Sáng ngày 25/11/2016, tại Tokyo đã diễn ra phiên họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Việt Nhật nhiệm kỳ 2016-2018 lần thứ nhất, với sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng GS. TSKH Vũ Minh Giang. Tham dự phiên họp có đầy đủ 23 nhà khoa học, nhà quản lý là ủy viên Hội đồng.
Về quy chế tổ chức và hoạt động của Trường, Hiệu trưởng Furuta Motoo đã giới thiệu về quá trình các bên liên quan phía Việt Nam và Nhật Bản phối hợp xây dựng dự thảo quy chế và các nội dung chính trong dự thảo. Hiện tại, quy chế về tổ chức và hoạt động của Trường đang được trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành.
Về định hướng chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2016-2025, Hiệu trưởng Furuta Motoo và Phó Hiệu trưởng Vũ Anh Dũng đã báo cáo về sứ mệnh, mục tiêu, triến lý trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, lộ trình phát triển Trường tới năm 2025 và mô hình tổ chức đào tạo dựa trên triết lý “giáo dục khai phóng” theo phong cách Nhật Bản.
Về tuyển dụng giảng viên cơ hữu, Phó Hiệu trưởng Vũ Anh Dũng đã báo cáo về đề xuất tiêu chuẩn tuyển dụng và nhiệm vụ hàng năm đối với giảng viên cơ hữu, trong đó chú trọng vào năng lực và sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Về tình hình học tập của khoa 1 và kế hoạch tuyển sinh khóa 2, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Oanh đã báo cáo về quá trình tuyển sinh khóa 1, phản hồi của học viên khóa 1 trong quá trình giảng dạy, học tập và kế hoạch tuyển sinh khóa 2. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Oanh thông báo với Hội đồng là đội ngũ giảng viên và chuyên viên của Trường đang rất nỗ lực trong việc áp dụng các phương thức đào tạo tiên tiến nhằm tăng cường khả năng tự học, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học cho học viên. Nhiều phản hồi của học viên đã được tiếp thu, tích hợp vào công tác quản lý đào tạo.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Nagata Kyosuke cho biết phát triển bền vững là một lĩnh vực mới không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. GS. Nagata Kyosuke đánh giá cao việc Trường Đại học Việt Nhật theo đuổi triết lý phát triển bền vững. Theo GS. Nagata Kyosuke, Trường Đại học Việt Nhật phải là một hình mẫu về đại học bền vững, không chỉ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học mà còn trong phát triển Nhà trường.
Giải pháp nâng cao chất lượng trong thời gian tới
Tại phiên họp, các ủy viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Ban Giám hiệu.
GS. Mimura Nobuo đề nghị Ban Giám hiệu xây dựng giải pháp đào tạo người học vừa có tầm nhìn rộng lại có chuyên môn sâu. GS. Nguyễn Đình Đức đề nghị Ban Giám hiệu bổ sung triết lý đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và tăng tính thực tiễn cho chương trình đào tạo kỹ thuật hạ tầng. GS. Mai Trọng Nhuận gợi ý Ban Giám hiệu bổ sung triết lý phát triển Trường với 3 nội dung chính là: đạt chuẩn chất lượng quốc tế trên mọi phương diện ngay từ đầu, phát huy cao nhất quyền tự chủ và chịu trách nhiệm đối với xã hội cao và quản trị theo sản phẩm đầu. GS. Mai Trọng Nhuận cũng đề nghị bổ sung vào bộ tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên cơ hữu hai tiêu chuẩn là: khả năng khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cho người học và khả năng thích nghi với lĩnh vực nghiên cứu khoa học liên ngành. GS. Kato Hironori đề nghị Ban Giám hiệu chú trọng cải thiện giao diện tương tác giữa giảng viên và học viên, để học viên tiếp nhận từ giảng viên không chỉ kiến thức mà cả tinh thần và kỹ năng. GS. Shibutani Yoji đề nghị Ban Giám hiệu làm rõ các nguồn tài chính cho Trường vì tài chính ổn định là tiền đề cho việc đào tạo và nghiên cứu.
Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Vũ Minh Giang đã đề nghị Ban Giám Hiệu tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của các ủy viên Hội đồng, trong đó nhấn mạnh một số vấn đề sau:
(1) Về định hướng chiến lược: Cần thực tế hơn trong việc xác định tầm nhìn và các mục tiêu vào năm 2025. Mục tiêu đặt ra cần phù hợp với các điều kiện về nguồn lực.
(2) Về triết lý: Cần làm rõ hơn triết lý về bền vững vì đây là một phạm trù rộng, không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học mà bao hàm cả sự phát triển của Trường. Đồng thời, bổ sung triết lý khởi nghiệp vào các hoạt động đào tạo và nghiên cứu để người học có thêm khả năng phát triển lĩnh vực mới, tạo ra việc làm mới cho xã hội. Khi đó, tinh thần khởi nghiệp sẽ là một tiêu chuẩn quan trọng tuyển dụng giảng viên.
(3) Về tài chính: Cần xây dựng được bản kế hoạch tài chính tường minh, khả thi và hiệu quả; có thể xem xét mở các chương trình đào tạo bậc đại học và tiến sỹ trên cơ sở các chương trình thạc sĩ hiện nay nhằm gia tăng nguồn thu. Đồng thời, tăng cường quảng bá với các đại học Nhật Bản về triển vọng đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam, từ đó đẩy mạnh giữa Trường và các đại học Nhật Bản.
(4) Về đào tạo: Cần có sự cải tiến mạnh mẽ hơn để các ưu điểm của nền giáo dục Nhật Bản được thể hiện rõ nét hơn và phù hợp hơn với người học của Trường; cần phát huy hiệu quả giao diện giảng viên – người học; cần tổ chức các hội nghị chuyên đề đánh giá công tác đào tạo khóa 1 làm căn cứ cải tiến cho khóa 2.
(5) Về nghiên cứu khoa học: Cần định hướng nghiên cứu khoa học và làm rõ vai trò của giảng viên trong việc hướng dẫn học viên nghiên cứu khoa học, trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa định hướng nghiên cứu chung của Trường và yêu cầu ngành nghề của học viên; cần có thêm chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho học viên.
(6) Về tuyển sinh khóa 2: Cần chú trọng các yếu tố cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp sau tốt nghiệp trong các hoạt động quảng bá Trường; cần huy động sự tham gia có hiệu quả của học viên khóa 1 vào công tác tuyển sinh khóa 2.
Scientific and Academic Council of Vietnam Japan University, term 2016-2018
Các thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Việt Nhật nhiệm kỳ 2016-2018:
1. GS.TSKH. Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT ĐHQGHN), Chủ tịch 2. GS.TS. Nagata Kyosuke (Giám đốc Đại học Tsukuba), Phó Chủ tịch 3. TS. Nguyễn Thùy Anh (Giám đốc Chương trình Chính sách công), Ủy viên 4. PGS.TS. Vũ Anh Dũng (Phó Hiệu trưởng), Ủy viên 5. GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật hạ tầng), Ủy viên 6. PGS.TS. Cao Thế Hà (Giám đốc Chương trình Kỹ thuật môi trường), Ủy viên 7. GS.TS. Kato Hironori (Giáo sư Đại học Tokyo, Đồng Giám đốc Chương trình Kỹ thuật hạ tầng), Ủy viên 8. GS.TS. Nakajima Jun (Giáo sư Đại học Ritsumeikan, Đồng Giám đốc Chương trình Kỹ thuật môi trường), Ủy viên 9. PGS. Iwatsuki Junichi (Phó Giáo sư Đại học Tokyo, Đồng Giám đốc Chương trình Khu vực học), Ủy viên 10. GS.TS. Fukushi Kensuke (Giáo sư Đại học Tokyo), Ủy viên 11. TS. Phạm Thị Liên (Giám đốc Chương trình Quản trị kinh doanh), Ủy viên 12. GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương (Giám đốc Chương trình Công nghệ nano), Ủy viên 13. GS.TS. Furuta Motoo (Hiệu trưởng), Ủy viên 14. GS.TS. Mai Trọng Nhuận (Chủ tịch Hội đồng ĐBCL ĐHQGHN), Ủy viên 15. GS.TS. Mimura Nobuo (Giám đốc Đại học Ibaraki), Ủy viên 16. TS. Nguyễn Hoàng Oanh (Phó Hiệu trưởng), Ủy viên 17. GS.TS. Miyazaki Satoshi (Giáo sư Đại học Waseda, Giám đốc Chương trình ngôn ngữ Nhật Bản), Ủy viên 18. GS.TS. Urata Shujiro (Chủ nhiệm khoa, Giáo sư Đại học Waseda), Ủy viên 19. GS.TS. Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển), Ủy viên 20. GS.TS. Shibutani Yoji (Giáo sư Đại học Osaka, Đồng Giám đốc Chương trình Công nghệ nano), Ủy viên 21. GS.TS. Matsui Yoshiki (Giáo sư Đại học Quốc lập Yokohama, Đồng Giám đốc Chương trình Quản trị kinh doanh), Ủy viên 22. GS.TS. Tsujinaka Yutaka (Giáo sư Đại học Tsukuba, Đồng Giám đốc Chương trình Chính sách công), Ủy viên 23. ThS. Hồ Như Hải (Chánh Văn phòng), Ủy viên Thư ký |