Tô Hoàng Nguyên là học viên Khóa 2 chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Môi trường. Đại diện cho khóa 2 phát biểu tại trong buổi Lễ Tốt nghiệp và Trao bằng Thạc sỹ năm 2019, Nguyên đã chia sẻ về một trong những điều ảnh hưởng sâu sắc tới con người của Nguyên trong suốt hai năm học: Triết lý Giáo dục khai phóng.
Tô Hoàng Nguyên, học viên Khóa 2 chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Môi trường
“Để mở đầu bài phát biểu, tôi xin phép được trích dẫn câu truyện về một Trường Đại học Nhật Bản mà tôi vô cùng yêu thích.
Trong những năm tháng mạnh mẽ của cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị, có môt vị Hoàng tử Hoàng Gia Nhật Bản, đồng thời là một chính khách quốc tế, luôn đau đáu nhìn vào công cuộc cải cách giáo dục của quốc gia để làm sao đưa thế hệ trẻ Nhật Bản thời bấy giờ bước lên xứng tầm với các quốc gia phương Tây hiện đại. Ông và người thư ký của mình, trong suốt nhiều năm về sau, đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng một trong những Đại Học thời kỳ đầu của Nhật Bản và sau này phát triển thành một trong những tập đoàn giáo dục lớn của đất nước mặt trời mọc. Vị Hoàng tử đó có tên là Kinmochi Saionji, vị thư ký của ông là Kojuro Nakagawa và trường Đại học đó, cũng là nơi tôi được thực tập, có tên Đại học Ritsumeikan, thành lập năm 1869.
Nguyên (trung tâm ảnh) trong chuyến thực tập tại Đại học Ritsumeikan cùng bạn bè quốc tế
Ta sẽ không bàn đến những người sáng lập đã hình thành nó như thế nào, đã thành công với mô hình của mình ra sao mà sẽ chỉ tập trung vào duy nhất tên gọi của ngôi trường này “Ritsu-mei”. “Ritsumei” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “Lập Mệnh”. Không phải Trị Quốc, Bình Thiên Hạ hay những điều gì to tát và xa vời mà nội hàm trong hai từ đó là khát khao khai phóng: được làm chủ vận mệnh bản thân đồng thời đủ khả năng bước trên con đường mình xác lập. 150 trước, người Nhật Bản đã định hướng con đường giáo dục khai phóng thành công, và bồi dưỡng nên nhiều thế hệ xuất sắc mà đến nay vẫn tự hào.
Việt Nam có truyền thống hiếu học cùng nền văn hiến lâu đời trải qua suốt hàng nghìn năm. Tuy nhiên lịch sử có đôi chút kém phần ưu ái khi chiến tranh và bom đạn rền vang suốt chiều dài xây dựng Tổ Quốc; khiến cho thành tựu giáo dục chỉ bắt đầu khởi sắc trong những năm trở lại đây. Và chính trong kỷ nguyên cải cách giáo dục đó, Đại học Việt Nhật với triết lý giáo dục khai phóng 150 năm của Nhật Bản cùng “chất” kiên trì của sinh viên Việt Nam lại là mảnh ghép còn thiếu trong chuỗi nhân lực chất lượng cao mà đất nước đang tìm kiếm.
Tôi nói như vậy, không phải để khen, mà trong suốt hai năm gắn bó cùng ngôi trường, đó là triết lý giáo dục xuyên suốt tôi nhận được từ các giáo sư. Sự khai phóng nằm ở quá trình tự nhận thức được phương pháp học và theo đuổi nội dung chuyên môn mình mong muốn chứ không áp đặt nguyên xi một mô hình cứng nhắc và gò bó. Có thể các bạn ngồi ở đây, sẽ không phải ai cũng theo đuổi giấc mơ nghiên cứu, nhưng tôi tin chắc rằng các bạn đã có được tư duy khai phóng để tự theo đuổi giấc mơ thành công của riêng mình, dù đó là gì đi nữa.
Trước khi kết thúc bài nói, tôi muốn chia sẻ thêm về “sứ mệnh”. Chúng ta được gặp nhau ở đây, các bạn sinh viên, các Thầy Cô giáo, các vị đại biểu có công lao kiến tạo, gặp nhau bởi chữ “DUYÊN”. Trong nhân duyên hữu ngộ đó, nếu nói chính phủ hai nước Việt Nam-Nhật Bản là dòng nước khởi thủy, thì các Thầy Cô đã hoàn thành sứ mệnh chèo đò của mình ngày hôm nay. Chỉ còn chúng ta, những sinh viên may mắn được thụ hưởng công sức đó, phải hoàn thành sứ mệnh của chúng ta: đó là CẬP BẾN.
Tôi cũng như các bạn, chúng ta cùng nghĩ tới câu chuyện của 20 năm sau, khi VJU đã trở thành một tượng đài của sự thành công, thì mong các bạn hãy ghi nhớ rằng: tượng đài đó chỉ có thể được vun đắp bằng chính nắm cát sứ mệnh bạn mang theo trong suốt chuyến đò sự nghiệp ngày hôm nay. Hãy tự mình lập mệnh trên những con đường khác nhau, nhưng xin hãy luôn gặp nhau tại một điểm duy nhất trong tương lai đó là BẾN THÀNH CÔNG. Và dù đi đâu, làm gì, mong rằng, các bạn ngày hôm nay đã từng có thời gian được học tập, trải nghiệm dưới mái trường VJU.
Cuối cùng, xin đại diện các anh chị và các bạn học viên cao học khóa hai của Trường Đại học Việt Nhật, chúng tôi xin gửi lời tri ân chân thành tới các tổ chức các tập đoàn, doanh nghiệp, các thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể cán bộ nhân viên của nhà trường đã cùng nhau làm việc, đã luôn giúp đỡ và ở bên cạnh chúng em trong suốt 2 năm qua. Qua đây, chúng con cũng xin đượcdành cho cha mẹ, các cô các bác phụ huynh có mặt trong buổi lễ hôm nay từ đáy lòng minh sự biết ơn sâu sắc. Bố mẹ là điểm tựa vững chắc, nguồn động viên tinh thần cho tất cả chúng con vượt qua mọi thử thách dù khó khăn đến đâu.
Chúc các bạn luôn thành công. Chúc VJU ngày càng phát triển rực rỡ hơn nữa.”
Nguyên (thứ 5 từ phải qua trái) là 1 trong 11 học viên ưu tú của Khóa 2 nhận giấy khen từ Hiệu trưởng