TS. Hoàng Thị Thu Duyến và học viên MCCD trong buổi Lễ trồng cây của MCCD

Xin cô cho biết công việc hiện nay của cô ở VJU là gì?

Hiện nay, tôi là giảng viên kiêm nhà nghiên cứu thuộc chương trình Thạc sĩ Biến đối khí hậu và Phát triển, trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN. Với trên 10 năm kinh nghiệm giảng dạy cho các cấp từ Đại học đến Cao học, tôi chịu trách nhiệm giảng dạy một số lĩnh vực tổng quát và chuyên môn sâu.

Các hướng nghiên cứu chính của tôi là sự thích ứng của phát triển nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên đối với tác động của biến đổi khí hậu. Là giảng viên, tôi cũng là nghiên cứu viên tại Khoa Vi sinh vật – Cây trồng – Đất thuộc Đại học Kiel, CHLB Đức.

Hai vai trò trên hỗ trợ tôi rất tốt trong công việc. Nghiên cứu bồi đắp cho tôi nhiều số liệu quí để chia sẻ với học viên, và để đồng hành với học viên trong các công trình khoa học. Ngoài ra, các chuyến thực tế thu thập dữ liệu đã làm giàu có hơn các trải nghiệm của tôi, và là chất liệu để bài giảng phong phú và thực tế hơn.

Vì sao cô yêu thích nghiên cứu về đất?

Đất là một cấu phần phức tạp nhất trong sinh quyển nhưng lại đặc biệt quan trọng để nuôi sống lượng dân số khổng lồ và ngày càng tăng trên trái đất. Hơn nữa, hệ sinh thái đất được coi là bể dự trữ các bon quan trọng nhất có tác dụng làm giảm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển. Do đó, giới khoa học sự sống trên thế giới dành sự quan tâm đặc biệt đến tất cả các yếu tố tác động tới sức khỏe đất và điều chỉnh quá trình tích lũy các bon trong đất.

Trong các công trình nghiên cứu mà bản thân đã thực hiện, tôi tập trung vào tìm hiểu chức năng của 3 vùng sinh học quan trọng nhất trong hệ sinh thái đất bao gồm vùng tác động của động vật đất, vùng tác động bởi sự phân giải chất hữu cơ đất và vùng ảnh hưởng bởi rễ cây. Vai trò của các vùng sinh học này trong việc điều tiết quá trình phân giải chất hữu cơ, điều tiết dinh dưỡng đất và khả năng dự trữ các bon đất là chủ đề xuyên suốt trong nghiên cứu của cá nhân tôi. Mối tương tác này được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với các hoạt động của vi sinh vật đất và sự phân bố enzyme trong đất.  

Mục tiêu của các nghiên cứu là để làm rõ mối quan hệ giữa các thành phần sống trong đất lên sự chuyển hóa các bon và các chất dinh dưỡng đối với cây trồng ở các tầng đất khác nhau. Mối quan hệ này được làm rõ thông qua đánh giá sự phân bố không gian của các hoạt động vi sinh vật đất trong mỗi vùng sinh học đã đề cập phía trên bằng phương pháp chụp ảnh enzyme đất.

Thực tế là một học phần quan trọng trong các học phần của MCCD

Cô khởi đầu sự yêu thích tìm hiểu về khoa học về đất từ khi nào?

Tôi bắt đầu tìm hiểu về đất từ khi học Đại học. Tôi học ngành Khoa học về Đất và và lấy bằng Thạc sĩ Khoa học Môi trường của ĐHKHTN – ĐHQGHN. Tình yêu của tôi với đất và với nghề lớn dần sau từng chuyến thực tế.

Năm 2012, tôi xin học bổng của tổ chức Nuffic (Hà Lan) để học theo học khóa đào tạo ngắn hạn tại IHE Delft Institute for Water Education. Sau này, để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, tôi học tiếp Tiến sĩ và bảo vệ bằng Tiến sĩ rer.nat tại Đức chuyên ngành Khoa học Đất về sự huy động và chuyển hóa chất dinh dưỡng thực vật qua trung gian tương tác giữa vi sinh vật và các yếu tố sinh học/phi sinh học. Tôi cũng xin được tài trợ của Viện Hàn lâm Đức năm 2016, 2017 để thực hiện các dự án hợp tác của Đức-Pháp, Đức-Mỹ, Đức-Ba Lan.

Dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, hẳn là cô có nhiều giải thưởng. Xin cô hãy chia sẻ về một số giải thưởng trong nghiên cứu mà cô đã đạt được.

Trong 5 năm từ 2016 đến 2020, tôi đã xuất bản 7 bài báo trên các tạp chí Q1 thuộc danh mục ISI với hệ số tác động > 3.0. Tôi đã kết hợp với đồng nghiệp bên ĐH tổng hợp Goettingen, CHLB Đức phát triển và xuất bản 1 chương sách trong hệ thống Springer liên quan đến sử dụng phương pháp chụp ảnh enzyme để lượng hóa tác động của giun đất lên hoạt tính và sự phân bố enzyme trong hang giun. Đây là một phương pháp còn rất mới trên thế giới.

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Đức, tôi đã phát triển nhiều hợp tác nghiên cứu với các Viện và Khoa trên thế giới như GS. TS. David Myrold, ĐH Oregon, Mỹ; GS. TS. Claire Chenu thuộc Viện Công nghệ Nông nghiệp Pari, Pháp; PGS. TS. Michaela Dippold, ĐH Goettingen, CHLB Đức và đặc biệt PGS. TS. Bahar S. Razavi, ĐH Kiel, CHLB Đức. Sự hợp tác này là tiền để để phát triển nhiều nghiên cứu trong tương lai về lĩnh vực phát triển nông nghiệp và dự trữ các bon trong đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Xin cô cho biết dự định của cô trong tương lai là gì?

Tôi sẽ tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu, nỗ lực để có nhiều công trình nghiên cứu có ảnh hưởng và đồng hành với nhiều sinh viên trong nghề.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *