Ngày 07/09/2020, tại Trường đại học Việt Nhật đã diễn ra Chuỗi bài giảng mở về “Các vấn đề luật pháp tại Việt Nam và Nhật Bản”. Chuỗi bài giảng mở được thực hiện trực tuyến với sự tham gia của 7 chuyên gia và giảng viên Nhật Bản. Các chuyên gia đã chia sẻ, trao đổi và giải đáp các câu hỏi từ phía học viên Việt Nam về Luật kinh doanh, Luật đầu tư và Luật lao động của Việt Nam và Nhật Bản; phân tích các trường hợp điển hình về tranh chấp quốc tế và lao động hiện đại liên quan đến nhập cư, sử dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Nhật Bản cũng như các quy định về lao động và tranh chấp lao động tại Việt Nam.
Bài giảng 1 tập trung vào vấn đề giải quyết tranh chấp pháp lý quốc tế bằng phán quyết, trong đó nêu ra cách giải quyết các tranh chấp pháp lý quốc tế trong trường hợp không được giải quyết bằng thỏa thuận chung. Theo đó, các tranh chấp pháp lý quốc tế và các vụ kiện trong nước được giải quyết bằng phán quyết trong tài.
Trong bài giảng 2, diễn giả Yasunobu tập trung vào vấn đề Trọng tài thương mại quốc tế và ADR. Bài giảng gồm xem xét các vấn đề cơ bản và thực tiễn của trong tài thương mại quốc tế và ADR (giải quyết tranh chấp thay thế), được sử dụng trong một điều khoản giải quyết tranh chấp của hợp đồng thương mại quốc tế. Bài giảng cũng đề cập về các xu hướng trọng tài gần đây của châu Á, gồm Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc.
Bài giảng 3 cung cấp kiến thức cơ bản về luật pháp nhập cư Nhật Bản và Hệ thống lao động nước ngoài của Nhật Bản. Bên cạnh đó, bài giảng nói về các quy định của Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật “Ginou Jissyuu” và chương trình công nhân lành nghề “Tokutei Ginou” từ tháng 4 năm 2019.
Bài giảng 4 so sánh theo quan điểm pháp lý các kế hoạch M&A ở Việt Nam và Nhật Bản. Các phương thức M&A bao gồm mua lại cổ phiếu, mua lại doanh nghiệp, sáp nhập và chia tách công ty.
Chủ đề Bài giảng 5: Chào thầu là gì và so sánh giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nội dung bài giảng 5 cho thấy trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như mua lại tỷ lệ nhất định hoặc số lượng lớn cổ phiếu của công ty niêm yết, việc mua lại thông qua chào thầu là bắt buộc. Chào thầu đảm bảo rằng các cổ đông có đủ thông tin và có thể đưa ra quyết định hợp lý để bán. Cơ chế này được áp dụng cho cả các vụ chuyển nhượng thù địch mà còn cho việc mua lại hòa bình trong nhiều trường hợp. Bài giảng giải thích các vấn đề chào thầu là gì, khi nào cần chào thầu, phương thức chào thầu… đồng thời so sánh chào thầu của Nhật Bản và Việt Nam.
Bài giảng 6 tập trung so sánh giữa các biện pháp được thiết lập bởi Đạo luật chống độc quyền của Nhật Bản và Luật cạnh tranh của Việt Nam về “Kết hợp và tập trung kinh doanh”.
Bài giảng 7 tập trung vào các quy định về đầu tư nước ngoài, là tiền đề của M&A hướng đến công ty Việt Nam sở hữu bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đã bước sang giai đoạn mới về chất và đi vào chiều sâu. Các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa được tăng cường với quy mô ngày càng sâu rộng. Ngày càng có nhiều sinh viên và người lao động Việt Nam lựa chọn Nhật Bản là điểm đến lý tưởng để học tập và làm việc; và Việt Nam cũng chào đón số lượng lớn doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam. Chuỗi bài giảng mở được thực hiện nhằm cung cấp kiến thức về pháp lý và các vấn đề liên quan của hai nước để học viên VJU tự tin và chủ động nắm bắt các cơ hội việc làm với doanh nghiệp Nhật Bản và tạo ra các giá trị bền vững trong sự nghiệp của mình.