Nhận được mail thông báo trúng tuyển chương trình Tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa Montreal (Polytechnique Montréal – Canada) khi vẫn đang theo học chương trình thạc sĩ của Trường Đại học Việt Nhật (VJU) là một điều thật bất ngờ với mình.

Việc theo học tại VJU có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của mình. Bởi lẽ, chỉ sau khoảng thời gian 2 năm ngắn ngủi, mình đã học hỏi được rất nhiều điều cả về chuyên môn lẫn tinh thần và phong cách làm việc của người Nhật – những điều đã đưa nước Nhật từ một nước thua trận sau thế chiến thứ II vươn lên trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới.   

Mình biết đến chương trình thạc sĩ Kĩ thuật hạ tầng của trường Việt Nhật một cách rất tình cờ khi thầy Phan Lê Bình, một trong những người đặt nền móng cho ngôi trường này là thành viên của hội đồng phản biện trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp đại học của mình. Thứ duy nhất thu hút mình tại thời điểm đó là cơ hội sang Nhật thực tập ba tháng tại trường Đại học Tokyo (The University of Tokyo hay người Nhật vẫn gọi là Todai) – một trong những trường đại học số một của châu Á khi trở thành học viên của VJU.


Học viên khoá 2 MIE trong kì thực tập tại Nhật Bản

Quả thật, khi sang Nhật Bản trong chương trình thực tập, tiếp xúc với rất nhiều người Nhật mình mới hiểu danh tiếng của ngôi trường này hoàn toàn không phải hư danh. Khi mình nhắc đến trường Tokyo với bất cứ một người Nhật nào thì cảm giác như trót lỡ thốt ra tên Voldermort trong phim Harry Portter vậy, ngay lập tức, họ sẽ nhìn mình với ánh mắt ngạc nhiên hoặc chốt ngay một câu “sugoi – tuyệt vời”. Những trải nghiệm quý báu ở Đại học Tokyo – trường đại học đối tác của VJU, ngôi trường có lịch sử lâu đời và nổi tiếng khắp thế giới trong kì thực tập của Trường Đại học Việt Nhật chính là thứ giúp mình tự tin chinh phục được những nấc thang cao hơn trên con đường học thuật.

Tuy nhiên, điều làm mình quyết định theo đuổi tấm bằng thạc sĩ tại VJU không phải chỉ là việc sang Nhật, mà chính là cơ hội được học hỏi và thu nạp kiến thức bởi những người đưa đò tận tuỵ của chương trình- những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng của Việt Nam hiện nay:

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – giám đốc chương trình, một cây đại thụ, một nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực cơ học và vật liệu composite. Thầy đã có những đóng góp không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục của đất nước và đứng đầu một nhóm những người nghiên cứu về vật liệu với hàng trăm bài báo đã công bố trên những tạp chí khoa học danh tiếng của thế giới.

GS. Hironori Kato- đồng giám đốc chương trình, giáo sư của khoa Kỹ thuật Xây dựng (Civil Engineering), Đại học Tokyo. Thầy có rất nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch giao thông không chỉ ở Nhật mà còn ở nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam. Thầy trực tiếp giảng dạy một số môn và hướng dẫn làm luận văn cho những bạn muốn theo đuổi lĩnh vực quy hoạch giao thông trong nhà trường.

TS. Phan Lê Bình- chuyên gia JICA, giảng viên của chương trình. Thầy Bình từng có 10 năm học tập tại trường Đại học Tokyo từ bậc đại học đến bậc tiến sĩ. Thầy còn là người duy nhất mang quốc tịch Việt Nam làm việc tại trụ sở chính của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ở Nhật Bản đến nay. Có thể nói thầy chính là một trong những cây cầu vượt đại dương kết nối mối quan hệ hai nước Việt Nam- Nhật Bản.

TS. Nguyễn Tiến Dũng- giảng viên của chương trình. Thầy Dũng là người có đã nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tại đại học Dong-A (Hàn Quốc) về xử lí nền móng trước khi trở về Việt Nam nghiên cứu và giảng dạy.

Ngoài ra còn rất nhiều những thầy cô đã từng học tập và làm việc nhiều năm ở Nhật tham gia vào đội ngũ giảng dạy của chương trình. Họ là những người đã đưa rất nhiều sinh viên Việt Nhật vượt biển Đông Du. Khoá đầu tiên của chương trình với vỏn vẹn bảy người, đã có một bạn học lên tiến sĩ tại Nhật với suất học bổng toàn phần danh giá đến từ chính phủ Nhật Bản (Học bổng MEXT) và ba bạn khác cũng đã sang Nhật, làm việc tại những công ty xây dựng lớn của nước này, với mức thu nhập và các chế độ đãi ngộ rất tốt. Khoá thứ hai bọn mình, có người anh ngoài tam tuần, được các thầy truyền đam mê nghiên cứu, cũng đã nhận được học bổng MEXT sang Nhật học lên tiến sĩ và đến nay, đã cũng đã có ít nhất ba anh chị trong lớp đã được các doanh nghiệp Nhật nhận vào làm việc dù vẫn chưa tốt nghiệp.


Học viên khoá 1 MIE trong buổi bảo vệ luận án tháng 6 năm 2018

Học ở Việt Nhật, điều tuyệt nhất,  không phải chỉ là cơ hội tương lai, mà còn là chính quãng thời gian được học tập tại trường. Về chuyên môn, các thầy cô không những củng cố kiến thức ở đại học mà còn cho bọn mình nhiều kiến thức mới lạ, bổ ích. Có một điều mà mình rút ra được rằng: học Kĩ thuật Hạ tầng tại Trường Đại học Việt Nhật không phải chỉ là học xây ngôi nhà, xây con đường, cây cầu nào đó mà là quan trọng nhất là xây dựng nhân cách sống cao đẹp, không ngại khó, ngại khổ, luôn luôn sẵn lòng thử sức những điều mới mẻ và phấn đấu hết sức mình vì mọi người xung quanh nhiều hơn vì bản thân. Các thầy chính là tấm gương sáng nhất để mình soi và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.


Chuyến Field Trip tháng 5 năm 2018

Điều cuối cùng mình muốn nói là, thời gian học 2 năm có thể nhiều người nghĩ là dài, nhưng 2 năm thanh xuân ở đây, với mình không lãng phí chút nào cả. Là một kẻ mang trong mình ước mơ kiến thiết đất nước, mang cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người xung quanh, theo đuổi chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật Hạ tầng tại Trường Đại học Việt Nhật thật sự là một quyết định đúng đắn mà mình không bao giờ thấy hối tiếc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *