Theo báo Chinhphu.vn, Trang thông tin Đại Học Việt Nhật – ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ khu vực học – Đại học Việt Nhật – ĐHQGHN với nội dung “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Tương lai tươi sáng từ một góc nhìn”. Một biểu tượng mới của quan hệ Việt-Nhật đã hình thành và đang phát triển là Trường Đại học Việt Nhật-ĐHQGHN.
(Chinhphu.vn) – GS. TSKH.NGND Vũ Minh Giang cho rằng nhìn từ góc độ văn hóa, Việt Nam và Nhật Bản rất giống nhau. Nghiên cứu sâu hơn thì đấy là sự giống nhau như hai bàn tay của một con người, nghĩa là sự tương đồng, nói theo ngôn ngữ toán học, là đối xứng gương, nghĩa là bù trừ cho nhau.
|
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thông điệp từ quá khứ
Ít ai ngờ rằng hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản xa nhau tới hơn 3.600 km, cách trở biển khơi lại có quan hệ từ hơn 1.000 năm trước.
Câu chuyện được sử cũ chép lại kể về việc vào khoảng thời Nara (thế kỷ VIII) có nhiều người Nhật Bản gặp gió bão, bị trôi dạt về phương Nam, tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam hiện nay, trong số đó người đầu tiên là ông Nakamaro Abeno. Thuyền của ông gặp bão, bị dạt vào Việt Nam năm 716. Do có thời gian học hành và đỗ đạt ở Trung Hoa, lại có hiểu biết về xứ An Nam, năm 761, ông được nhà Đường cử sang làm An Nam Tiết Độ Sứ. Trong 6 năm trên cương vị người đứng đầu cao nhất với tên gọi Triều Hành, thay vì áp dụng những chính sách cai trị khắc nghiệt như các quan đô hộ, Nakamaro đã tranh thủ thời gian tìm hiểu về văn hóa và con người địa phương và để lại những cảm xúc tốt đẹp trong các tác phẩm thi ca của mình về xứ sở tươi đẹp này.
Mối cơ duyên giữa Việt Nam và Nhật Bản lại xuất hiện vào thế kỷ XIII, khi thế giới chìm trong nỗi kinh hoàng trước vó ngựa của quân Tác Ta. Cả Đại Việt và Nhật Bản khi ấy đều nằm trong tầm ngắm của đế chế Mông-Nguyên. Thế nhưng đạo quân thiện chiến từng làm mưa làm gió trên khắp lục địa Á-Âu đều phải dừng bước trước Việt Nam và Nhật Bản. Nhiều nhà sử học nước ngoài đã từng nói chiến thắng Bạch Đằng của Việt Nam đã góp phần giúp đất nước xứ mặt trời mọc thoát khỏi một cuộc binh đao tàn khốc.
Lịch sử quan hệ Việt-Nhật lại mở ra những trang đẹp vào đầu thế kỷ 16. Sau khi thống nhất đất nước, Tướng quân Tokugawa cấp giấy thông hành đặc biệt cho phép các tàu thuyền ra ngoại quốc buôn bán (Goshuinjo/Ngự châu ấn trạng). Tranh thủ cơ hội này, các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có những chính sách tăng cường quan hệ với Chính quyền Mạc phủ và ưu đãi các thương nhân Nhật Bản. Đặc biệt từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất. Phần lớn các tàu thuyền xuất phát từ các cảng của Nhật đều cập cảng Hội An. Để tiện việc buôn bán lâu dài, người Nhật đã xin phép chúa Nguyễn xây dựng tại đây cả một dãy phố, trong sử sách gọi là phố Nhật. Chúa Nguyễn đã cho phép các thương nhân Nhật được phép tổ chức cộng đồng tương tự một hình thức tự quản. Nhiều thương nhân Nhật đã lấy vợ Việt Nam, trong số đó có đại thương gia Araki Shotaro. Ông từng là trưởng phố Nhật và được chính quyền chúa Nguyễn sủng ái, gả một công chúa làm vợ.
Hội An khi đó là cảng nằm trên “con đường tơ lụa biển”, các tàu buôn Nhật Bản có giấy phép đóng dấu đỏ (Shuinsen/Châu ấn thuyền) đem tới các mặt hàng như vàng, bạc, gươm, đao, mành xếp, quạt xếp, tiền bằng đồng, gốm sứ Hizen rồi mua về tơ tằm, san hô, ngà voi, đồ gốm và đặc biệt là các loại hương liệu, gia vị và một số nguyên liệu hiếm như trầm hương, hồ tiêu, nghệ, chì, diêm tiêu…
Cho đến nay vẫn còn nhiều dấu tích về một thời người Nhật gắn bó với Hội An. Trên bản đồ cổ, phố Trần Phú hiện nay từng có tên là phố Nhật Bản. Đầu phố nối với Cầu Chùa cũng có tên gọi là cầu Nhật Bản. Ngoài ra, hiện còn một số ngôi mộ trên bia ghi rõ là Nhật Bản nhân (người Nhật Bản) vẫn được nhân dân địa phương chăm sóc chu đáo.
Sau này, Nhật Bản là nước tích cực giúp đỡ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ trình hồ sơ để UNESCO công nhân Hội An là di sản văn hóa thế giới và từ đó đến nay, luôn quan tâm tài trợ trùng tu nhiều di tích văn hóa tại Hội An cũng như đền đài tại Huế…
Đầu thế kỷ XX, uy tín của Nhật Bản lên rất cao. Các nhà cách mạng Việt Nam đã phát động phong trào Đông Du, gửi gần 200 học sinh đến Nhật du học với mong muốn lớp trẻ học tập kinh nghiệm, mở mang kiến thức để có thể học tập Nhật Bản, canh tân đất nước mà giành lại độc lập.
Ngay sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, quân đội Nhật rút về nước thì vẫn còn một số binh sĩ ở lại Việt Nam hợp tác giúp Việt Minh tiến hành kháng chiến chống Pháp. Họ là cầu nối mong manh của quan hệ hữu hảo Việt Nhật sau một thời gian ngắn đầy sóng gió.
Thông điệp từ quá khứ cho thấy, quan hệ Việt-Nhật có tình thâm không phải chỉ trong “ngày một, ngày hai” và dẫu có những bước thăng trầm, quan hệ ấy vẫn luôn hướng tới những giá trị cao đẹp.
Hiện tại với những chứng nhân sống của lịch sử
Giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến trường kỳ, Việt Nam lại phải bước vào một cuộc trường chinh mới. Đây là lúc mà quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đứng trước một thử thách hết sức khắc nghiệt. Trong khi Việt Nam đang phải tiến hành công cuộc thống nhất đất nước, khi đó, rất nhiều người Nhật, thuộc đủ mọi tầng lớp nhân dân lại phản đối chiến tranh, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đáp ứng lời phát động của Hội hữu nghị Nhật-Việt, nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam như mít tinh, biểu tình phản đối Mỹ vận chuyển vũ khí sang Việt Nam, tổ chức các buổi triển lãm tranh về Việt Nam, chiếu phim, biểu diễn ca múa nhạc tuyên truyền cho Việt Nam… đã diễn ra rất sôi nổi. Trong thời kỳ chiến tranh, một lĩnh vực học thuật mới là Việt Nam học đã được hình thành với nòng cốt là các nhà khoa học trẻ đã từng tham gia các phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều người trong số đó đã trở thành những giáo sư nổi tiếng thế giới như Sakurai Yumio, Furuta Motoo, Momoki Shiro…
Trong thời gian đó, một trong những phong trào nổi bật và tiêu biểu nhất là phong trào Hoà bình cho Việt Nam (Beiheiren). Uỷ ban Beheiren đã tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp với những lính Mỹ bị thương sang Nhật Bản điều trị, vận động họ phản chiến. Rất nhiều lính Mỹ đã hưởng ứng lời kêu gọi và ủng hộ phong trào phản chiến. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức này, đã từng có cuộc biểu tình phản đối chiến tranh với sự tham gia của hơn 70.000 người ở Tokyo. Cùng với mít tinh, Beheiren còn vận động quyên góp hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức của người Việt Nam sống và học tập tại Nhật Bản. Phong trào Beheiren đã góp phần quan trọng trong cuộc vận động dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước, tạo ra một phần sức ép khiến Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam năm1973. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật đã có một quyết định khá đặc biệt là sau khi Hiệp định Paris được ký kết chưa được bao lâu, tiến hành thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong khi đó vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng hòa và duy trì tòa Đại sứ tại Sài Gòn.
Tương lai tươi sáng cho hai dân tộc
Sau khi chiến tranh kết thúc, quan hệ giữa hai nước bước sang một trang sử mới, nhất là từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới.
Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ đường lối đổi mới, mở cửa và đã hỗ trợ rất hiệu quả cho Việt Nam trong quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới. Việt Nam ủng hộ Nhật Bản làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc… Hai bên bên đã đạt được sự tin cậy và phối hợp rất nhịp nhàng trong các quan hệ quốc tế.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Nhật Bản luôn dành cho Việt Nam sự giúp đỡ mạnh mẽ và hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực.
Tất cả những điều trên đây là những hiển thị chỉ báo sự phát triển ngày càng tốt đẹp của quan hệ hai nước. Nhưng điều gắn chặt hai dân tộc lại với nhau, từ một góc nhìn sâu xa hơn, có lẽ lại là văn hóa, là địa-văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà từ quá khứ cách xa hàng nhiều thế kỷ, hai nước đã tìm đến nhau thông qua sự hiện diện tưởng như ngẫu nhiên qua các thời kỳ lịch sử. Nhìn từ góc độ văn hóa nhiều người có nhận xét Việt Nam và Nhật Bản rất giống nhau. Nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn thì đấy là sự giống nhau như hai bàn tay của một con người, nghĩa là sự tương đồng, nói theo ngôn ngữ toán học, là đối xứng gương, nghĩa là bù trừ cho nhau. Nhận xét này của tôi khi trình bày ở Tokyo đã được nhiều học giả Nhật Bản đồng tình.
Để kết lại bài viết này, tôi xin kể về ba người Nhật có cuộc đời gắn chặt với Việt Nam mà tôi có điều kiện gần gũi và hiểu khá sâu sắc. Người thứ nhất là Tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari. Lần đầu tiên tôi gặp anh vào năm 1993 tại Tokyo. Ấn tượng đầu tiên của tôi là hết sức ngỡ ngàng khi thấy một người Nhật không học tiếng Việt ở bất cứ một trường lớp chính quy nào, nhưng nói tiếng Việt thành thạo đến kỳ lạ. Anh hay nói đùa “kiếp trước tôi là người Việt Nam”. Nishimura Masanari yêu các di sản văn hóa Việt Nam như của quê hương anh. Những nghiên cứu và phát hiện của Nishimura đã có những đóng góp không nhỏ cho việc khẳng định tính bản địa của trống đồng, điều mà có những học giả nước ngoài luôn tìm cách phủ định. Anh cũng là người góp công sức làm dày dặn thêm cơ sở khoa học cho hồ sơ trình UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới…
Một tai nạn giao thông trên đường Nishimura Masanari đi sang di tích chùa Dạm đã cướp đi sinh mạng của anh. Người vợ yêu quý của anh, TS. Noriko cũng là một nhà Việt Nam học. Chị hiểu ước nguyện của chồng lúc sinh thời nên đã đề nghị Viện Khảo cổ học tổ chức tang lễ theo nghi thức Việt Nam và mai táng anh tại nghĩa trang xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi anh coi là quê hương thứ hai của mình. Rất nhiều bạn bè của Nishimura coi cái chết của anh như gieo mầm cho sự sống.
Người thứ hai tôi có duyên kết bạn là GS. Sakurai Youmio, nhà Việt Nam học nổi tiếng thế giới. Ông từng học ở Đại học Tokyo danh tiếng và là một trong những sinh viên tham gia tích cực vào các phong trào ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Trong sự nghiệp nghiên cứu, ông đã công bố hàng trăm tác phẩm, trong đó có những công trình được cả giới Việt học thế giới biết đến. Ông từng là chuyên gia tham gia vào đội ngũ tư vấn khoa học cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và là học giả giúp Việt Nam xây dựng ngành Việt Nam học.
Ông qua đời sau một cơn đột quỵ do làm việc quá sức, gia đình đã thực hiện di nguyện của ông là đem tro cốt sang Việt Nam thả xuống dòng sông Hồng, con sông Cái đã bồi đắp nên vùng châu thổ, vùng đất ông đã dành trọn cả cuộc đời mình để nghiên cứu. GS Sakurai Youmio là một biểu tượng về hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Rất nhiều học trò của ông đang tiếp bước Thầy trong sự nghiệp nghiên cứu Việt Nam.
Nhân vật cuối cùng tôi muốn nói tới ở đây là một người Nhật rất đặc biệt, GS. Furuta Motoo. Ông nổi tiếng và thân thiết với Việt Nam đến độ từ cách đây vài chục năm, hầu như đoàn công tác nào của Việt Nam sang công tác Nhật Bản cũng có số điện thoại của ông trong sổ tay. Điều này không chỉ vì ông từng đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật-Việt mà còn ở sự tận tâm, nhiệt tình với các bạn Việt Nam. Người ta truyền nhau rằng, khi trên đường phố Tokyo nếu chẳng may lạc đường cứ gọi cho GS. Furuta là sẽ được giúp đỡ ngay. Bình dị như vậy nhưng ông là một nhân vật lớn, từng giữ cương vị Phó Giám đốc thường trực của Đại học Tokyo, ngôi trường danh tiếng nằm trong tốp đầu thế giới (năm 2020 xếp hạng thứ 13).
Ông từng sang Hà Nội làm chuyên từ những năm còn chiến tranh vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, là người nhiệt thành thành giúp đỡ Việt Nam trong nhiều chương trình quan trọng như nghiên cứu Hội An, Huế, Hoàng thành Thăng Long… góp phần đưa các di sản này vào hàng di sản thế giới.
Một biểu tượng mới của quan hệ Việt Nhật đã hình thành và đang phát triển là Trường Đại học Việt Nhật. Người được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học này chính là GS. Furuta Motoo. Ông vừa hoàn thành một cuốn sách sắp xuất bản bằng tiếng Việt với tựa đề Việt Nam một góc nhìn từ Nhật Bản.
Tôi được biết trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, một trong nhưng nội dung được hai Thủ tướng bàn thảo và ký kết là tạo điều kiện để trường Đại học Việt Nhật phát triển xứng tầm với quan hệ hai nước.
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Nhìn lại quá khứ, xem xét hiện tại có thể nhìn thấy tương lai quan hệ ấy đang trở nên vô cùng tươi sáng.
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang
Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: VGP News
Các tin liên quan:
https://vju.ac.vn/about/lich-su-hinh-thanh-st5.html
https://vju.ac.vn/ve-vju/thu-hieu-truong-st4.html
https://vju.ac.vn/about/su-menh-va-tam-nhin-st15.html
https://vju.ac.vn/about/hoi-dong-truong-st6.html