Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới

Sáng 28/11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Ban lãnh đạo ĐHQGHN.

https://vju.ac.vn/wp-content/uploads/2023/10/Thu-tuong-1-1.jpg

https://vju.ac.vn/wp-content/uploads/2023/10/Thu-tuong-1w2-1.jpg

Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế và UBND thành phố Hà Nội.

Về phía ĐHQGHN có Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN; các thành viên trong Ban Giám đốc; lãnh đạo các trường đại học, khoa, viện nghiên cứu thành viên, Văn phòng ĐHQGHN, Văn phòng Đảng uỷ, các ban chức năng của ĐHQGHN.

https://vju.ac.vn/wp-content/uploads/2023/10/Thu-tuong-1w22-1.jpg

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ dành cho ĐHQGHN và báo cáo về tình hình hoạt động của ĐHQGHN trong thời gian vừa qua cũng như trình bày một số kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, nhờ quyết liệt đổi mới, tiên phong sáng tạo trong tổ chức và triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, ĐHQHGN đã xác lập và luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức lớn, hàng đầu đất nước, có uy tín trong khu vực và quốc tế, xứng đáng với niềm tin và kì vọng của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian qua, ĐHQGHN tiếp tục có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, khẳng định danh tiếng, xác lập vị trí đại học hàng đầu Việt Nam và ghi danh vào nhóm các trường đại học có vị thế cao trong khu vực và thế giới. Vị trí của ĐHQGHN cải thiện rõ nét trên bảng xếp hạng quốc tế, 3 năm liên tục (2019-2021) nằm trong nhóm 801-1000 thế giới. Năm 2020, theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Anh), ĐHQGHN nằm trong nhóm 101-150 các trường đại có thời gian thành lập dưới 50 năm có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới. Xếp hạng quốc tế theo ngành, lĩnh vực đạt kết quả tốt với nhiều lĩnh vực nằm trong nhóm 500 thế giới.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, ở mức rất thấp so với yêu cầu để xây dựng một đại học tầm cỡ khu vực và quốc tế, thì việc ĐHQGHN có tên, và liên tục thăng tiến trong bảng xếp hạng đại học khu vực và quốc tế là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và tập thể lãnh đạo các thời kỳ, cũng như của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên ĐHQGHN. Điều này đã chứng minh việc thành lập ĐHQG là chủ trương có tầm chiến lược và nhất quán của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới.

https://vju.ac.vn/wp-content/uploads/2023/10/z2974460813255_76c96e8c0ebe43f03fd3a6278fb2bfd5-1.jpg

Sự khác biệt và hiệu quả từ mô hình tổ chức ĐHQGHN mang lại những thành tích xuất sắc trong tiên phong đổi mới sáng tạo, các sản phẩm đào tạo, KH&CN độc đáo chỉ các đại học đa ngành, đa lĩnh vực mới thực hiện được”, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, mô hình tổ chức ĐHQGHN cho phép các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc sử dụng, chia sẻ nguồn lực chung qua đó bổ khuyết, liên thông, liên kết, thống nhất với nhau, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, gắn kết chí hướng, phấn đấu theo cùng một mục tiêu, tạo được các giá trị gia tăng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, các chương trình đào tạo liên ngành, liên đơn vị, đã góp phần cung cấp hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có tư duy, trí tuệ liên ngành cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Trên cơ sở thế mạnh tích hợp trí tuệ liên ngành, kết hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội – nhân văn, công nghệ và kỹ thuật, ĐHQGHN đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ tầm cỡ quốc gia, giải quyết nhiều vấn đề lớn, phức tạp của thực tiễn cuộc sống mà các trường đại học đơn ngành bên ngoài không thể giải quyết được. ĐHQGHN đã tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đề xuất xây dựng các chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước; đã tham gia đóng góp xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và hiện nay đang triển khai tham gia xây dựng quy hoạch của 14 tỉnh vùng Tây Bắc.

Để nhanh chóng chuyển giao những thành quả trong đào tạo và nghiên cứu phục vụ xã hội, ĐHQGHN đặc biệt chú trọng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp, tập đoàn vừa là đối tác phát triển, vừa là bên sử dụng nguồn nhân lực đồng thời là đơn vị hỗ trợ ĐHQGHN tăng cường năng lực phát triển, cung ứng dịch vụ chất lượng cao cho xã hội.

https://vju.ac.vn/wp-content/uploads/2023/10/z2974312942446_e5aa5004a6c33612a2bae6056db944d9-1.jpg

Bên cạnh đó, triển khai chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tập thể cán bộ và sinh viên ĐHQGHN đã tích cực với những hành động cụ thể: quyên góp, ủng hộ Chương trình Sóng và Máy tính cho em; tham gia chi viện nhân lực y tế cho các địa phương miền Nam; thực hiện các báo cáo nghiên cứu tư vấn cho Chính phủ về ổn định phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ hậu Covid-19. ĐHQGHN cũng đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng tốc thực hiện chiến lược Đại học số; đảm bảo tiến độ và chất lượng công tác dạy và học. Vừa qua, ĐHQGHN đã tổ chức Lễ ra mắt Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học, Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp.

Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cũng đã trình bày những định hướng phát triển ĐHQGHN trong thời gian tới và những kiến nghị để tận dụng các điều kiện thuận lợi, vượt qua thách thức đưa ĐHQGHN phát triển như kỳ vọng.

Theo Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, “từ khóa” cốt lõi trong định hướng phát triển thời gian tới của ĐHQGHN là “chất lượng cao”. Theo đó, ĐHQGHN ưu tiên đầu tư mạnh cho các ngành đào tạo khoa học cơ bản truyền thống để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, góp phần củng cố nền tảng, năng lực nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng; ưu tiên đào tạo giảng viên đại học, nhà khoa học cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và tuyên truyền lý luận trình độ cao cho Đảng.

ĐHQGHN cũng mở rộng các chương trình đào tạo liên ngành, liên đơn vị, cung cấp nguồn nhân lực có trí tuệ liên ngành cho các lĩnh vực quan trọng của đất nước; phát triển và mở rộng qui mô các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ mới liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng lần thứ tư. Đặc biệt, ĐHQGHN thí điểm và nhân rộng các mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam.

Trong phát triển khoa học và công nghệ, ĐHQGHN đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và khoa học giáo dục; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước.  Đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu trong một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà ĐHQGHN có lợi thế thông qua các chương trình nghiên cứu cơ bản.

ĐHQGHN chú trọng phát triển một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển bền vững. Cùng với đó, ĐHQGHN đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, mà ĐHQGHN có lợi thế, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, internet vạn vật, an ninh mạng, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, công nghệ môi trường.

ĐHQGHN chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tăng cường hợp tác với các đối tác, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài để phát triển các dự án, chương trình nghiên cứu quốc tế lớn, xuyên quốc gia; hợp tác triển khai nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ĐHQGHN luôn là đơn vị tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục. Đảng, Nhà nước và Chính phủ kì vọng vào một đô thị đại học tầm vóc tại Hòa Lạc. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc ĐHQGHN đã gắn kết sứ mệnh với phát triển kinh tế – xã hội đất nước. ĐHQGHN tiếp tục thể hiện trách nhiệm quốc gia trong việc tham gia chủ trì, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn lớn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của xã hội và đất nước như: Chương trình KH&CN phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Quốc chí, Trung tâm Tư liệu Việt Nam học, Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm Kinh điển phương Đông,…

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ĐHQGHN luôn sẵn sàng chung lòng, chung sức cùng xã hội trong những gian đoạn khó khăn. Cán bộ, sinh viên ĐHQGHN đã có mặt tại những tuyến đầu chống dịch. Nhiều công trình khoa học kết hợp chặt chẽ nghiên cứu liên ngành của các nhà khoa học ĐHQGHN đã đóng góp về y học phục vụ nâng cao sức khỏe, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh covid-19.

Lãnh đạo Tp. Hà Nội, các Bộ, ngành cũng bày tỏ ủng hộ những kiến nghị, đề xuất của ĐHQGHN và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng tháo gỡ những vướng mắc, gia tăng nguồn lực để xây dựng và phát triển ĐHQGHN.

https://vju.ac.vn/wp-content/uploads/2023/10/z2974313037547_980ac8a2a01ca8316e1e5899b6ebd4a4-1.jpg

https://vju.ac.vn/wp-content/uploads/2023/10/Thu-tuong-1w223-1.jpg

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên, học sinh của ĐHQGHN đã đạt được.

Thủ tướng nêu rõ một số kết quả, thành tựu ấn tượng mà ĐHQGHN đã đạt được cần tiếp tục phát huy tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Trên cơ sở kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, ĐHQGHN đã có đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học với tiềm năng rất lớn; có truyền thống lịch sử vẻ vang, đáng tự hào với nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị từng học tập, rèn luyện tại đây. ĐHQGHN cũng nhận được tình cảm, sự tin cậy, ngưỡng mộ của nhân dân; sự ghi nhận trong các bảng đánh giá, xếp hạng quốc tế; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, như việc dành khu đất hơn 1.000 ha để xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các định hướng và kiến nghị mà ĐHQGHN đã nêu. Để tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế trong giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng đề nghị ĐHQGHN cần tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, cần nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới khi cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có cơ chế giải phóng tối đa nguồn lực con người rất lớn để đội ngũ cán bộ phát huy, cống hiến nhiều hơn nữa; xử lý hài hòa, hợp lý, hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và thị trường, tăng cường hợp tác công tư.

Thứ hai, tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ, nghị quyết đại hội Đảng bộ ĐHQGHN. Về tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ chế tự chủ, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, cần bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về các vấn đề này và Luật Giáo dục đại học. Thủ tướng yêu cầu xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế chính sách, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, bố trí nguồn lực, có mục tiêu cụ thể cho từng năm và trong 5 năm tới để nâng tầm ĐHQGHN.

Thứ ba, tập trung khắc phục bằng được những bất cập, hạn chế, yếu kém, bảo đảm bộ máy vận hành trơn tru, thông suốt, hiệu quả hơn, nhất là trong đào tạo, nghiên cứu và thực hiện sứ mệnh; khắc phục bằng được việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu dứt điểm khi nguồn lực có hạn.

Thứ tư, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài theo Nghị quyết của Đảng, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho 3 khâu đột phá chiến lược.

Thứ năm, vấn đề đào tạo là một trụ cột của ĐHQGHN. Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần quan tâm tới vấn đề sinh viên, giáo viên, nhà trường, xác định người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Tập trung đào tạo nhân lực trong các môn khoa học cơ bản – đây là một lĩnh vực truyền thống của nhà trường; đào tạo nhân lực cho ĐHQGHN và các đại học khác. Tăng cường liên kết, liên doanh với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức… để đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đạt đẳng cấp quốc gia mà còn quốc tế, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và tin học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Đổi mới công tác tuyển sinh, tập trung kiểm soát đầu ra. Tiếp thu các công nghệ đào tạo tiên tiến.

Thứ sáu, công tác nghiên cứu cần chú trọng tổng kết thực tiễn, phục vụ các chương trình lớn của quốc gia, các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thủ tướng gợi mở một số vấn đề nghiên cứu như chủ quyền lãnh thổ quốc gia; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; tư vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc điểm văn hóa vùng miền; chính sách, giải pháp phòng chống dịch, khôi phục và phát triển kinh tế; vấn đề cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo; chuyển đổi số; công nghệ sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu nông sản…

Thứ bảy, về tự chủ đại học, vị thế, vai trò của ĐHQGHN, Thủ tướng yêu cầu tổng kết thực tiễn triển khai mô hình ĐHQGHN từ năm 1993 tới nay, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn để đề xuất cụ thể với các cấp có thẩm quyền. Tinh thần chung là tăng thẩm quyền, tăng phân cấp, tăng tự chủ, linh hoạt, tăng đầu tư để lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng lưu ý là cần tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với tư duy, cách làm mới. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu triển khai dự án theo hướng khu đô thị đại học quốc gia, việc xây dựng có thể phân kỳ nhưng quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn. Thủ tướng gợi ý mô hình “5 trong 1” trong khu đô thị đại học này: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.

https://vju.ac.vn/wp-content/uploads/2023/10/VNU-Le-Quan-Pham-Minh-Chinh-1.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân tại buổi làm việc sáng 28/11/2021

 

Theo VNU Media

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *