Ngày 4/12/2020, Đoàn học viên và giảng viên Chương trình MAS đã đi thực tế tại Hải Dương. Điểm đến của đoàn là một số di tích chính yếu gắn với truyền thống giáo dục và khoa bảng Nho học thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi có truyền thống giáo dục, khoa bảng gắn với các nhân vật tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ, ngày nay được nhân dân trong vùng và nhân dân cả nước phụng thờ trong các di tích với tư cách là những vị phúc thần về học vấn và bình đẳng nam nữ trong học vấn. Trong chuyến thực, học viên được gặp và trò chuyện với cán bộ Ban Quản lí Di tích thành phố, được hướng dẫn tham quan và khảo sát các di tích trên địa bàn, đặt câu hỏi và tìm hiểu sâu hơn về những nét chính trong nền tảng văn hóa bác học tiểu vùng văn hóa xứ Đông (thuộc vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ) từ trong truyền thống tiếp nối đến hiện tại.
Các địa điểm thực địa gồm có:
– Đền thờ Chu Văn An: vạn thế sư biểu
– Đền thờ Nguyễn Thị Duệ: nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến
– Đền thờ Nguyễn Trãi
– Đền Cao: Thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lớn giúp vua Lê Đại Hành giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 981.
– Từ đường họ Trần ở Điền Trì: một dòng họ có truyền thống khoa bảng (tổ tiên của nhà thơ Trần Đăng Khoa)
– Văn miếu Mao Điền.
Ở từng điểm di tích sẽ tìm hiểu về quá trình cộng đồng làng xã và nhà nước đã tổ chức việc phụng thờ các danh nhân trong quá khứ và sau Đổi Mới, hành trạng và sự nghiệp của các danh nhân. Sau chuyến thực địa, học viên sẽ tổng hợp các kết quả khảo sát, viết bài thu hoạch về truyền thống giáo dục và khoa bảng Nho giáo trong xã hội Việt Nam nói chung và xứ Đông nói riêng; và cảm nhận về sự kế thừa và phát huy trong xã hội đương đại các giá trị của truyền thống giáo dục và khoa bảng truyền thống.