợp đồng, hay xem lại các sự vụ trước đó.
Các bài giảng của các chuyên gia và luật sư từ RILAP đã cung cấp cho sinh viên và giảng viên VJU rất nhiều kiến thức hữu ích và kinh nghiệm thực tế về “Sự tuân thủ của doanh nghiệp – Corporate Compliance”. Trong tương lai, VJU sẽ tiếp tục phối hợp với RILAP và phát triển nhiều hơn nữa các chương trình ngắn hạn, các buổi Seminar trực tiếp và trực tuyến giúp các sinh viên và giảng viên có cơ hội được học tập và trao đổi kiến thức với các chuyên gia hàng đầu của tổ chức.