Cuối tháng 11 vừa qua, học viên khóa 4 Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Môi trường thực hiến chuyến thực địa tại tỉnh Phú Yên. Mục tiêu của chuyến đi là đem lại cho học viên cơ hội học tập thực tế về công nghệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Trong 6 ngày, giảng viên, chuyên gia JICA và các học viên đã tham quan thực tế tại Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, huyện Sông Hinh, khu công nghiệp Hòa Hiệp, thị xã Đông Hòa; Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng, khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, Trung tâm nghiên cứu dược liệu miền Trung… Tại các nhà máy, khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và quản lý tài nguyên nước, học viên đã được lắng nghe những chia sẻ của đại diện tổ chức và người dân địa phương về hoạt động sản xuất, về quy trình xử lý chất thải, nước thải hiện có và phương hướng phát triển trong tương lai. Từ các thông tin cũng như quan sát trong suốt chuyến đi, học viên có được cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa hoạt động sản xuất và môi trường, tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống, sinh kế của người dân; đồng thời, học viên nhìn nhận tiềm năng phát triển kinh tế cũng như đời sống của người dân dựa trên điều kiện tự nhiên sẵn có của Phú Yên. Đồng hành cùng chuyến đi thực địa này là các cán bộ từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, họ là những người hướng dẫn và cung cấp nhiều thông tin bổ ích.
Học tập công nghệ xử lý nước thải
Với mục tiêu mang đến cho học viên những trải nghiệm trực quan về hệ thống xử lý nước thải, trong chuyến đi 6 ngày tại Phú Yên này, các học viên đã được đến thăm trạm xử lý nước thải của cụm khu công nghiệp Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa) và của Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng (nằm trong khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, thị xã Sông Cầu). Tại đây, các học viên đã được chính cán bộ của cơ quan cũng như các giảng viên trình bày mô hình xử lý và nguyên lý vận hành của hệ thống nước thải (đặc trưng của nước thải, công nghệ vận hành, tiêu chuẩn xả thải ra môi trường). Các giảng viên của VJU – cũng là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường – đã đưa ra những gợi ý để cải hiện hiệu quả xử lý.
Thăm quan trạm xử lý nước thải cụm khu công nghiệp Hòa Hiệp
Các vấn đề môi trường trong hoạt động kinh tế địa phương
Trong số các hoạt động kinh tế nối bật ở Phú Yên, chăn nuôi tôm là một ngành không thể không kể đến. Trong chuyến đi này, các học viên đã được đến tham quan học tập tại hai khu vực nuôi tôm lớn của Phú Yên là vịnh Vũng Rô và vịnh Xuân Đài. Đây là hai vịnh kín, được bao bọc bởi các đảo và mũi đá nên ít chịu tác động của gió, do đó nhiệt độ nước cũng ít bị biến động, thích hợp cho việc nuôi tôm. Tuy nhiên, mật độ lồng nuôi cao, đã làm tăng mức độ ô nhiễm do lượng thức ăn thừa và chất thải của tôm. Hình thức nuôi theo kiểu hộ gia đình, thay đổi theo thời tiết (mùa mưa bão), và nhu cầu của thị trường khiến cho việc quản lý của chính quyền đia phương gặp nhiều khó khăn. Bao bì đựng thức ăn, thuốc tăng trưởng không được xử lý và thu gom, là một trong những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và đất. Chúng tác động trực tiếp đến chất lượng nước nuôi tôm cũng như sức khỏe của người dân tại đây.
Rác thải tại khu vực đầm nuôi tôm
Để giải quyết thực trạng này, theo chia sẻ từ cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, địa phương đang thực hiện một số giải pháp quy hoạch vùng nuôi, thiết lập hệ thống quản lý-giám sát do người dân và địa phương cùng thực hiện. Về mặt công nghệ, các nhà nuôi tôm tại vịnh Xuân Đài được Tổ chức (JICA) Nhật Bản cam kết hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường nước, giúp giảm thiểu mùi hôi phát sinh. Hy vọng trong tương lai gần, chất lượng nước tại các vịnh nuôi tôm sẽ được cải thiện.
Tại đây, các học viên đã được tìm hiểu về cách thức vận hành của nhà máy thủy điện – một dạng năng lượng tái tạo và bền vững – cũng học được vai trò của nhà máy trong việc điều tiết lũ dưới hạ lưu và mùa mưa và điều chỉnh lưu lượng sông phục vụ nhu cầu tưới tiêu trong nông nghiệp.
Một điểm đến nữa trong chuyến đi thực địa này là Thuỷ điện Sông Ba Hạ. Nhà máy nằm ở bậc thang cuối cùng trên bậc thang sông Ba và là một trong những thủy điện lớn nhất của miền Trung được quy hoạch trên địa bàn 15 xã miền núi thuộc hai huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) và huyện Krông Ba (tỉnh Gia Lai).
Thăm quan nhà máy thủy điện sông Ba Hạ
Đoàn cũng đã đến thăm quan trang trại BB Farm và Trung tâm Dược liệu miền Trung. Trang trại BB Farm là mô hình kết hợp giữa trồng trọt rau quả đạt tiêu chuẩn VIETGAP và dịch vụ du lịch sinh thái. Trung tâm Dược liệu miền Trung lại là nơi bảo tồn các loài thực vật quý dùng làm thuốc, cũng như nghiên cứu bảo tồn loài cây bản địa của Phú Yên (cam thảo núi Đá Đen). Trung tâm cũng sản xuất các sản phẩm dược liệu (cao dược liệu, trà dược liệu) phục vụ cho thị trường trong nước.
Chuyến thực tế cho học viên những trải nghiệm đáng nhớ, họ có cơ hội ôn tập lại kiến thức đã học dựa trên các ví dụ trực quan và mở mang hiểu biết về phát triển kinh tế bền vững.