Ngày 2/8/2024, hội thảo “Những xu hướng mới trong đảm bảo chất lượng toàn cầu và ý nghĩa đối với giáo dục đại học: Trường hợp của Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ (từ năm 2000 -nay)” đã được tổ chức tại Trường Đại học Việt Nhật (VJU) – ĐHQGHN, với sự tham gia của đông đảo khách mời. Trong đó, GS. Patrick Shorb từ Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai (KUISs) là diễn giả khách mời.
Khoảng 71 đại biểu, hầu hết đều là những chuyên gia đảm bảo chất lượng đến từ Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (AVU&C), ĐHQGHN, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Hà Nội, Học viện Phụ nữ, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Đồng Tháp, … đã tham dự hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trong phần phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Hoàng Oanh – Phó Hiệu trưởng VJU bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động đảm bảm chất lượng giáo dục ở môi trường đại học Việt Nam nói chung và Trường Đại học Việt Nhật nói riêng.
Patrick Shorb trình bày tham luận, giới thiệu về một số sáng kiến đảm bảo chất lượng đang được áp dụng tại Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ; đồng thời phân tích những ưu, khuyết điểm của chúng. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến những xu hướng tương lai trong văn hóa đảm bảo chất lượng, đưa ra dự báo về sự phát triển của hoạt động đảm bảo chất lượng nội bộ cùng vai trò của các bộ tiêu chuẩn hay nguyên tắc cụ thể. Theo ông, hãy còn quá sớm để khẳng định việc chú trọng nâng cao chất lượng hay tăng cường kiểm định chặt chẽ mới là cách tiếp cận sau cùng trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến một số thuật ngữ được sử dụng trong hoạt động đảm bảo chất lượng ở Nhật Bản như “Ba chính sách” (tuyển sinh, chương trình giảng dạy và bằng cấp), chi tiết về những tiêu chuẩn này và đặc điểm của các tổ chức, cơ quan đánh giá ở Nhật Bản.