Chiều 4/12/2020, Trường Đại học Việt Nhật tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn đào tạo thử nghiệm 5 Chương trình Thạc sĩ của Trường. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá, phân tích, nhìn nhận các nỗ lực và hiệu quả đào tạo thử nghiệm 5 chuyên ngành của Trường trong 4 năm qua; đề xuất, đưa ra các giải pháp, thay đổi phù hợp để nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội; không chỉ nâng cao uy tín, vị thế của Trường mà quan trọng hơn là giúp cho việc cung cấp, bổ sung vào lực lượng lao động những con người ưu tú nhất, được đào tạo bài bản, cam kết về chất lượng đạt chuẩn Nhật.

GS.Furuta Motoo – Hiệu trưởng của Trường phát biểu khai mạc và điều hành Hội nghị

Đánh giá chung sau 4 năm đào tạo, TS.Nguyễn Hoàng Oanh – Phó Hiệu trưởng của Trường đã báo cáo về các thành quả đạt được với 3 khóa Thạc sĩ đã tốt nghiệp. Nỗ lực đáng ghi nhận sau 4 năm đào tạo thạc sĩ mà Trường đã đạt được là sự vận dụng tối đa nguồn lực được hỗ trợ để xây dựng một môi trường dạy và học hiện đại theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho sinh viên. Cụ thể là, các Chương trình đào tạo thạc sĩ được xây dựng bài bản trên cơ sở kế thừa có chọn lọc chương trình đào tạo của các trường đại học đối tác hàng đầu Nhật Bản. Với yêu cầu đầu vào tương đối cao, số lượng học viên học tại Trường không mang tính đại trà và luôn nhận được hỗ trợ đặc biệt từ khâu tuyển sinh đến khi tốt nghiệp. Trong mỗi khóa học, học viên được học tập với giảng viên Việt Nam và nhiều chuyên gia, giảng viên Nhật Bản; được tham gia các đợt fieldtrip tại Việt Nam và Nhật Bản xen kẽ bên cạnh các giờ học lý thuyết trên lớp. Với lợi thế liên kết chặt chẽ với các trường đối tác hàng đầu của Nhật Bản, cùng đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, học viên được tạo cơ hội tham gia nghiên cứu cùng Thầy Cô, là đồng tác giả trong nhiều công bố khoa học quốc tế và tham gia hội thảo trong và ngoài nước. Đây là tiền đề tốt để học viên sẵn sàng cho công việc ngay sau khi ra trường hoặc tiếp tục học cao hơn. Phần lớn học viên đều nhận được học bổng của Trường nếu có sự nỗ lực trong học tập.

Tham gia Hội nghị, nhiều đại biểu đại diện đến từ doanh nghiệp, Viện đảm bảo chất lượng, chuyên gia đào tạo đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích.

TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng viện đảm bảo chất lượng cho rằng nhà Trường cần xây dựng và tập hợp đội ngũ giảng viên cơ hữu 

TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng viện đảm bảo chất lượng cho rằng các chương trình đào tạo thạc sĩ thí điểm tại Trường Đại học Việt Nhật là một cách làm hay, đúng đắn của Trường. Việc đánh giá định kì được thực hiện đúng với nguyên tắc trong kiểm định chất lượng giáo dục là thường xuyên đánh giá, cải tiến chất lượng nhằm tạo ra các sản phẩm giáo dục tốt nhất. Theo kế hoạch, trong năm tới Trường sẽ tổ chức kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN hai chương trình đào tạo là Chính sách công và Kĩ thuật môi trường. TS.Huy cũng đề xuất một số ý kiến khác như xây dựng các chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo một cách khả thi và phù hợp, đúng với quy chuẩn của ĐHQGHN, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã ban hành; Xây dựng và tạo ra mạng lưới các nhà tuyển dụng và thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị với các nhà tuyển dụng để gắn kết hoạt động đào tạo với hoạt động của doanh nghiệp, bám sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực với nhu cầu của doanh nghiệp; Liên kết và kết nối với mạng lưới cơ sở vật chất dùng chung trong ĐHQGHN, tận dụng và liên kết với các phòng lab, các cơ sở thực hành, thí nghiệm dùng chung trong ĐHQGHN để làm cơ sở vật chất tốt cho sinh viên; Tăng cường, xây dựng và tập hợp đội ngũ giảng viên cơ hữu để phục vụ kế hoạch dài hơi.

Nguyễn Công Duẩn – Đại diện doanh nghiệp tham gia phát biểu tại Hội nghị 

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Duẩn cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cần nhiều nhân lực chất lượng. Do vậy, Trường nên mở rộng quy mô đào tạo, dựa trên nền tảng cơ sở vật chất hiện nay và đảm bảo chất lượng đào tạo. Đó là thước đo hiệu quả đào tạo của nhà trường, khi học viên ra trường có thể tham gia ngay lực lượng lao động và có triển vọng phát triển cao tại nơi làm việc.

GS. TS. Thái Thị Yên Hương – PGĐ Học viện Ngoại giao là một trong những thành viên quan trọng tham gia xây dựng và giảng dạy chương trình đào tạo thạc sĩ thí điểm Khu vực học tại Trường Đại học Việt Nhật. Bà cho rằng: Giai đoạn hiện nay, khi nhìn nhận đánh giá lại, chúng ta cần nhận thấy rằng: Xu hướng đi học thạc sĩ của người Việt Nam hiện nay đang thay đổi vì vậy, Trường cần phải sớm thích nghi hơn để tổ chức đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Nếu thời gian trước, bậc thạc sĩ có một giai đoạn huy hoàng “người người đi học” học xong đại học là học thạc sĩ….nhưng nay những người đi học thạc sĩ học cần một chất lượng đào tạo thực sự để đi học và thực sự phù hợp với nhu cầu tự thân. Vì khi quan tâm tới chất lượng đồng thời lại muốn kết hợp với việc nâng cao chuyên môn trong công việc hiện tại, nhiều học viên muốn tham gia học lại vướng mắc với thời gian học tại Trường. Do vậy, Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần tính toán tới yếu tố linh hoạt về phương thức tổ chức đào tạo, sắp xếp một số học phần vào buổi tối hoặc cuối tuần để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học nhằm thu hút hơn lượng người học mong muốn tham gia học mà không có điều kiện sắp xếp thời gian hợp lý.

GS. TS. Thái Thị Yên Hương: “Nhà trường cũng cần tính toán tới yếu tố linh hoạt về phương thức tổ chức đào tạo để thu hút nhiều học viên hơn”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *