Cô Lê khi nhận bằng Thạc sĩ tại Nhật Bản

TS. Lư Thị Thanh Lê tham gia Trường Đại học Việt Nhật từ tháng 8 năm 2020. Bén duyên với văn học văn hóa dân gian từ khi học Khoa Văn học – Trường ĐH KHXH&NV, cô cảm thấy mình may mắn vì “gõ vào khoảng mà không nhiều người gõ.” Năm 2010, cô theo học Thạc sĩ chuyên ngành Khu vực học quốc tế tại Đại học Tsukuba – Nhật Bản. Học tập trong môi trường đa văn hóa, sau này nghiên cứu sâu về văn hóa dân gian trong thời gian học Tiến sĩ tại ĐHQGHN, TS. Lê cho rằng các giá trị truyền thống, xưa cũ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình căn cước dân tộc và bản sắc cá nhân.

Là một người yêu thích trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, từng là Trưởng Bộ môn Văn học dân gian, nay là Bộ môn Folklore và Văn hóa đại chúng tại Trường ĐH KHXH&NV, TS.Lê có rất nhiều tâm huyết trong việc giảng dạy và nghiên cứu về văn hóa truyền thống Việt Nam. Sự tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản và văn hóa quốc tế trong thời gian học tập tại Nhật và trong các hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học sau này giúp TS. Lê nhận thấy truyền thống chính là hồn cốt, là yếu tố làm nên bản sắc mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, và cũng là căn cốt giúp hình thành nên bản sắc riêng cho mỗi cá nhân khi tham gia các cộng đồng mang tính quốc tế. Tích cực khám phá và nghiên cứu những nét văn hóa dân gian đặc sắc của người Việt cũng như các dân tộc thiểu số trên khắp dải đất hình chữ S, cô từng thực hiện những chuyến nghiên cứu điền dã độc lập, nghiên cứu theo nhóm và đưa sinh viên đi nghiên cứu tại nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam. Thông qua các bài giảng, cô “gieo” tình yêu văn hóa truyền thống vào thế hệ trẻ, giúp họ trân trọng những giá trị xưa cũ của dân tộc. Cô cảm thấy có thêm động lực khi thấy sinh viên của mình hào hứng, quan tâm, say sưa và sẵn sàng chung tay giúp cho các giá trị truyền thống được duy trì, phát triển bền vững trong xã hội hiện đại. Cùng với các giảng viên trong Bộ môn, cô đã sáng lập Folklore Club USSH, một câu lạc bộ của những bạn trẻ yêu thích văn hóa dân gian. Cô và CLB đã có nhiều hoạt động phong phú nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến với sinh viên, như các buổi biểu diễn nghệ thuật, các lớp học chèo, xẩm, chầu văn, quan họ, các buổi tọa đàm với các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, các chuyến nghiên cứu điền dã, những buổi thực hành làm phim về văn hóa nghệ thuật, các buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa sinh viên Việt Nam và quốc tế,…

Bên cạnh việc giảng dạy về văn hóa dân gian, TS. Lê cũng là một nhà đào tạo về giáo dục khởi nghiệp. Tham gia chương trình Nhà giáo dục khởi nghiệp (entrepreneurial educator) tại ĐHQG từ năm 2018, TS. Lê từ đó đã bắt đầu hướng nhiều hơn sự quan tâm của mình tới giáo dục học, và đã cùng các đồng nghiệp “tái hình dung về giáo dục” (re-imagine education), đổi mới những thực hành giảng dạy để lớp học không chỉ đem đến cho sinh viên kiến thức mà còn cả tư duy khởi nghiệp (entrepreneurial mindset), khả năng giải quyết vấn đề, khả năng hợp tác, khả năng thích ứng,… Cô cho rằng, khi mình hiểu hơn mục tiêu thực chất của giáo dục, việc giảng dạy trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn với chính mình, và những tri thức, kinh nghiệm của mình có thể ích dụng nhiều hơn cho các bạn sinh viên, giúp các bạn có thể thúc đẩy những đóng góp tích cực cho xã hội. Là một trong 20 đại sứ đổi mới sáng tạo của ĐHQG HN trong khuôn khổ chương trình VIBE – pha 2 do ĐSQ Ireland, Irish Aids tài trợ, TS. Lê thường xuyên tham gia giảng dạy tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường ĐH trong và ngoài ĐHQG Hà Nội.Cô cũng đang theo học khóa diploma về Sáng tạo và đổi mới trong giáo dục do Học viện Đổi mới sáng tạo, University College Dublin tài trợ để cập nhật những xu hướng của nền giáo dục hiện đại.

Cô rất tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế

TS. Lê luôn nỗ lực để “update” bản thân. Cô đôi khi cảm thấy “dường như không đủ thời gian để học hết tất cả những gì mình thích”. Cô thường liên tục tham gia các khóa học và chương trình tập huấn thuộc các lĩnh vực khác nhau, như khóa học Điện ảnh của Quỹ Ford, khóa học Nhân văn số, Nhà giáo dục khởi nghiệp, Nghệ thuật cho mọi người, Công dân tích cực và Doanh nghiệp xã hội, Tư duy thời đại số… Cô nói, “Qua những trải nghiệm dù ít ỏi của mình, tôi nhận thấy tri thức giúp ích rất nhiều trong cuộc sống. Tri thức giúp chúng ta giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và sống cuộc sống với những trải nghiệm đủ đầy, thú vị nhất. Tôi luôn mong muốn học hỏi từ người khác để làm giàu tri thức cho bản thân, đồng thời cũng muốn chia sẻ những hiểu biết của mình tới những người mà có thể tri thức đó hữu ích”. Cô tâm đắc với câu nói “Sharing is empowering”, và cho rằng việc chia sẻ không chỉ hữu ích với người nhận mà còn cả với người chia sẻ tri thức. Với tài khoản facebook của mình, cô cũng thường xuyên chia sẻ các thông tin, với hình dung rằng chúng có thể hữu ích cho một ai đó. Và cô rất vui khi tình cờ nghe thấy sinh viên kể “Em tham dự chương trình mà cô share”, “Em tham dự khóa học mà cô chia sẻ”, “Em apply thành công học bổng mà cô giới thiệu”,… Có bạn sinh viên còn cho biết: “Tụi em follow first facebook của cô để không bị lỡ thông tin nào”.

Về bản thân cũng như về công việc của mình, TS. Lê yêu  thích sự kết hợp giữa nghiên cứu hàn lâm và tinh thần ứng dụng, kết hợp giữa tính truyền thống và tính hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Cô cũng tích cực tham gia và kết nối trong các mạng lưới học thuật. Các mối quan tâm nghiên cứu của cô đa dạng, bao gồm văn học, văn hóa dân gian Việt Nam, folklore trong xã hội hiện đại, huyền thoại, văn hóa và công nghiệp sáng tạo, nhân văn số, nghiên cứu tộc người, di sản và du lịch, đổi mới sáng tạo trong giáo dục, giáo dục khởi nghiệp,… Cô từng tham gia giảng dạy về Văn học Việt Nam trong chương trình trao đổi mùa hè của University California Fullerton về Việt Nam học tại ĐHKHXH&NV, là Thư ký chuyên môn của CLB Nhà khoa học ĐHQG Hà Nội, thành viên chương trình ASEAN Scientist Leaders Program 2019. Cô cũng tham gia nhiều hội thảo uy  tín về khu vực học và Việt Nam học như ICAS (International Convention of Asia Scholars), AAS in Asia, Engaging with Viet Nam,… và tham gia tổ chức các hội thảo, sự kiện học thuật uy tín cùng các đồng nghiệp. Mới đây, cô được bầu là ủy viên trẻ nhất trong BCH Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. 

Tại Trường Đại học Việt Nhật, TS. Lê sẽ tham gia giảng dạy các học phần liên quan đến văn hóa Việt Nam trong các chương trình thạc sĩ, cử nhân. TS. Lê hi vọng rằng tại Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội, cô có thể cùng đồng nghiệp tăng cường những nghiên cứu, khám phá về văn hóa Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, giao lưu văn hóa quốc tế giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Các trải nghiệm văn hóa đa quốc gia sẽ khiến bài giảng văn hóa của cô nhiều màu sắc và phong phú về cách tiếp cận

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *