Ngày 8/3/2021, PGS.TS.Trần Thị Thanh Tú – Phó Hiệu trưởng đã có buổi Lunch Petit Seminar về “Phát triển Ngân hàng xanh ở Việt Nam”.

Bài nói chuyện tập trung vào các mảng chính sau:

– Bức tranh chung về tài chính xanh và ngân hàng xanh

– Tổng quan về ngân hàng xanh tại Việt Nam

– Các yếu tố quyết định phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam

– Các gợi ý và đề xuất chính sách

Trong bài nói chuyện, PGS.Tú đã trình bày về bức tranh chung của tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh trên toàn cầu, các định nghĩa về tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh và vị thế của Việt Nam trong xu thế phát triển toàn cầu trên.

Tăng trưởng xanh là gì?

Là quá trình thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời duy trì, phát triển vốn tự nhiên; giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường; kiềm chế phát thải khí nhà kính; và cung cấp nhiều việc làm hơn cho xã hội.

Tăng trưởng xanh nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, cơ cấu sản xuất, tiêu dùng theo hướng bền vững và đời sống của nhân dân; Giảm phát thải khí nhà kính; Nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; Sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Hướng đến mục tiêu công bằng xã hội.

Ngân hàng xanh là gì?

Hiểu theo khái niệm rộng, ngân hàng xanh là Ngân hàng bền vững ”(Imeson M., và Sim A., 2010). Theo khái niệm hẹp: Ngân hàng xanh dùng để chỉ các hoạt động khuyến khích các hoạt động môi trường và giảm lượng khí thải carbon, như khuyến khích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ xanh; áp dụng các tiêu chuẩn môi trường để phê duyệt các khoản vay hoặc cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi cho các dự án giảm CO2. (UN ESCAP, 2012).

Ngân hàng được coi là “xanh” khi đáp ứng cả hai điều kiện: (i) cung cấp dịch vụ xanh trong ngắn hạn và (ii) có chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm xã hội.

Phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam

Theo kết quả điều nghiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 19/35 ngân hàng đã phát triển các chiến lược để quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 19/35 ngân hàng đã tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quá trình đánh giá tín dụng xanh; 10/35 ngân hàng đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực xanh và quan tâm cấp tín dụng, chủ yếu trong trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các dự án xanh.

Như vậy, tham chiếu trên 5 cấp độ của mô hình Ngân hàng xanh Kaeufer (2010), Việt Nam đang ở cấp độ 3 về phát triển ngân hàng xanh: Hoạt động kinh doanh có hệ thống. Việt Nam cần có nhiều nỗ lực đáng kể hơn nữa để “nâng hạng” lên cấp độ 4 “Sáng kiến cho hệ sinh thái chiến lược” và cấp độ 5 “Sáng kiến cho hệ sinh thái chủ động” trong mô hình này.

Cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tạo ra những bước nhảy vọt, không chỉ giúp hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiều chi phí mà còn hỗ trợ “xanh” hóa các hoạt động. Đây chính là xu thế phát triển toàn cầu, do vậy, Việt Nam cần nhanh nhạy thay đổi và thích ứng để bắt kịp được xu hướng.

Một số câu hỏi được đặt ra là: Vậy ngân hàng xanh mang lại lợi ích gì cho các bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân)? Câu hỏi trên đã được trao đổi và giải thích tại buổi nói chuyện. Theo đó, thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh là phát triển một nền kinh tế bền vững, áp dụng công nghệ trong giao dịch và quản trị để giảm thiểu khí thải ra môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nhân lực cho ngân hàng, đồng thời, tiết kiệm thời gian và chi phí trong giao dịch và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân.

Một số khuyến nghị và đề xuất chính sách của PGS.Tú đã được đề cập trong bài nói chuyện nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam, cụ thể:

– Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính: Xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động và chính sách thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh và đầu tư xanh

– Áp dụng mô hình “Bottomup”: hỗ trợ từ các nhà đầu tư hàng đầu của chính phủ

– Thí điểm mô hình ngân hàng đầu tư xanh sau đó nhân rộng mô hình

– Đưa các thành phần kinh tế ưu tiên làm thí điểm, sau đó nhân rộng mô hình

– Các ngân hàng tích cực xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng xanh

– Các ngân hàng tích cực phát triển danh mục đầu tư xanh để chẻ nhỏ nguy cơ và và đón đầu nhu cầu đầu tư xanh của doanh nghiệp

– Các ngân hàng tích cực nâng cao năng lực cán bộ về phê duyệt, thẩm định và lựa chọn các dự án đầu tư xanh cho tín dụng xanh.

– Truyền thông về tăng trưởng xanh và tín dụng xanh, đầu tư xanh để phát triển bền vững

– Thông tin về tín dụng xanh cho các lĩnh vực kinh doanh cần cụ thể và rõ ràng

– Thông tin về các lĩnh vực ưu tiên đầu tư xanh cũng như các kế hoạch hành động cụ thể cần được thông báo rộng rãi và rõ ràng cho các doanh nghiệp và cộng đồng

– Nâng cao nhận thức của các nhà quản lý doanh nghiệp về đầu tư xanh/ tăng trưởng xanh bằng các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn với các trường Đại học

– Các trường đại học, học viện nâng cao nghiên cứu và đào tạo về tăng trưởng xanh và khoa học bền vững

– Giáo dục người tiêu dùng về tiêu dùng xanh hướng tới phát triển bền vững

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *