Được biết gần đây TS được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) tặng bằng khen vì đã có đóng góp cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ. Xin TS cho biết, tại sao TS lại tham gia và hoạt động này và đánh giá của TS về tác động của hoạt động cái cách thủ tục hành chính của VPCP đến hiệu quả quản lí hành chính ở Việt Nam hiện nay?

Cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách thể chế nói chung là một hoạt động tôi đã tham gia từ sau khi tôi hoàn thành luận án tiến sĩ và trở về Việt Nam làm việc. Tôi quan tâm đến hoạt động cải cách thể chế và hành chính vì qua nghiên cứu và viết luận án tiến sĩ, tôi hiểu rằng cải cách thể chế, hành chính có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Về lý thuyết, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới đã chỉ ra rằng kinh tế thị trường có nhiều điểm yếu nội tại và cần có sự điều chỉnh của nhà nước. Hơn nữa, kinh tế thị trường không thể vận hành một cách hiệu quả nếu không có một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch và chi phí giao dịch thấp, nhất là các giao dịch có liên quan đến nhà nước. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra rằng chất lượng thể chế có vai trò quan trọng hơn nhiều yếu tố khác, ví dụ như vị trí địa lý hay tài nguyên thiên nhiên (ví dụ như “Institutions Rule: The Primacy of Institutions over Geography and Integration in Economic Development”, Journal of Economic Growth của Dani Rodrik và cộng sự).

Ở Việt Nam, cải cách thể chế và hành chính đã được thực hiện từ lâu. Các hoạt động cải cách thể chế, hành chính lớn Chính phủ đã và đang thực hiện gần đây bao gồm: các hoạt động cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và cải thiện chất lượng dịch vụ công thông qua các bộ phận một cửa. Các hoạt động này đã giúp cải thiện chất lượng thể chế kinh tế ở Việt Nam và các kết quả đó đã được các tổ chức quốc tế công nhận.

Các hoạt động này đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế. Ví dụ, theo Văn phòng Chính phủ cải cách quy định đối với 6.776/9.926 hàng hóa phải kiểm tra khi thông quan đã tiết kiệm cho nền kinh tế hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Xếp hạng của Việt Nam trên bảng Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới đã tăng 20 bậc, từ 90 năm 2015 lên 70 năm 2020.

Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới, chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh của chúng ta vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Về Chỉ số Môi trường Kinh doanh, Việt Nam có thứ hạng khá thấp ở một số chỉ số thành phần, ví dụ như Thành lập doanh nghiệp (115), Nộp thuế (109), Giải quyết phá sản (122). Về Chỉ số Tự do kinh tế của Heritage Foundation, Việt Nam hiện xếp thứ 90 trên thế giới, xếp thứ 17 trong khu vực mặc dù đã có nhiều tiến bộ. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện mức sống dân cư, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các giải pháp cải cách thể chế, hành chính trong thời gian tới. Trong hoạt động này, sự tham gia của các thành phần xã hội, bao gồm các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp là cần thiết để góp phần đề ra các giải pháp cải cách hiệu quả, thiết thực.

TS có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò và nhiệm vụ của TS khi tham gia hoạt động này? Việc tham gia hoạt động sẽ này có hỗ trợ gì cho TS trong công tác ở VJU?

Tôi rất vinh dự được tham gia một số hoạt động cải cách thể chế, hành chính của Văn phòng Chính phủ với vai trò cố vấn. Tôi có cơ hội được đọc và góp ý vào nhiều đề án, văn bản pháp lý và hành chính liên quan đến cải cách. Đồng thời, tôi cũng trực tiếp tham gia thảo luận, góp ý tại các cuộc họp về xây dựng văn bản và tổ chức thực hiện các chính sách cải cách.

Việc tham gia các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách cải các đã giúp tôi có được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt lại cho các sinh viên của Chương trình Thạc sĩ Chính sách công. Tôi đã truyền đạt lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho các sinh viên qua các bài giảng của mình. Qua công việc, tôi đã được tiếp cận và nghiên cứu phương pháp xây dựng chính sách bằng Đánh giá tác động quy định (Regulatory Impact Analysis – RIA) và tôi đã giới thiệu công cụ này đến các sinh viên. RIA là một công cụ phân tích, xây dựng chính sách công hiệu quả và được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng. Tôi hy vọng các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn đó sẽ giúp các sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật có thể tham gia vào hoạt động thực tiễn nhanh hơn và hiệu quả hơn.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *