Vào một ngày đầu tháng 6, 10 học viên của Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN đã tới Trà Thất của Hội Trà đạo Urasenke Tankokai Hà Nội để tìm hiểu về nghệ thuật trà đạo. Những câu chuyện được nghe, từng nghi thức mời uống Trà và dùng Trà được tận mắt thấy đã mở ra cho học viên những bài học vô giá về cuộc sống.
“Từ khi ra đời, những thứ tôi nhìn thấy, nghe thấy tất cả đều là Trà. Cứ như là từ khi trong bụng mẹ tôi đã được uống chút Trà dư ra từ đồ uống của mẹ mà được sinh ra. Tôi cũng hay nói đùa là mình đã mang một cái đĩa mầu xanh lá mà ra đời nhưng quả thật, tôi đã xuất hiện ở thế gian này với trách nhiệm kế thừa công việc của gia tộc. Tôi nghĩ đây không đơn thuần chỉ là sứ mạng, mà thực sự còn đòi hỏi trách nhiệm nữa.
Xưa kia Nhật Bản nghèo khổ nhưng tính cảm vẫn tràn đầy. Nghĩ về người khác và cùng nhau cảm nhận sự sống được trao gửi. Sau chiến tranh, cuộc sống và vật chất đầy đủ nhưng tinh thần lại nghèo nàn đi. Để lấy lại sự giàu có về tinh cảm tôi thiết tha mong muốn từ nay chúng ta hãy gắng sức vun đắp cho tinh thần “từ một bát Trà nguyện cầu cho hòa bình””
(Trích lời Ngài Sen Gensitsu, Trưởng môn phái trà đạo Urasenke Tankokai)
Mở đầu chia sẻ tại buổi gặp gỡ các học viên của Trường Đại học Việt Nhật, cô Iseri Chiharu, đại diện từ Hội Urasenke Tankokai Hà Nội đã mang đến những câu chuyện giản dị về chân dung của Ngài Sen Gensitsu, Trưởng môn phái trà đạo Urasenke. Ông là hậu duệ đời thứ 15 của phái Urasenke Nhật Bản. Từ kinh nghiệm của một đội viên đặc nhiệm cảm từng may mắn còn sống sót, ông có một tình cảm mãnh liệt với mong muốn “Từ một bát Trà mà đưa hòa bình đến toàn thế giới”.
Trong Trà đạo, người ta luôn nói về tinh thần “Hòa kính thanh tịnh”.
Hòa tức là hài hòa. Trong bộ môn Trà đạo, Trà Nhân (người mời Trà và uống Trà), Trà Thất (không gian thưởng trà) và Trà Cụ (vật dụng dùng trong Trà Đạo) luôn tồn tại một sự hài hòa với nhau, tạo nên một sợi dây tạo nên mối liên kết khăng khít về những giây phút hiện tại. tức là hài hòa.
Kính tức tôn kính, kính trọng những Trà Nhân, là biết ơn mọi sự.
Thanh là sự thanh khiết, khiết tịnh, thánh thiện, hài hòa, khiêm nhường trong cái tâm của mỗi người.
Khi Hòa – Kính – Thanh đạt được mức độ nhất định thì Tịnh xuất hiện. Tịnh là khi con người đặt trạng thái cao về mặt tinh thần và tâm linh, họ tìm thấy được sự an lạc và hạnh phúc thưc sự.
Tinh thần “Hòa kính thanh tịnh” đã theo chân người hậu duệ thứ 15 của phái Urasenke Nhật Bản đi qua những thăng trầm của chiến sự và trở thành đại sứ thân thiện liên hiệp quốc khóa đầu tiên.
Không chỉ được lắng nghe những chia sẻ về nguồn gốc và quá trình phát triển của bộ môn Trà Đạo, các học viên còn được thực hành Trà Đạo với các đại diện đến từ Hội Trà đạo Urasenke Tankokai Hà Nội, trở thành những vị khách thưởng trà. Các thành viên của Hội giải thích vô cùng cặn kẽ về từng chi tiết nhỏ trong toàn bộ quy trình. Mỗi một Trà Cụ (vật dụng dùng trong Trà Đạo) như chiếc chổi chasen, bánh kẹo Wagashi, những chiếc bát uống trà, cách người Chủ Trà lau từng chi tiết nhỏ với Trà Cụ để giúp các học viên thấy được sự trân trọng và ý nghĩa thực sự trong từng hành động, cử chỉ. Tất cả đều mang đến tinh thần “Hòa kính thanh tịnh”.
Nguyễn Đăng Huệ, học viên Chương Trình Biến đổi khí hậu và Phát triển chia sẻ: “Điều thích thú vô cùng của mình với buổi thực hành là tinh thần của Trà Đạo. Sau trải nghiệm trong không gian Trà Thất như những vị khách thật sự, mình cảm thấy rõ sự hoà hợp giữa những người uống trà và thấy được rằng việc học pha trà cũng giống như rèn cả thân thể và tâm hồn. Tất cả động tác phải bỏ tâm trí, lòng biết ơn vào đó. Trà Thất mang đến một cảm xúc bình yên, sự bình yên đến từ trong tâm trí. Đó thực sự là trải nghiệm vô cùng quý giá đối với mình.”
“Từ một bát Trà mà đưa hòa bình đến toàn thế giới” không chỉ dừng lại là mong muốn của một cá nhân mà dần dần đã trở thành mong muốn của rất nhiều người khi Trà Đạo luôn mang lại cho những người tham gia một cảm giác bình yên và mong muốn lan tỏa sự bình bình yên đến với mọi người.