Ngày 10 tháng 9 năm 2018, tại hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ khai giảng năm học 2018 – 2019.

 

Triết lý giáo dục khai phóng và phát triển bền vững song hành

Thành lập ngày 21/7/2014 và bắt đầu đào tạo thạc sĩ từ ngày 9/9/2016, Trường Đại học Việt Nhật đã có 2 năm phát triển với những kết quả đáng tự hào về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao theo phương thức đào tạo và khung chương trình được chuyển giao từ các đại học hàng đầu Nhật Bản. 

Ngày 21/7/2018 vừa qua, khóa thạc sỹ đầu tiên của Trường đã tốt nghiệp. Đến nay, gần 20% học viên nhận học bổng tiếp tục học lên bậc tiến sỹ, 52% học viên được nhận vào các doanh nghiệp ở Việt Nam và Nhật Bản. Buổi lễ có sự tham gia của 92 học viên khóa 3, niên khóa 2018-2020. 

Trường Đại học Việt Nhật nhất quán trong mục tiêu theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu để hướng tới một nền kinh tế – xã hội phát triển theo hướng bền vững.  


Hiệu trưởng Furuta Motoo

Phát biểu tại Lễ Khai giảng, Hiệu trưởng Furuta Motoo chia sẻ đến các học viên Trường Đại học Việt Nhật nói chung và học viên khóa 3 nói riêng: “Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây có liên quan đến triết lý giáo dục khai phóng. Đó là là mỗi bạn, trong thời gian học tập tại Nhà trường, hãy cố gắng trau dồi bản lĩnh, khả năng sáng tạo và tư duy phản biện độc lập. Tôi cho rằng giáo dục sau đại học không phải là gò học viên vào một khuôn mẫu có sẵn, mà là chú trọng đến việc giúp cho cá tính đa dạng, phong phú của từng học viên khai hoa nhằm liên kết những bông hoa của nhiều loài hoa khác nhau. Điều chúng tôi chờ đợi ở các bạn không phải là cố gắng gò mình vào khuôn mẫu “kiểu Trường Đại học Việt Nhật”, mà là ý thức rằng mỗi bạn chính là Trường Đại học Việt Nhật, từ đó hãy sáng tạo nên phong cách riêng của Nhà trường. Trường Đại học Việt Nhật là trường đại học như thế nào ư? Đó chính là từng người trong các bạn.

Ngày hôm nay, Nhà trường đón chào 92 tân học viên tài năng cũng có nghĩa là gieo mầm để 92 bông hoa khác nhau khoe sắc trong vườn hoa của Trường Đại học Việt Nhật. Nhà trường giang rộng vòng tay chào đón 92 cá tính khác nhau.

Xin cho phép tôi dừng bài phát biểu với tư cách là Hiệu trưởng của Trường Đại học Việt Nhật ở đây. Tôi cầu chúc tất cả các bạn học viên của Nhà Trường sẽ trở thành những chủ thể sáng tạo nên sự đa dạng, phong phú cho Trường Đại học Việt Nhật và góp phần mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Việt Nam và thế giới.

Hợp tác phát triển bền vững và đối phó với biến đổi khí hậu 


Trường Đại học Việt Nhật và Đại học Ibaraki đánh dấu hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển

Cùng ngày 10/9, Trường ĐH Việt Nhật ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Ibaraki (Nhật Bản) để đẩy mạnh hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ các hoạt động thực tập, khởi nghiệp về biến đổi khí hậu và phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cần những nhà khoa học và chuyên gia được đào tạo bài bản với những công cụ và kỹ thuật để thực hiện sứ mệnh này. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và cực đoan, trong khi nguồn nhân lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang còn thiếu, Trường Đại học Việt Nhật mở Chương trình Thạc sỹ Biến đổi khí hậu và Phát triển (gọi tắt là MCCD) với mục đích đào tạo nguồn nhân lực nắm bắt và triển khai các cơ hội công việc có nhu cầu cao và bền vững này.

Đại học Ibaraki là một trường có bề dày trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của những khu vực như Đông Nam Á, với trung tâm là Viện Khoa học thích ứng thay đổi toàn cầu (Institute for Global Change Adaptation Science: ICAS) được thành lập năm 2006. Hiện nay, Việt Nam đang trải qua những thách thức như xói lở bờ biển nghiêm trọng, sự quan tâm đến biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ngày càng lớn. Chương trình biến đổi khí hậu và phát triển của Trường Đại học Việt Nhật được xây dựng dựa trên chương trình giảng dạy của Đại học Ibaraki phù hợp với tình hình hiện tại và nhu cầu của xã hội Việt Nam, đào tạo cho người học khả năng giải quyết các vấn đề, cung cấp kỹ năng, tri thức mang tính học thuật về nguyên lý, ảnh hưởng và phát triển bền vững liên quan đến biến đổi khí hậu.

Thông qua ký kết hợp tác với Trường Đại học Ibaraki, Đại học Việt Nhật sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên ngành, trao đổi giảng viên, nghiên cứu về biến đổi khí hậu giữa hai trường. Mở rộng hơn, sự hợp tác này sẽ là cầu nối để tăng cường giao thoa giữa hai nền khoa học và văn hóa tại Việt Nam và Nhật Bản, mang đến những tác động tích cực trong đối phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. 


GS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu và Phát triển

Bài giảng đặc biệt về phát triển bền vững


GS. Nobuo Mimura

Tại Lễ khai giảng, GS. Nobuo Mimura – Giám đốc Đại học Ibaraki và GS. Tatsuya Okubo – Trưởng Khoa kỹ thuật – Đại học Tokyo đã có hai bài giảng đặc biệt về sự phát triển bền vững của xã hội trong tương lai.

Phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế tất yếu của sự phát triển trong mọi lĩnh vực khi thế giới bước vào thế kỉ 21, khi con người phải đối mặt với rất nhiều thách thức của tự nhiên cũng như xã hội. Các nghiên cứu về phát triển bền vững, dưới góc độ của những ngành khoa học ứng dụng, dù đã được quan tâm nhìn nhận một cách thật sự nghiêm túc ở hầu khắp các quốc gia, nhưng vẫn mới ở mức độ giải quyết các vấn đề chưa triệt để và chỉ dừng lại ở phương diện đơn ngành (kinh tế, môi trường, xã hội…)

Trước nhu cầu nhận thức một cách khoa học về tính bền vững, về những nhân tố có thể tăng cường hoặc làm phương hại đến sự bền vững đang ngày càng trở nên bức thiêt. Hai bài giảng về “Khoa học bền vững” được tổ chức với mục tiêu trao đổi, thảo luận và nâng cao nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn bản chất của tính bền vững, nhận diện các rủi ro và tìm ra các giải pháp khả thi nhằm giải quyết các vấn đề đe dọa sự phát triển bền vững của thế giới loài người, giúp đem lại những hiểu biết về nhiều khía cạnh và giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn phức tạp và đa chiều của các tổ chức, quốc gia và cả thế giới.


GS. Tatsuya Okubo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *