Chiều 05/02/2025, Khoa Công nghệ & Kỹ thuật tiên tiến (FATE) và Phòng Xúc tiến Nghiên cứu, Hợp tác & Phát triển (R&D) Trường Đại học Việt Nhật (VJU) – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), đã cùng phối hợp tổ chức hội thảo Vietnam’s Evolving Manufacturing Sector and the Demand for New Talent – The Educational Approach of Vietnam-Japan University (Tạm dịch: Ngành sản xuất đang phát triển của Việt Nam và nhu cầu mới về nhân tài, hướng tiếp cận của Trường Đại học Việt Nhật) tại cơ sở Mỹ Đình.

 

 

Chương trình thu hút đông đảo người tham dự, bao gồm các cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và nhiều đại diện tổ chức, doanh nghiệp đối tác của VJU.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chứng kiến dòng vốn đầu tư (FDI) đổ vào khu vực sản xuất chế tạo (manufacturing sector) tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính của ngành này hiện chủ yếu vẫn dựa vào thâm dụng lao động (labor intensive) thay vì gia tăng hàm lượng kỹ năng, tri thức và kiến tạo giá trị. Chính phủ Việt Nam cũng đang rất nỗ lực nhằm thực hiện tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và tăng cường hội nhập, cố gắng đón đầu làn sóng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để thúc đẩy tăng trưởng năng suất, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (middle-income trap) và gia nhập hàng ngũ quốc gia phát triển. Một chiến lược quốc gia toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng trưởng vốn con người (human capital) sẽ đóng vai trò đặt biệt then chốt trong giai đoạn này.

Trong bài phát biểu ngắn khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Oanh – Phó Hiệu trưởng thường trực VJU, đã nêu bật một số thách thức đến từ sự phát triển quá nhanh của công nghệ, tiêu biểu như AI, … khiến cách thức chúng ta tương tác, học tập và làm việc cũng phải thay đổi theo. Đứng trước nhu cầu mới của cả xã hội và nền kinh tế, VJU cam kết trung thành với triết lý giáo dục khai phóng để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng tốt với những biến đổi sâu sắc của thời đại.

Từ Đại học Waseda (Nhật Bản), GS. Takahiro Fujimoto, một chuyên gia hàng đầu về quản lý công nghệ/sản xuất & kinh tế học tiến hóa (evolutionary economics) cũng gửi ý kiến đóng góp đến hội thảo, khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên cải tiến, hoàn thiện tri thức, quy trình và cách thức vận hành hoạt động sản xuất để thực sự trở thành một manufacturing hub của cả thế giới. Lĩnh vực này cũng nên được xem xét đưa vào nội dung đào tạo tại VJU, bên cạnh các chương trình cơ khí, tự động hóa, cơ điện tử, …

 

 

Ông Takahiro Kono, Giám đốc phát triển kinh doanh & hỗ trợ nguồn nhân lực tại Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) có bài tham luận “The Changes in Industry and Consumption in Vietnam and the Demand for Highly Skilled Human Resources” (Sự thay đổi trong lĩnh vực công nghiệp và tiêu dùng ở Việt Nam, cùng nhu cầu đối với nguồn nhân lực kỹ năng cao), trong đó nhấn mạnh: khoảng 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động trong vòng 1-2 năm tới (tỷ lệ đứng nhất ASEAN); và trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, có đến 26,5% cân nhắc Việt Nam (tỷ lệ đứng thứ 2, chỉ sau Mỹ theo quốc gia/khu vực). Việc Việt Nam chú trọng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và ngày càng có nhiều lao động ưu tú làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản, sẽ góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực xuất sắc cho sự phát triển của cả hai nước. JETRO dự kiến sẽ đồng tổ chức một sự kiện giới thiệu về VJU vào ngày 20/2 sắp tới.

 

 

Sau phần trình bày của ông Bùi Trung Kiên về thực tiễn doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam – trường hợp Nipro Pharma (nhà sản xuất dược phẩm theo hợp đồng thuộc loại lớn nhất Nhật Bản, hiện đang vận hành một nhà máy tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) và 02 bài tham luận của 02 nhóm nghiên cứu VJU, TS. Phạm Tiến Thành – Phó Trưởng khoa FATE – đã giới thiệu về hoạt động đào tạo kỹ sư (engineering education) của trường cùng đề án thành lập nhóm nghiên cứu liên ngành chuyên về Monodukuri (triết lý sản xuất kiểu Nhật).

 

 

Tiếp đó, GS. Enomoto Toshiyuki (ĐH Osaka) phát biểu tổng kết hội thảo, nhấn mạnh tầm quan trọng của thực tiễn trong hoạt động đào tạo & phát triển nguồn nhân lực, khuyến nghị VJU cần tăng cường hơn nữa hợp tác cùng doanh nghiệp.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *