Chiều 8/9, Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc Gia, Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thành công Hội thảo khai trường với chủ đề “Phát triển bền vững”. Đây là hoạt động học thuật đầu tiên của Trường Đại học Việt Nhật, đánh dấu sự chuyển mình từ giai đoạn chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng sang giai đoạn thực hiện các hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 250 khách mời và diễn giả bao gồm: Đại diện chính phủ; Bộ, Ban, Ngành, Địa phương của hai nước Việt Nam và Nhật Bản; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Đại học Quốc Gia Hà Nội; Các đại học đối tác Nhật Bản; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO); Các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục; Các doanh nghiệp; Tổ chức báo chí, truyền thông của Việt Nam và Nhật Bản.

Hội thảo khai trường về “Phát triển bền vững” với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu

Mở đầu, GS.TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật đã có bài phát biểu khai mạc hội thảo. Trong bài phát biểu của mình, GS.TS Furuta Motoo đã giới thiệu về Trường Đại học Việt Nhật, triết lí giáo dục của Trường và nêu lên lí do tổ chức Hội thảo khai trường “Phát triển bền vững”. Giáo sư Furuta cũng thay mặt Nhà trường bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội và các đại học đối tác của cả hai nước Việt Nam, Nhật Bản trong thời gian tới.  

 
GS.TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật 

Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, phân hóa giàu nghèo, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa… thì phát triển bền vững đang trở thành chủ đề rất được quan tâm. Chính vì vậy, những nội dung được các diễn giả của Việt Nam và Nhật Bản trình bày tại hội thảo như “Tương lai của Việt Nam”, “Biến đối toàn cầu & tính bền vững”… đều rất thiết thực, có giá trị lý luận và thực tiễn cao. 


TS. Seko Hiroshige, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói về chủ đề “Tương lai của Việt Nam”

Trong phần diễn thuyết kỉ niệm, TS. Seko Hiroshige, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói về chủ đề “Tương lai của Việt Nam”.  Với chủ đề này, TS. Seko Hiroshige đã đề cập đến hai ý chính: dòng chảy của tự do thương mại trên thế giới và đào tạo nguồn nhân lực. Trong thời gian qua, các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong dòng chảy tự do thương mại trên thế giới. Đó là một xu hướng không thể ngăn chặn.

 

Theo TS. Hiroshige, Việt Nam có những tiềm năng phát triển kinh tế không thể phủ nhận, nhưng để những tiềm năng đó trở thành hiệu quả thực tế, chúng ta cần có những cải cách mạnh mẽ, trong đó quan trọng nhất là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là xứ mệnh của Trường Đại học Việt Nhật. Và để bắt đầu hiện thực hóa xứ mệnh này, Trường Đại học Việt Nhật đã lựa chọn 06 ngành đào tạo là thế mạnh của Nhật Bản và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, bao gồm: Công nghệ Nano, Kỹ thuật Hạ tầng, Kỹ thuật Môi trường, Chính sách công, Khu vực học và Quản trị kinh doanh. Cuối cùng, TS. Seko Hiroshige gửi lời chúc mừng đến các tân học viên khóa 1 Trường Đại học Việt Nhật, đồng thời kì vọng những học viên này sẽ giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển trong tương lai của Việt Nam và là cầu nối giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

 


Ông Kitaoka Shinichi, Chủ tịch JICA với bài phát diễn thuyết với chủ đề “Mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong lịch sử thế giới”

Trong bài phát diễn thuyết với chủ đề “Mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong lịch sử thế giới” Ông Kitaoka Shinichi, Chủ tịch JICA, đã nhắc lại những dấu mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Ông Kitaoka nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về qui mô dân số, đều chịu ảnh hưởng từ nền văn minh Trung Hoa và cùng có tinh thần yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Do vậy, mối quan hệ ngày càng gần gũi của hai nước là tất yếu lịch sử. Trên tinh thần củng cố và xây dựng mối quan hệ này, trong thời gian vừa qua, Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam trên nhiều dự án như: Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Bệnh viên Chợ Rẫy, và Trường Đại học Việt Nhật – là một dư án đặc biêt về đào tạo giữa hai nước, và là niềm tự hào của chúng ta ngày hôm nay. 


GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, ĐHQGHN với bài phát biểu “So sánh văn hóa Việt Nam và Nhật Bản”

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, ĐHQGHN, cũng đồng ý với quan điểm của ông Kitaoka Shinichi. Trong bài phát biểu “So sánh văn hóa Việt Nam và Nhật Bản”, giáo sư Giang đã phân tích rõ hơn những điểm tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản về điều kiện tự nhiên, văn hóa, các mô hình tổ chức nhà nước và cách ứng xử với văn hóa ngoại lai. Giáo sư đi đến kết luận, dù khi mới nhìn qua Việt Nam và Nhật Bản tương tự như nhau, những khi đi vào phân tích kĩ, Việt Nam và Nhật Bản gần như trái ngược nhau. “Hai dân tộc như hai bàn tay trái phải – trái ngược nhưng không xung khắc mà có thể hỗ trợ bổ khuyết cho nhau.  Do vậy chúng ta cần kết hợp, bổ xung cho nhau để cùng phát triển mạnh hơn trong tương lai”, GS.TSKH. Vũ Minh Giang chia sẻ.


PGS.TS. Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật giới thiệu tổng quan về Trường Đại học Việt Nhật cùng quan điểm “Không thỏa hiệp về chất lượng”

Kết thúc phần một của chương trình, PGS.TS. Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật đã giới thiệu một cách tổng quan về Trường. PGS. Vũ Anh Dũng chia sẻ, là một trường đại học quốc tế, Trường Đại học Việt Nhật đang đề nghị được áp dụng quy chế đặc thù, nâng cao tính tự chủ. PGS. cũng nhấn mạnh, Trường Đại học Việt Nhật là một trường đại học chất lượng cao, ở khóa 1, Trường chỉ tuyển sinh 72 học viên thạc sĩ với quan điểm “ Không thỏa hiệp về chất lượng”.  Cuối cùng, PGS. Vũ Anh Dũng cũng chia sẻ với học viên và khách mời về ý nghĩa của logo của Trường Đại học Việt Nhật, với hình tượng hai quốc hoa trong vầng mặt trời đỏ của tri thức, thể hiện tinh thần hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. 


GS.TS. Kensuke Fukushi, Đại học Tokyo đã chia sẻ những khái niệm cơ bản về biến đổi toàn cầu và khoa học bền vững

Bắt đầu phần hai, GS.TS. Kensuke Fukushi, Đại học Tokyo đã chia sẻ những khái niệm cơ bản về biến đổi toàn cầu và khoa học bền vững. Theo GS. Fukushi, để có thể phát triển bền vững, con người cần cân bằng ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Giáo sư cũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu vừa là thách thức vừa là cơ hội với Việt Nam. Chính vì vậy, Trường Đại học Việt Nhật được thành lập để đào tạo nên nguồn nhân lực có khả năng ứng phó với những thách thức và cơ hội này. 


GS.TS. Takeuchi Kazuhiko, Giám đốc Cơ quan liên kết nghiên cứu Khoa học bền vững, Viện Nghiên cứu tiên tiến, Đại học Tokyo, Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học bền vững đối với xã hội và con người

Với chủ đề “Khoa học bền vững: Mối liên kết giữa khoa học, chính sách và xã hội cho một tương lai bền vững” GS.TS. Takeuchi Kazuhiko, Giám đốc Cơ quan liên kết nghiên cứu Khoa học bền vững, Viện Nghiên cứu tiên tiến, Đại học Tokyo, Nhật Bản đã một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học bền vững đối với xã hội và con người. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta cần thay đổi, cải cách chính sách và huy động sự tham gia của toàn xã hội. Trong quá trình này, các trường đại học có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đề ra và giải quyết các vấn đề. Với sứ mệnh của mình, Trường Đại học Việt Nhật cần chú trọng giảng dạy và nghiên cứu khoa học bền vững – một ngành khoa học vì tương lai.


GS.TS. Sumi Akimasa, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản đã mang đến bài giảng với chủ đề “Lý thuyết cơ bản về Biến đổi khí hậu”

Tham gia hội thảo, GS.TS. Sumi Akimasa, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản đã mang đến bài giảng với chủ đề “Lý thuyết cơ bản về Biến đổi khí hậu”. GS. Akimasa đã đưa ra các căn cứ khoa học, xem xét hiện tượng nóng lên toàn cầu dưới khía cạnh vật lí để làm rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với tương lai của thế giới trong đó có Việt Nam.


GS.TS. Mimura Nobuo, Giám đốc Đại học Ibaraki, Nhật Bản đã đưa ra một số thông tin về biến đổi khí hậu toàn cầu trong 150 năm qua và mô hình dự đoán nhiệt độ toàn cầu năm 2100

Cuối cùng, với chủ đề “Hướng tới xã hội thích ứng với biến đổi của khí hậu” GS.TS. Mimura Nobuo, Giám đốc Đại học Ibaraki, Nhật Bản đã đưa ra một số thông tin về biến đổi khí hậu toàn cầu trong 150 năm qua và mô hình dự đoán nhiệt độ toàn cầu năm 2100. Cũng như GS.TS. Sumi Akimasa, GS.Nobuo cũng nhấn mạnh để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chính phủ và xã hội cần có cái nhìn tổng thể và chung tay tìm ra và thực hiện các biện pháp ứng phó và thích nghi.

Mười ba trường Đại học hàng đầu Nhật Bản cùng cam kết đồng hành cùng Trường Đại học Việt Nhật

Sau chương trình hội thảo, các trường đại học đối tác bao gồm: Đại học Osaka – đối tác ngành Công nghệ nano; Đại học Tokyo – đối tác ngành Khu vực học, Kĩ thuật hạ tầng và Kĩ thuật môi trường; Đại học Tsukuba – đối tác ngành Chính sách công; Đại học Ritsumeikan – đối tác ngành Kĩ thuật môi trường; Đại học Waseda – đối tác chương trình tiếng Nhật; Đại học Yokohama – đối tác ngành Quản trị kinh doanh; Đại học Ibaraki – đối tác ngành biến đổi khí hậu và 6 trường đại học hợp tác khác, cùng cam kết sẽ cùng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho học viên Trường Đại học Việt Nhật trong học tập, thực tập và nghiên cứu.

Mặc dù là hội thảo khoa học đầu tiên của Trường Đại học Việt Nhật, tuy nhiên với năng lực chuyên môn cao của đội ngũ giảng viên và chuyên gia của Trường, sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng hỗ trợ đặc biệt từ phía Đại học Quốc gia Hà Nội, sự giúp đỡ của JICA cùng các trường đại học đối tác, Hội thảo khai trường “Khoa học bề vững” đã được tổ chức thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp cho các khách mời và diễn giả tham dự chương trình. 

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Seko Hiroshige, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Lãnh đạo ĐHQGHN, Lãnh đạo Trường ĐH Việt Nhật chụp ảnh lưu niệm cùng học viên thạc sĩ Trường ĐH Việt Nhật 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *