Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới và mở rộng quan hệ đa phương và có những thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế, nhiều học giả quốc tế đã chú ý đến Việt Nam nhiều hơn. Vì vậy, ngành Việt Nam học có những bước phát triển vượt bậc và có khuynh hướng liên kết thành tổ chức quốc gia và quốc tế.
Năm 1987, Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam được thành lập với hơn 100 thành viên do Yamamoto Tatsuro, Giáo sư danh dự Đại học Quốc gia Tokyo làm chủ tịch. Hội có tổ chức chặt chẽ và hằng năm tiến hành đại hội dưới hình thức một hội thảo khoa học, sau đó bầu ra Ban chấp hành mới. Dưới tác động của Hội, Việt Nam học ở Nhật Bản đã nhanh chóng vươn lên đạt trình độ hàng đầu thế giới.
Khác với giai đoạn trước, các nhà Việt Nam học Nhật Bản trong thời kỳ này hết sức chú trọng nghiên cứu thực địa. Đáng kể nhất là chương trình nghiên cứu làng Bách Cốc (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Để nghiên cứu nông thôn đồng bằng sông Hồng, sau khi đã tiến hành khảo sát tổng thể, các chuyên gia Nhật Bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam xây dựng một kế hoạch nghiên cứu dài hạn, nhưng chỉ tập trung vào một làng. Đến nay chương trình đã thực hiện được 7 năm và những kết quả nghiên cứu sâu sắc mang tính liên ngành đã cho chúng ta một hình dung hết sức cụ thể, sinh động và chân xác diện mạo một làng cụ thể ở đồng bằng Bắc Bộ. Đó sẽ là tiêu bản hoàn chỉnh để công cuộc nghiên cứu trên diện rộng có thể dựa vào.
Hình ảnh thực địa của Đoàn giảng viên và học viên Chương trình Khu vực học, Trường Đại học Việt Nhật
Từ năm 1993, một tổ chức mang tính khu vực là EURO – VIET được hình thành theo sáng kiến của các học giả châu Âu nghiên cứu Việt Nam. Hai năm một lần EURO – VIET tổ chức Hội thảo quốc tế về Việt Nam. Lần thứ nhất được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch). Khi đó sự tham gia của các nhà nghiên cứu Việt Nam còn rất hạn chế. Lần thứ hai Hội thảo diễn ra tại Ex-en-Provence (Pháp) vào năm 1995 với sự tham gia khá đông đảo của các nhà khoa học Việt Nam. Chủ đề hội thảo cũng được mở rộng. Năm 1997, EURO – VIET 3 tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan) không những đã thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu Việt Nam ở châu Âu mà còn có sự tham gia của các học giả Bắc Mỹ và Nhật Bản. Đoàn Việt Nam tham dự hội thảo có đến hơn 20 người.
Một biểu hiện rõ rệt về sự phát triển vượt bậc của Việt Nam học thế giới trong thời kỳ này là sự hình thành nhiều tổ chức chuyên nghiên cứu Việt Nam ở một số trường đại học lớn trên thế giới như Trung tâm Việt Nam học ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va (Nga), Trung tâm Việt Nam ở Đại học Tesas (Mỹ).
Ngoài những trường đại học có khoa Việt Nam học từ giai đoạn trước, tại một số nước, khoa Việt Nam học cũng được hình thành. Đặc biệt, tại Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình thạc sĩ Khu vực học đầu tiên của Việt Nam đã thành lập, trong đó có Định hướng Việt Nam học với sự tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ của các học giả Việt Nam học hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản như GS. TSKH Vũ Minh Giang, GS. TS Furuta Motoo, GS. Shiraishi Masaya, GS. TS Nguyễn Thái Yên Hương, GS. TS Phạm Hồng Tung, GS. TS Nguyễn Văn Kim, GS. Iwatsuki Junichi…
Các học viên Khóa 3 của MAS tại Lễ Khai giảng 2019-2020
Đây cũng là thời kỳ Việt Nam học phát triển mạnh ở những nước mà trước đây ít quan tâm đến Việt Nam như Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Hội Hàn Quốc nghiên cứu Việt Nam đã được thành lập.
Điều đáng lưu ý là quá trình phát triển của Việt Nam học thế giới ngày càng có xu hướng tăng cường quan hệ với các cơ quan và cá nhân các nhà khoa học Việt Nam. Họ đã tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động khoa học tổ chức tại Việt Nam. Nếu như năm 1989, tại Hội thảo Quốc tế về đô thị cổ Hội An, sự có mặt của gần 50 học giả nước ngoài đã là một sự kiện quan trọng thì đến Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất tổ chức vào năm 1998 đã có hơn 300 học giả nước ngoài từ 27 nước đến tham dự.
Sự phát triển của Việt Nam trong một thế kỷ qua là một thực tế sinh động chứng tỏ uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Từ địa vị một nước thuộc địa không có tên chính thức trên bản đồ, ngày nay Việt Nam học đã trở thành một ngành học được giảng dạy ở hầu hết các trường đại học lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển của Việt Nam học giữa các khu vực trên thế giới không giống nhau về quá trình hình thành và mức độ phát triển. Điều này phụ thuộc vào nhận thức về tầm quan trọng của Việt Nam học và quan hệ của Việt Nam với các khu vực đó. Để thấy rõ bức tranh toàn cảnh, cần đi sâu nghiên cứu một số nước và khu vực tiêu biểu.
Phần đi sâu nghiên cứu từng khu vực và quốc gia cụ thể, ngoài các học giả Việt Nam, còn có sự tham gia của chuyên gia nghiên cứu Việt Nam có tên tuổi của các nước Nhật Bản, Liên bang Nga, Cộng hòa Séc, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Trong quá trình nghiên cứu, các tác giả còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình trong việc cung cấp tư liệu của nhiều trường đại học và cơ quan nghiên cứu nước ngoài như Trung tâm Việt học, Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Séc, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO), Trường Đại học Berkley California, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Trường Đại học Los Angeles, Trường Đại học Washington, Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ)…
Có thể thấy, từ năm 1986 đến nay, ngành Việt Nam học (Vietnamese Studies) trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ những khảo cứu đơn lẻ theo từng chuyên ngành, Việt Nam học đã trở thành một khoa học liên ngành thuộc phạm trù khu vực học (Area Studies). Điều này đã khắc sâu sự hiểu biết về Việt Nam trên thế giới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị bền vững giữa Việt Nam với các nước.
Một góc nhìn về người nghiên cứu văn hóa
Bài viết của GS. TSKH Vũ Minh Giang, Giám đốc Chương trình Khu vực học,
Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội