Đây là định hướng mà Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Việt Nhật phát biểu tại buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Taiko trước thềm cuộc họp Hội đồng Trường Đại học Việt Nhật sắp tới. Theo đó, Trường Đại học Việt Nhật được thành lập với kỳ vọng sẽ tạo động lực mới trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam cùng với góp phần gia tăng giá trị đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, gắn kết công tác đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp, trở thành trung tâm giao lưu văn hóa và học thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Đại sứ Yamada Taiko cho biết Trường Đại học Việt Nhật (VNU-VJU) đã được thành lập gần một thập kỷ, do đó, đây là thời điểm quan trọng để các bên ngồi lại với nhau nhằm hoạch định phương hướng phát triển sắp tới. Việc thành lập trường Đại học Việt Nhật đem lại lợi ích chung cho cả hai quốc gia khi Nhà Trường có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, Nhật Bản, Châu Á và thế giới nói chung. Mặt khác, các nhân lực này góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Do đó, cần thiết phải mở rộng quy mô đào tạo để Trường có thể tiếp tục sứ mệnh của mình.
                                                               Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Taiko
Năm 2020, Trường Đại học Việt Nhật và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết Giai đoạn 2 của Dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học tại Trường Đại học Việt Nhật (TC2). Đại sứ cho rằng vì dự án dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025, chính vì vậy, hai bên cần tiếp tục trao đổi về phương hướng để Nhật Bản hỗ trợ Trường Đại học Việt Nhật trong thời gian tới, trên cơ sở tham khảo ý kiến của doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực từ các ngành đào tạo của Trường.
Dự án TC2 là Dự án Hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học tại Trường ĐH Việt Nhật giữa Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN giai đoạn 2. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2025. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả ba cấp độ đại học, cao học, tiến sĩ; nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị tại Trường Đại học Việt Nhật, dự án TC2 tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ để Đại học Việt Nhật phát triển thành một trường đại học nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và theo hướng dần tự chủ, bền vững.

                                                             Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Việt Nhật
Hoàn toàn đồng ý với những ý kiến của Ngài Đại sứ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết ĐHQGHN đã thống nhất với Trường Đại học Việt Nhật sẽ ưu tiên phát triển đồng đều các chương trình học ở cả bậc cử nhân và sau đại học để thu hút nhiều người học, ưu tiên đào tạo các ngành mà doanh nghiệp có nhu cầu. Đặc biệt, trong niên khóa 2022, Trường Đại học Việt Nhật sẽ có thể đưa khóa sinh viên đầu tiên tới học tập tại Hòa Lạc. ĐHQGHN cam kết nếu Trường Đại học Việt Nhật phát triển đúng hướng, tuyển sinh được đủ chỉ tiêu và phía Nhật Bản có thể hỗ trợ Nhà trường thu hút 100 tiến sĩ về giảng dạy thì ĐHQGHN sẽ đảm bảo điều kiện học tập về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 3000 sinh viên đến năm 2026.
Hiệu Trưởng Trường Đại học Việt Nhật Furuta Motoo cho rằng việc mấu chốt của việc phát triển Nhà trường trong những năm tới là tăng số lượng sinh viên bằng việc mở rộng quy mô đào tạo và tăng cường hợp tác giữa Chính phủ – Nhà trường – Doanh nghiệp để liên kết tạo nguồn lực cho Nhà trường.

Đại sứ Yamada Taiko bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển của Trường Đại học Việt Nhật và vui mừng trước những cam kết về định hướng phát triển của ĐHQGHN dành cho Nhà trường. Đối với những đề xuất của ĐHQGHN, Đại sứ sẽ trao đổi lại với Chính phủ Nhật Bản để cân nhắc các hoạt động hợp tác sắp tới.

Dự án TC2 dự kiến sẽ thực hiện các hoạt động chính sau:
– Xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ theo các các tiêu chí chất lượng cao, trên cơ sở thế mạnh của các đại học đối tác Nhật Bản và nhu cầu của Việt Nam: các ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội liên ngành, khoa học bền vững, công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học sự sống; mở rộng quy mô Trường tại Hoà Lạc và phát triển một số chương trình theo định hướng tự chủ khi dự án kết thúc.
– Hỗ trợ ban đầu cho các nhà khoa học trình độ cao theo các tiêu chí có khả năng huy động tài trợ nghiên cứu, khởi tạo nhóm nghiên cứu độc lập sau 2-3 năm, đề xuất và triển khai học phần mới/chương trình đào tạo mới.
– Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý đại học nghiên cứu theo hướng tự chủ cao và theo kinh nghiệm của các đại học nghiên cứu Nhật Bản; Phát triển quan hệ hợp tác với các đại học và doanh nghiệp Nhật Bản.
– Hỗ trợ chi phí tại địa phương để tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị thực hành cho các chương trình đào tạo và trang thiết bị nghiên cứu cho một số hướng nghiên cứu trọng điểm như khoa học bền vững và hỗ trợ chi phí vận hành cơ sở vật chất tại Hà Nội theo chuẩn Nhật Bản.
– Chuyển giao các sản phẩm nhằm hỗ trợ Trường Đại học Việt Nhật mở rộng quy mô đào tạo và phát triển nhanh theo hướng bền vững từ năm 2025.

Tác giả bài viết: Thùy Trang – Quốc Toản – VNU Media

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *