Phượng trình bày công trình nghiên cứu luận văn tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR, tháng 7.2020
Xin chào! Mình tên là Lê Minh Phượng, học viên khóa 3 Chương trình thạc sỹ Chính sách công của trường Đại học Việt Nhật. Mình vừa trải qua hai năm thanh xuân tuyệt vời tại VJU – nơi cho mình cơ hội đi tìm lại niềm đam mê thực sự của bản thân.
Được biết gần đây bạn đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ chuyên ngành Chính sách công (MPP). Có nhiều thời gian rảnh sau tốt nghiệp, bạn đang làm gì trong thời gian này?
Ngay sau khi bảo vệ xong luận văn, mình tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và kế hoạch nghiên cứu để ứng tuyển học bổng chính phủ Nhật Bản (MEXT) cho chương trình nghiên cứu tiến sĩ vào năm tới. Hiện tại mình vẫn đang trong giai đoạn cuối của quá trình tuyển chọn này.
Mục tiêu dài hạn của mình là làm nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn chính sách. Do vậy, mình cũng đang tận dụng khoảng thời gian này để trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ và kỹ năng sư phạm. Gần đây nhất, mình vừa tham gia chương trình Summer School do UNCTAD và Viện INET (Hoa Kỳ) tổ chức. Do ảnh hưởng của Covid-19, chương trình năm nay được thực hiện online về các vấn đề kinh tế và thương mại cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Có thể nói khi đã xác định được hướng đi của bản thân, mình tìm đến những môi trường học thuật trong và ngoài nước để trao đổi và học hỏi thêm từ những người đi trước.
Động lực nào khiến bạn tiếp tục “apply” học bổng MEXT?
Động lực lớn nhất của mình xuất phát từ niềm đam mê kinh tế học, muốn đóng góp nhiều hơn cho môi trường nghiên cứu kinh tế và vận dụng chính sách ở Việt Nam. Còn lý do mình chọn Nhật mà không phải quốc gia khác có lẽ là vì sau ba tháng thực tập sinh tại Nhật do JICA tài trợ, những hoạt động và trải nghiệm ở Nhật đã để lại cho mình nhiều ấn tượng tốt về văn hóa, lối sống của người Nhật. Đặc biệt môi trường nghiên cứu và học thuật của Nhật Bản được đánh giá là chặt chẽ, nghiêm ngặt, đặt tiêu chuẩn đạo đức lên trên hết đã thôi thúc mình apply học bổng MEXT với mong muốn được rèn rũa và trưởng thành hơn từ môi trường ấy.
Bạn có thể chia sẻ thêm về lí do bạn lựa chọn MPP?
Cách đây 4 năm, mình có cơ hội tham dự lễ khai giảng đầu tiên của VJU tổ chức khi mình đưa đoàn đối tác phía Nhật của công ty mình đi tham dự. Lúc đó, mình đã rất ấn tượng với sự đầu tư và quan tâm của chính phủ hai nước Việt – Nhật. Mình đã tìm hiểu về trường và chương trình học ngay từ lúc đó. Khi bước ra từ cảnh cổng của hội trường Nguyễn Văn Đạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), như có điều gì đó linh tính mách bảo, mình đã nói với bác Phó tổng giám đốc của tập đoàn Kinokuniya khi ấy rằng: “Sau này cháu muốn được học tập ở ngôi trường này”. Sau 2 năm tìm hiểu và tham gia hội thảo tuyển sinh của trường, mình dần nhận ra “economics” mới là chuyên ngành mình muốn theo học ở bậc cao học và đã quyết định chọn MPP với chương trình đào tạo toàn thời gian bằng tiếng Anh. Trong quá trình học MPP, mình nhận thấy những kiến thức nền tảng được dạy như chính trị, quản trị công, lãnh đạo, kinh tế công cộng, phúc lợi xã hội, phát triển đô thị, môi trường, phân tích & đánh giá chính sách vô cùng cần thiết cho một chuyên gia kinh tế và phân tích chính sách – vai trò cao nhất mà mình muốn hướng đến sau này.
Điều gì bạn đánh giá cao nhất sau khi hoàn thành Chương trình Thạc sĩ MPP?
Điều mình ấn tượng và đánh giá cao nhất trong 2 năm học tập ở VJU là tính nhân văn trong đào tạo. Đó là tinh thần đào tạo của Nhật Bản được các thầy cô – những người được học tập lâu năm ở Nhật mang lại. Điều này được thể hiện ở việc như giảng viên rất gần gũi, thân thiện, khuyến khích sinh viên phản biện, đóng góp các ý tưởng riêng vào bài giảng. Ngoài ra giảng viên còn quan tâm đến khả năng học tập của từng học viên. Đó là điều rất khác so với những môi trường giáo dục trước đây mình từng học. Trong quá trình học MPP ở VJU, mình may mắn được học hỏi và nhận sự chỉ dạy rất tận tình của hai cô giáo hướng dẫn luận văn – những người đã giúp mình rất nhiều để cuối cùng đạt được kết quả xuất sắc.
Phượng làm MC trong sự kiện Open Campus 2019 tại VJU
Bạn là người yêu khoa học. Điều này bắt đầu từ khi nào?
Câu chuyện “đam mê khoa học” đến với mình rất tình cờ, khi mình đọc cuốn “Lên gác rút thang” của nhà kinh tế học Ha-Joon Chang cách đây 2 năm, ngay trước thời điểm mình nhập học VJU. Tác giả cho rằng những quốc gia giàu có hiện nay có một quá khứ không giống như những gì họ đang tuyên ngôn về tự do thương mại. Trên thực tế, họ đã bảo hộ ở mức rất cao trong một thời gian dài trước khi các ngành công nghiệp của họ trở nên cạnh tranh hơn và dần mở rộng hoạt động giao thương. Là người học kinh tế và có nền tảng về thương mại, mình đã bị “shock” trước kết luận gây tranh cãi ấy. Mình đã bắt tay vào việc phân tích trường hợp bảo hộ ngành ô tô của Việt Nam. Mình cảm thấy Việt Nam đã lựa chọn một chính sách đúng đắn về mặt lý thuyết, xong thực tế thì những thành tựu mà ngành công nghiệp ô tô mang lại vô cùng khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Mình muốn có một câu trả lời rõ ràng cho sự mâu thuẫn đó, muốn tìm ra nguyên nhân chính khiến cho chính sách bảo hộ tuy đúng đắn nhưng có thể không hợp thời hoặc thiếu tính đồng bộ với các chính sách khác. Mình đã rất yêu cuốn sách đó, vì nó đã khơi gợi tình yêu nghiên cứu trong mình, thôi thúc mình tiếp tục nghiên cứu.
Được biết, bạn thường chia sẻ các kiến thức về kinh tế của mình trên Fanpage cá nhân?
Trong đợt covid vừa rồi, song song với việc nghiên cứu luận văn thì mình có thực hiện các video chia sẻ kiến thức mình biết với mong muốn tạo ra một nguồn học miễn phí cho các bạn sinh viên đang phải học tập online. Đây vừa là cách mình có thể làm để vừa giúp cộng đồng vừa là cách mình trau dồi lại những kiến thức căn bản. Mong muốn của mình là giúp các bạn sinh viên đại học tiếp cận với kinh tế học một cách căn bản, bám sát thực tế, đề cao tính phản biện trong tư duy kinh tế chứ không chỉ chú trọng đến việc giải bài tập. Tuy lượng xem mới chỉ đạt vài nghìn xong mình cảm thấy dường như cách truyền đạt đó của mình có hiệu quả. Điều mà mình vui nhất đó là có những em sinh viên từ nhiều nơi trên cả nước đã biết đến kênh của mình. Đó là động lực để mình thực hiện tốt các clip tiếp theo.
Ngoài dự án cá nhân, bạn còn tham gia làm MC cho các buổi nói chuyện, thảo luận về khoa học, đây có phải là sở thích của bạn?
Đơn giản là vì sở thích thôi, còn nghiên cứu khoa học trong kinh tế thì không theo cách này được (cười). Bản thân mình khá yêu thích việc trò chuyện với những diễn giả mà họ giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Vì nói chuyện với những người giỏi, cảm giác như mình được đọc một cuốn sách hay. Mình thỏa mãn trí tò mò của mình qua những câu hỏi dành cho họ. Khai thác thông tin, câu chuyện mà diễn giả đem đến theo mình là một dạng nghệ thuật. Chủ đề của những buổi trò chuyện trên là rất rộng, từ thơ văn, tâm lý học đến công nghệ, đổi mới sáng tạo… đòi hỏi mình phải tìm hiểu thêm kiến thức để dẫn dắt buổi nói chuyện thành công.
Có thể thấy bạn là người khá thú vị với nhiều cá tính khác nhau. Bạn có thấy như vậy không và chia sẻ gì thêm về điều này?
Mình không nghĩ như vậy. Hiện tại, mình thấy mình vẫn còn khá trẻ nên muốn theo đuổi nhiều nhất đam mê và sở thích của mình. Trải nghiệm là điều quý giá nhất mà mình có được khi mình còn thời gian và sức lực. Triết lý sống của mình là không để phải hối tiếc khi về già (cười).
Cảm ơn Phượng và chúc bạn thành công!