Ngày 13/9/2021, Khoa Khoa học xã hội và liên ngành, Trường Đại học Việt Nhật (VJU), đã tổ chức Chuỗi bài giảng RILAP “Các vấn đề pháp lý trong đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” lần 2, dưới hình thức trực tuyến.
Tham dự Chuỗi bài giảng có PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (VJU), GS. Iwase Maomi, Đại học Hyogo; GS. Eri Habu, Đại học Shizuoka; GS. Yasunobu Sato Đại học Tokyo, các chuyên gia JICA tại VJU, các giảng viên, sinh viên đến từ trong và ngoài khoa Khoa học xã hội và liên ngành (FISS).
Mở đầu Chuỗi bài giảng, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật đã gửi lời cảm ơn đến Viện Nghiên cứu Luật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – RILAP (Research Institue of Law of Asia-Pacific Regions) và JICA đã luôn đồng hành, hỗ trợ Trường Đại học Việt Nhật. Chuỗi bài giảng RILAP hằng năm đã cung cấp các bài giảng luật vô cùng bổ ích đến các giảng viên và người học Trường Đại học Việt Nhật.
Trong Chuỗi bài giảng, ba diễn giả chính, cũng chính là các giáo sư luật đầu ngành đến từ các trường Đại học nổi tiếng của Nhật Bản đã lần lượt giảng các chủ đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam.
Bài giảng 1: Những vấn đề cơ bản về Hiệp định bảo hộ đầu tư quốc tế (International Investment Protection Agreement- Basics) do GS. Iwase Maomi, Đại học Hyogo trình bày
GS. Iwase Maomi là giáo sư chuyên ngành luật đến từ Đại học Hyogo. Trong bài giảng của mình, GS đã trình bày tổng quan về các Hiệp định Đầu tư Quốc tế (IIA) do các quốc gia ký kết, là khuôn khổ pháp lý quốc tế cho hoạt động đầu tư quốc tế của các doanh nghiệp.
Diễn giả đã dẫn dắt người nghe đi từ khái niệm cơ bản như các khung pháp lý cơ bản liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài bao gồm khung pháp lý nội địa và khung pháp lý quốc tế. Hai khung pháp lý này độc lập với nhưng có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau.
Từ đó, diễn giả đưa đến cho người nghe các kiến thức cũng như điểm giống và khác nhau giữa về Hiệp định đầu tư quốc tế IIA: thế hệ cũ và thế hệ mới. Đây là hai thế hệ còn đang song song tồn tại cho đến hiện nay.
Cuối bài giảng, GS. Iwase Maomi đã liên hệ và trình bày những nét khái quát nhất về một số hiệp định đầu tư Việt Nam – Nhật Bản như: Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về Tự do, Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư (2003); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (2016), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (2020).
GS. Iwase Maomi – Đại học Hyogo
Bài giảng 2: Các vấn đề cơ bản về Trọng tài quốc tế và Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (International Arbitration and ADR – Basics) của GS. Yasunobu Sato – Đại học Tokyo
Trong bài giảng thứ hai, Giáo sư Yasunobu Sato, Đại học Tokyo, người đã có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn luật tại Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu trình bày về phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài. Một số câu hỏi như: Trọng tài là gì? Vì sao các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài? Trình tự giải quyết phương thức trang chấp bằng trọng tài? Tính cưỡng chế trong phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài như thế nào? đã được giải đáp trong bài giảng.
Từ đó, GS. Yasunobu Sato liên hệ đến tình hình cụ thể tại Việt Nam. Ở Việt Nam đã có một số cơ sở pháp lý phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp trọng tài. Ví dụ như Luật trọng tài thương mại ở Việt Nam (2010) dựa trên luật trọng tài quốc tế. Luật tố tụng dân sư năm 2005 (được sửa đổi năm 2015). Đặc biệt, ở Việt Nam đã thành lập Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC từ năm 1993, tập hợp nhiều trọng tài viên. Các sự vụ do VIAC giải quyết đã tăng dần qua các năm.
GS. Yasunobu Sato – Đại học Tokyo
Bài giảng 3: Chính sách cạnh tranh nhìn từ góc độ Luật Đầu tư nước ngoài (Competition Policy by Foreign Investment Law) của GS. Eri Habu, Đại học Shizuoka
Giáo sư Eri Habu công tác tại Đại học Shizouka là ngừoi có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ tư vấn cải tiến pháp luật, hỗ trợ quá trình hoàn thiện Luật kinh tế quốc tế. Trong bài giảng của GS Eri Habu, các chính sách liên quan đến lĩnh vực cạnh tranh đang được áp dụng tại Việt Nam đã được giới thiệu và phân tích. Theo GS. Eri Habu, việc biết về pháp luật cạnh tranh của một quốc gia có vai trò rất quan trọng, vì nhìn vào đó, chúng ta có thể thấy được khả năng mở rộng thị trường của quốc gia đó. Cụ thể, ở Việt Nam đã ban hành Luật cạnh tranh vào năm 2004. Luật này có nhiều tương đồng với luật hạn chế độc quyền của Nhật Bản. Theo đó, GS. Eri Habu cũng đã chọn phân tích một số chính sách liên quan đến cạnh tranh Việt Nam và có tham khảo dến một số luật và hiệp ước khác có liên quan. Ví dụ như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) năm 2019, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp v.v.
Ngoài ra, GS. Eri Habu cũng phân tích về quá trình gia nhập WTO và lộ trình mở cửa liên quan đến các lĩnh vực dịch vụ ở Việt Nam.
GS. Eri Habu, Đại học Shizuoka
Các bài giảng luật pháp của các giáo sư đã cung cấp một góc nhìn cơ bản nhất về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng. Các năm tiếp theo, VJU sẽ tiếp tục hợp tác với Viện RILAP cũng như các tổ chức xã hội khác để đem đến cho các người nghiên cứu, người học những cơ hội trao đổi học hỏi kinh nghiệm bổ ích.
Link chuỗi bài giảng lần thứ nhất: Bấm vào đây