Cuối tháng 6 vừa rồi, các học viên Chương trình Thạc sĩ Công nghệ Nano (MNT), trường Đại học Việt Nhật (VJU) – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), đã hoàn tất công việc viết và bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Đề tài nghiên cứu của các học viên đợt này đều được đánh giá là có tiềm năng ứng dụng cao như:
- Nghiên cứu tương tác của thụ thể mu-opioid với các phối tử định hướng và không định hướng bằng mô phỏng và học máy (Investigation of interaction of mu-opioid receptor with unbiased and biased ligands using molecular simulation and machine learning);
- Nghiên cứu cộng hưởng plasmon kích thích đa cực trong cấu trúc nano kim loại sử dụng ánh sáng xoáy (Study of multipole excitation of plasmon resonance in metal nanostructure using optical vortices);
- Mô phỏng và nghiên cứu thực nghiệm trên hệ màng mỏng ô-xít bán dẫn CuO pha tạp loại p (Simulation and experiment study on p-type doped CuO oxide-semiconductor thin films);
- Tổng hợp vật liệu dương cực LiFePO4/C hiệu suất cao cho pin Li-ion (Synthesis of high-performance cathode material LiFePO4/C for Li-ion battery);
- …
Công nghệ nano là lĩnh vực ứng dụng vật chất ở quy mô nguyên tử, phân tử và siêu phân tử (kích thước từ 1 đến 100 nanomet) cho mục đích công nghiệp với phạm vi rất rộng lớn, từ khoa học vật liệu, bán dẫn, y học, năng lượng,… cho đến sản xuất sản phẩm tiêu dùng. Không quá khi nói rằng “công nghệ nano mới chính là lĩnh vực đã làm thay đổi cả thế giới”.
Chương trình MNT tại VJU được mở khá sớm, ngay từ năm 2016, và dựa trên khung chương trình của Đại học Osaka (Nhật Bản) với một số điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Nội dung đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành theo hướng liên ngành nhằm giúp học viên nắm vững các khía cạnh của thế giới vật chất “siêu nhỏ”.
Học viên NMT luôn được khuyến khích chủ động và sáng tạo trong việc thực hiện nghiên cứu, nhất là đối với những đề tài mang tính ứng dụng cao. Ngoài ra, các giảng viên cũng luôn cố gắng cập nhật những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất trên thế giới để đưa vào trong nội dung giảng dạy.