Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với nền công nghiệp chế tạo hùng mạnh bậc nhất thế giới, với khả năng sản xuất ra những sản phẩm tuyệt hảo. Theo số liệu của METI (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản), nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng sở hữu năng lực công nghệ rất mạnh (chuken kigyo) của nước này hiện đang chiếm lĩnh gần 70% thị trường toàn cầu trong hơn 30 lĩnh vực công nghệ, từ giấy tráng ảnh, bóng phát sáng màn hình cho đến tụ điện sứ nhiều tầng dùng để điều chỉnh dòng điện trên các thiết bị, …
Có thể kể tới những tên tuổi nổi bật như Shimano (chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp), Murata (tụ điện), YKK (phéc-mơ-tuya), Nidec (mô-tơ ổ đĩa cứng và phụ tùng ô-tô), Mabuchi (mô-tơ siêu vi dùng trong gương chiếu hậu ô-tô), Tokyo Electron (thiết bị sản xuất vi mạch, màn hình FPD), Shin-Etsu (vật liệu từ tính), Nitto Denko (vinyl, chất cách nhiệt),…
Trong ngành công nghiệp bán dẫn, TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc) sẽ chẳng thể chế tạo ra những con chip tiên tiến nhất nếu thiếu thiết bị và vật liệu từ các nhà cung cấp Nhật Bản. Chẳng hạn, Công ty Lasertec Corp, trụ sở tại Yokohama, là đơn vị duy nhất trên thế giới sản xuất được máy đo có khả năng kiểm tra sai số của khuôn EUV trong quy trình quang khắc bán dẫn với độ chính xác cao nhất.
Sở dĩ có điều này là nhờ người Nhật đã thấm nhuần triết lý monozukuri (ものづくり) – chỉ sự kết hợp giữa từ ‘mono’ mang nghĩa là đồ vật, và ‘zukuri’ tức hành động làm ra chúng. Đối với người Nhật, ‘zukuri’ thực sự đã được nâng lên tầm nghệ thuật. Tuy nhiên, triết lý monozukuri cũng không đơn thuần chỉ tập trung vào việc chế tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, mà nó còn bao hàm cả yếu tố bền vững và sự hài hòa với môi trường.
Dưới đây là một số điểm chung của các doanh nghiệp sản xuất mạnh Nhật Bản:
– Họ thường đầu tư rất nhiều cho hoạt động R&D;
– Họ luôn tự thực hiện các công đoạn then chốt, mang giá trị cốt lõi ở trong nước, cho dù đầu tư ra nước ngoài;
– Tự tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng riêng, thậm chí tự chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ quá trình sản xuất;
– Sản phẩm mang tính cá biệt hóa cao;
– Qua đó doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí, tránh bị phụ thuộc vào nhà cung cấp khác, nhất là từ nước ngoài, đồng thời nắm giữ trọn vẹn know-how.
Nắm bắt được nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam về việc áp dụng công nghệ kỹ thuật, phương thức sản xuất và quản trị của doanh nghiệp Nhật Bản, kể từ năm 2023, Trường Đại học Việt Nhật (VJU) – ĐHQGHN đã mở chương trình kết hợp Kỹ sư – Thạc sĩ “Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản” (MJM). Chương trình được thiết kế 4,5 năm để đạt trình độ kỹ sư và thêm 1 năm (5,5 năm) để có bằng thạc sĩ kỹ thuật. Mục tiêu của chương trình là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, sở hữu nền tảng sâu rộng và kỹ năng vững chắc trên các lĩnh vực cơ điện tử, cơ khí chính xác và khoa học vật liệu, có khả năng thích ứng tốt trước sự biến đổi liên tục của thị trường lao động và thế giới công nghệ, qua đó tạo ra đóng góp thiết thực vào sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Sinh viên MJM sẽ có nhiều cơ hội thực tập và tuyển dụng từ các doanh nghiệp xuất sắc Nhật Bản tại Việt Nam và cả tại Nhật Bản; Tham gia vào những chương trình trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu mà VJU đã ký kết với Đại học Osaka, Đại học Tokyo,… Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể đảm nhận vai trò kỹ sư thiết kế, vận hành; tư vấn kỹ thuật; quản trị và khởi tạo các dự án; phụ trách khối R&D tại các doanh nghiệp; hoặc lựa chọn học lên trình độ cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) tại Nhật Bản nếu định hướng theo giảng dạy, nghiên cứu…