Bài viết của TS. Nguyễn Hoàng Oanh – Phó Hiệu trưởng Thường trực, Giám đốc Khoa Công nghệ và Kĩ thuật tiên tiến
Trong những năm gần đây, Việt Nam rất quan tâm đến việc tăng cường nhân lực khoa học và kĩ thuật để có thể tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính phủ đã ra Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 05 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội về khoa học kĩ thuật, đặc biệt là công nghệ số càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong danh mục Công nghệ 4.0 của Việt Nam theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020, các lĩnh vực công nghệ số là: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, Công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud Computing), điện toán lưới, điện toán biên, điện toán lượng tử, công nghệ mạng thế hệ sau, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), công nghệ an ninh mạng thông minh, bản sao số, in ba chiều (3D Printing), công nghệ mô phỏng nhà máy sản xuất, nông nghiệp chính xác. Đây có thể coi là những công nghệ tiên phong về công nghệ số trong Thế kỷ 21, vậy để việc tiếp cận và làm chủ được công nghệ khiến cho nhiều Trường đại học và các cơ sở giáo dục khác nắm bắt cơ hội tổ chức tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ số sẵn sàng đưa công nghệ số vào ứng dụng thực tiễn.
Do mới bắt đầu triển khai đào tạo nên có thể nói, nguồn lực lao động liên quan đến công nghệ thông tin và máy tính tại Việt Nam đang rất khan hiếm. Số lượng hợp đồng và nhiều công ty mới mở là những nguyên nhân khiến thị trường nhân lực lĩnh vực này vốn đã thiếu về số lượng, yếu về chất lượng lại càng khan hiếm trong nhũng năm gần đây. Vài năm trở lại đây, số lượng các nhu cầu nhân lực lĩnh vực này đang hướng về Việt Nam nhiều hơn, một phần do những biến động trên thị trường thế giới. … Thêm vào đó, “ngày càng có nhiều công ty CNTT mới được mở tại Việt Nam (phần lớn là các công ty của Nhật với quy mô vừa và nhỏ) khiến việc cạnh tranh trong tuyển dụng càng khốc liệt” (Yasukura Hiroaki, 2017). Theo đánh giá của Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực AI là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu từ 70.000 đến 90.000 nhân sự khoa học và kĩ thuật máy tính trong năm 2019 trên tổng nhu cầu 350.000 người của toàn thị trường.
Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 5/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là hơn 56.000 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là gần 17.000. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 25,62%. Trong thời gian qua, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã liên tục tăng, từ mức 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019; đạt gần 14% vào tháng 5/2020, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (khoảng 7%). Tuy nhiên, con số này vẫn còn khoảng cách lớn so với mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đạt được trong năm 2020 là 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Việt Nam đã và đang là điểm đến của các công ty đa quốc gia như Samsung, LG, Intel. Bên cạnh đó, các địa phương đang hướng đến ứng dụng công nghệ thông minh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đây là yếu tố thúc đẩy ngành công nghiệp khoa học máy tính Việt Nam phát triển, làm tăng nhu cầu về nhân lực của ngành này. Lao động tại Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, ví dụ: theo HackerRank, năm 2017 lập trình viên Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 quốc gia tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (5).
Tuy nhiên, nguồn nhân lực khoa học và kĩ thuật máy tính ở Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chất lượng đội ngũ nhân lực ngành này trong các cơ quan, tổ chức hay các công ty còn nhiều hạn chế, thiếu và yếu. Tại khu vực công, trung bình mỗi đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ có 4% công chức chuyên trách; ở khối tỉnh, thành phố chỉ là 1%. Ở nhiều đơn vị, một kỹ sư về khoa học máy tính phải kiêm nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ, không đảm bảo về trình độ nên công tác tham mưu triển khai và ứng dụng tại cơ quan, địa phương chưa sâu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Khoa học và kĩ thuật máy tính là ngành học phù hợp với các bạn trẻ năng động có đam mê sáng tạo khoa học kĩ thuật, luôn tìm tòi, sáng tạo trong công việc, v.v…Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin nói chung và khoa học và kĩ thuật máy tính nói riêng là ngành học “cung không đủ cầu” luôn có thu nhập cao và không sợ thất nghiệp ở hiện tại và cả trong tương lai. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn với nhiều vị trí công việc khác nhau, chẳng hạn như: Cán bộ kĩ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Lập trình viên, kiểm thử sản phẩm phần mềm, quản lý quy trình phát triển phần mềm; Chuyên viên IT, quản trị và giám sát an ninh mạng; Thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và bảo trì mạng máy tính nội bộ trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học; Quản trị dự án hệ thống mạng thông tin; v.v…
Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số cơ sở đào tạo ngành Khoa học và kĩ thuật máy tính như: Tại Đại học Đà Nẵng với mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Một số cơ sở đào tạo khác tập trung vào 02 ngành: Khoa học máy tính và Kĩ thuật máy tính trong Đại học Quốc gia Hà Nội như: Trường Đại học Công nghệ, Đại học khoa học Tự nhiên, Khoa Quốc tế. Một vài cơ sở đào tạo khác có bề dày lịch sử về lĩnh vực tương tự như trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh nhưng qua nhiều năm cho thấy, chỉ tiêu đào tạo vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu nhân lực xã hội cần tới…. Trong những năm gần đây, một số cơ sở đã tích hợp hai ngành khoa học và kĩ thuật máy tính, nhưng tên gọi chưa thống nhất. Một số cơ sở đào tạo bậc cử nhân, một số khác đào tạo cả bậc cử nhân và kỹ sư. Nhìn chung, cấu trúc chương trình đào tạo của các ngành này từ khoảng 120 tín chỉ đến 160 tín chỉ khác nhau ở chương trình cử nhân, kỹ sư hay các chương trình quốc tế, chất lượng cao và phân chia thành các nhóm kiến thức: kiến thức đại cương (chung), kiến thức nhóm ngành, kiến thức ngành, chuyên ngành, bổ trợ và thực tập – đồ án. Điểm chung của các chương trình này là không tích hợp kiến thức kinh tế – xã hội và tự nhiên nhằm cung cấp cho nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tiêu chí hiểu biết đa dạng và liên ngành phục vụ nguồn nhân lực chất lượng cao của thế kỷ 21.
Tại Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN, với lợi thế hơn hẳn các cơ sở giáo dục khác khi có sự hợp tác sâu rộng với các trường Đại học đối tác nổi tiếng hàng đầu tại Nhật Bản, nên việc Trường mở ngành đào tạo mới: Khoa học và Kĩ thuật máy tính sẽ mang đến những ưu thế nhất định cho người học như: Đội ngũ giảng viên, chuyên gia tới từ các Trường Đại học hàng đầu tại Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia giảng dạy; Cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ; Mạng lưới các cơ sở thực hành lớn; Thế mạnh của Trường trong hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và tại Nhật Bản trong lĩnh vực có liên quan; Học phí cạnh tranh so với các chương trình đào tạo chất lượng cao tương tự kèm các cơ hội học bổng toàn phần hoặc bán phần hấp dẫn người học.
Thông tin tuyển sinh đại học năm 2021 cần biết:
Thông tin tuyển sinh |
Nhật Bản học |
Khoa học và Kĩ thuật máy tính |
Ký hiệu trường |
VJU |
VJU |
Chỉ tiêu |
50 sinh viên |
50 sinh viên |
Mã ngành |
7310613 |
7480204 |
Mã tổ hợp xét tuyển năm 2021 |
A01 (Toán, Lý, Anh), D28 (Toán, Lý, Nhật), D01 (Văn, Toán, Anh), D06 (Văn, Toán, Nhật), D14 (Văn, Sử, Anh), D63 (Văn, Sử, Nhật), D78 (Văn, KHXH, Anh); D81 (Văn, KHXH, Nhật) |
A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) |
Thông tin liên hệ:
Văn phòng Tuyển sinh trường Đại học Việt Nhật
Đường Lưu Hữu Phước, Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
ĐT: (+84) 24 7306 6001 – máy lẻ 5093
Hotline văn phòng tuyển sinh: (+84) 966 954 736; (+84) 969 638 426