Ngày 29/11/2023 vừa qua, Trung tâm UNESCO đã phối hợp với Trường Đại học Việt Nhật tổ chức thành công buổi hội thảo với chủ đề “Khuyến nghị của UNESCO về Đạo đức trong trí tuệ nhân tạo: thực tiễn và triển khai tại Việt Nam”, thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, giảng viên và sinh viên tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Diễn giả của buổi tọa đàm, Ông Phinith Chanthalangsy, Cố vấn về khoa học xã hội và nhân văn cấp vùng, Trưởng Ban Khoa học xã hội và Nhân văn, Văn Phòng UNESCO Bangkok, đã chỉ ra việc phát triển trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tác động vào cuộc sống như tác động đến Nhận thức (COGNITIVE), Chính trị – Xã hội (SOCIO-POLITICAL) và Thể chế (INSTITUTIONAL).
Ông Phinith Chanthalangsy, Cố vấn về khoa học xã hội và nhân văn cấp vùng, Trưởng Ban Khoa học xã hội và Nhân văn, Văn Phòng UNESCO Bangkok
Tiếp đó, Ông Phinith Chanthalangsy đã chia sẻ về những khuyến nghị về đạo đức của trí tuệ nhân tạo và chiến lược thực hiện. Cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng các công cụ giám sát và xây dựng năng lực như phương pháp đánh giá mức độ sẵn sàng và đánh giá tác động đạo đức.
Thứ hai, các chuyên gia AI không biên giới là danh sách các chuyên gia do UNESCO quản lý để triển khai tại các quốc gia được hưởng lợi cho các can thiệp xây dựng năng lực có mục tiêu.
Thứ ba, phụ nữ vì Mạng lưới AI đạo đức (W4ethicalAI) dẫn đầu việc thực hiện và triển khai Khuyến nghị từ góc độ giới.
Thứ tư, diễn đàn toàn cầu về đạo đức AI là sự kiện hàng đầu cấp cao hàng năm.
Thứ năm, Đài quan sát đạo đức AI nhằm thu thập và phân tích đạo đức AI trên phạm vi toàn cầu.
Tại phần trao đổi mở Q&A, các bạn sinh viên VJU đã đặt nhiều câu hỏi thú vị và vô cùng cấp thiết cho diễn giả như những rủi ro của AI đối với một số nghề nghiệp trong tương lai, hay chia sẻ của các bạn trẻ về dự định tương lai của họ trong nghiên cứu đạo đức AI. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các khán giả tham gia giúp sáng tỏ những thách thức về phương diện đạo đức của AI đối với đời sống xã hội; đồng thời đưa ra những khuyến nghị đề xuất của UNESCO và ý nghĩa đối với những thay đổi trong thể chế, chính sách, pháp luật về đạo đức liên quan đến AI.
Hội thảo cũng là dịp để sinh viên chương trình Khoa học và Kỹ thuật máy tính (BCSE) tại Trường Đại học Việt Nhật có cơ hội tìm hiều và tiếp thu những kiến thức thực tiễn về sự phát triển của AI, nhận diện rõ hơn những thách thức, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, để có thể chủ động chuẩn bị cho bản thân kiến thức và kỹ năng thật tốt phục vụ cho sự nghiệp tương lai của mình.