GS. Nobuo Mimura, Giám đốc Đại học Ibaraki mang triết lý khai phóng, triết lý được áp dụng xuyên suốt 7 thập kỷ hoạt động của trường tới Việt Nam với hy vọng tạo ra một thế hệ người Việt trẻ chủ động với mọi thay đổi và sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. 


Giáo sư Nobuo Mimura và bài giảng về khoa học bền vững tại Lễ Khai giảng năm học 2018-2019 của Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN

Vai trò quan trọng của đại học trong đối phó với biến đổi khí hậu

Cách đây gần 10 năm, trong một cuộc phỏng vấn với Trường Đại học Liên hợp quốc về mối hiểm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu, khi mà nhiều nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách cho rằng biến đổi khí hậu sẽ không bao giờ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới Nhật Bản trong tương lai, GS Nobuo Mimura, chuyên gia hàng đầu Nhật Bản người trực tiếp thực hiện rất nhiều nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đã chỉ ra những phát hiện trong các nghiên cứu của mình chứng minh rằng biến đổi khí hậu sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của nước Nhật. 

Khi ấy, GS Mimura nhấn mạnh rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết. Song song với điều đó là sự chuẩn bị của nguồn nhân lực đối phó với biến đổi khí hậu, yêu cầu đặt ra là tập hợp của những chuyên gia có trình độ, năng lực trong dự đoán, dự báo biến đổi khí hậu để có những đối phó kịp thời với tình hình. Chính vì vậy, giáo dục đại học, nơi đóng góp vai trò chính trong nghiên cứu và đào tạo các chuyên gia và nhà nghiên cứu, là vô cùng cần thiết.

Vừa qua, Nhật Bản liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các thảm họa thiên nhiên. Động đất tại Hokkaido với hơn 100 cơn dư chấn, siêu bão Jebi,… đều là những thảm họa lớn nhất trong lịch sử nước Nhật. Thế giới vẫn thấy được sự kiên cường của người dân Nhật Bản trước những cơn địa chấn đó nhưng điều cần thiết hơn mà theo GS. Mimura chính là sự chuẩn bị của một bộ phận nhà nghiên cứu có trình độ để đối phó với biến đổi khí hậu, không chỉ tại nước Nhật, mà trên toàn thế giới.

GS Mimura cũng đã từng chia sẻ, nước Nhật đang “già” đi và với xu hướng già hóa dân số như vậy, Nhật Bản khó có thể có đủ nhân lực để đối phó với thiên tai. Chính vì vậy, ông và Đại học Ibaraki hướng ra thế giới để tìm những người đồng hành cùng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.  


Bài giảng đặc biệt của GS Mimura với học viên 

Lấy trọng tâm là người học, đề cao giáo dục khai phóng

Với mong muốn ấy, GS Nobuo Mimura đã tới Việt Nam, một trong những quốc gia theo GS có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh nhưng lại đang phải đối mặt với nhiều hệ quả của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hệ quả từ phát thải khí nhà kính. 

Trường Đại học Việt Nhật (ĐHQGHN) không chỉ có những trao đổi mạnh mẽ trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản mà còn mang theo triết lý giáo dục khai phóng và phát triển bền vững, hai triết lý trọng tâm mà Đại học Ibaraki đang theo đuổi. GS. Nobuo Mimura chia sẻ những kỳ vọng to lớn của mình: “Một trong những kỳ vọng của chúng tôi cho sự hợp tác này là xây dựng được một hệ thống giáo dục chất lượng cho các học viên của trường. Đó cũng là nỗ lực của chúng tôi cho sự phát triển chung của các quốc gia Châu Á. Châu Á được coi là khu vực phát triển năng động nhất của thế kỷ 21 nhưng đây cũng là thời điểm mà biến đổi khí hậu đang gây ra các tác động mạnh mẽ nhất.

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là thời điểm sự chủ động được đề cao trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta cần nhận thức được vấn đề này và xây dựng được một hệ thống giáo dục tạo nên những người đảm nhiệm được những yêu cầu cho sự phát triển bền vững.”

Về phía Trường Đại học Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN, Hiệu trưởng Furuta Motoo chia sẻ: “Trường Đại học Việt Nhật luôn đặt triết lý giáo dục khai phóng và phát triển bền vững là phương châm phát triển xuyên suốt. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác với Đại học Ibaraki, trường đại học có bề dày kinh nghiệm trong phát triển bền vững, nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu và đồng thời lấy giáo dục khai phóng là triết lý phát triển sẽ mang lại cơ hội lớn cho học viên và sự phát triển chung của hai nền giáo dục.”


Trường Đại học Việt Nhật và Đại học Ibaraki ký kết thỏa thuận hợp tác 

Kết quả của sự hợp tác này là sự ra đời của ngành học Thạc sỹ Biến đổi khí hậu và Phát triển (MCCD) có mục đích là đào tạo nguồn nhân lực nắm bắt và triển khai các cơ hội công việc có nhu cầu cao và bền vững này. Tại đây, các ứng viên từ các ngành khác nhau như khoa học xã hội, khoa học tự nhiên cũng như các ứng viên đến từ cơ quan quản lý tham gia khóa học thạc sỹ về Biến đổi khí hậu và Phát triển tại Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

 


PGS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc chương trình


GS Kazuyuki Kita, đồng giám đốc chương trình 

Ngay trong buổi định hướng cho học sinh khóa đầu tiên của chương trình, GS Nobuo Mimura và các thành viên của Đại học Ibaraki đã đến Trường Đại học Việt Nhật và cùng tham dự thảo luận ý tưởng về đối phó với biến đổi khí hậu. Một trong những phương pháp mà GS. Nobuo Mimura nhấn mạnh trong đào tạo học viên chính là phương pháp “Active learning – Học tập chủ động” và giáo dục khai phóng.

GS Nobuo Mimura chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng làm hết sức mình để thúc đẩy giáo dục của Việt Nam. Đại học Ibaraki sẽ tập hợp những giáo sư hàng đầu về biến đổi khí hậu tại Nhật Bản và mời sang giảng dạy tại Trường Đại học Việt Nhật. Chúng tôi đã có bề dày nghiên cứu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học xã hội và nhân văn. Chính vì vậy, chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ bền chặt với rất nhiều giáo sư tại Nhật Bản và chúng tôi sẽ mang lợi thế đó đến với Việt Nam mà Trường Đại học Việt Nhật chính là trung tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ ứng dụng các phương pháp giảng dạy và chuyển giao các công nghệ nghiên cứu về biến đổi khí hậu học viên Trường Đại học Việt Nhật.”

Chương trình Thạc sỹ Biến đổi khí hậu và Phát triển dựa trên chương trình giáo dục của trường Đại học Ibaraki với các điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Học viên chương trình được học tập trong môi trường học thuật quốc tế, phương pháp dạy học tiên tiến, có phòng nghiên cứu và thiết bị hiện đại, được trải nghiệm thực tế ở một đất nước dù bị tổn thương vào loại nặng nhất thế giới nhưng đang tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu là Việt Nam; được học và thực tập công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu hàng đầu thế giới của Nhật Bản; được học tập, nghiên cứu với các giáo sư, nhà khoa học, các nhà quản lý giỏi về biến đổi khí hậu của Việt Nam và ít nhất 50% giảng viên đến từ Nhật Bản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *