Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 3626/QĐ -ĐHQGHN về việc ban hành Quy chế đào tạo bậc Đại học tại ĐHQGHN. Nhân dịp này, Phóng viên đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Tổ trưởng Tổ biên soạn Quy chế của ĐHQGHN về những điểm mới trong Quy chế đào tạo Đại học lần này
Thưa Giáo sư Nguyễn Đình Đức, ông có thể giới thiệu tóm tắt về Quy chế đào tạo Đại học mới ban hành của ĐHQGHN?
Quy chế mới bao gồm 9 chương, 51 điều quy định về đào tạo bậc đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm: chương trình đào tạo; tổ chức và quản lý đào tạo; nghiên cứu khoa học của sinh viên; quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên; kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập; công nhận tốt nghiệp.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN
Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị và cá nhân tham gia vào quá trình đào tạo bậc đại học theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm: chương trình đào tạo và thời gian học tập; tổ chức và quản lý đào tạo; nghiên cứu khoa học của sinh viên; quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên; kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập; công nhận tốt nghiệp.
Hiện nay, hệ thống tổ chức và quản lý đào tạo đại học gồm hai cấp: cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và cấp đơn vị đào tạo.
Để khai thác tối đa mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của các đơn vị, Quy chế mới nhất quán và thấm nhuần quan điểm và triết lý “one-VNU”. Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiệm vụ chỉ đạo và điều hành thống nhất công tác tổ chức và quản lý đào tạo theo cơ chế mở, liên thông, liên kết và hợp tác giữa các đơn vị đào tạo; Điều phối sử dụng các nguồn lực chung (nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật, trang thiết bị) phục vụ đào tạo; Đồng thời, ĐHQGHN chịu trách nhiệm quản lý toàn diện công tác tổ chức và quản lý đào tạo của các trường/khoa trực thuộc.
Các đơn vị đào tạo có nhiệm vụ tổ chức và quản lý đào tạo các ngành học, học phần đã được Đại học Quốc gia Hà Nội giao nhiệm vụ; công nhận kết quả học tập của sinh viên giữa các đơn vị đào tạo; kết quả học tập của sinh viên được tích lũy ở các trường đối tác thông qua trao đổi sinh viên; xây dựng học liệu dùng chung. Ngoài ra, xây dựng những ngành học mới, chương trình đào tạo mới, chú trọng các chương trình đào tạo có tính liên ngành, báo cáo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét thẩm định, ban hành quyết định mở ngành, phê duyêt chương trình và giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo.
Vậy Quy chế có những điểm mới nào quan trọng cần lưu ý thưa Giáo sư?
Một số điểm đáng chú ý tại quy chế đào tạo mới của Đại học Quốc gia Hà Nội như thời gian ban hành, giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, hàng năm, căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhu cầu xã hội và tình hình sinh viên có việc làm đúng chuyên môn sau tốt nghiệp, đơn vị đào tạo xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cho từng ngành học, từng hình thức đào tạo với chương trình đào tạo tương ứng của năm học tiếp theo, trước ngày 31 tháng 12 báo cáo và đề nghị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt.
Khuôn viên giảng đường HT1, HT2 ĐHQGHN tại cơ sở Hòa Lạc
Trên cơ sở đề xuất này, cũng như các nguồn lực chung và định hướng phát triển, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các đơn vị đào tạo trước ngày 01 tháng 3 hàng năm và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi có quyết định phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị đào tạo mới được thông báo tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo.
Về tổ chức tuyển sinh, hàng năm, căn cứ quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh riêng, áp dụng tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về cấu trúc và khối lượng chương trình đào tạo: Đối với chương trình đào tạo chuẩn được thiết kế tối thiểu 120 tín chỉ tích lũy đối với đào tạo cử nhân, 150 tín chỉ tích lũy đối với đào tạo kĩ sư, 155 tín chỉ đối với đào tạo dược sĩ và tối thiểu 205 tín chỉ đối với đào tạo bác sĩ; Chương trình đào tạo chất lượng cao được thiết kế nhiều hơn chương trình đào tạo chuẩn tương ứng ít nhất là 15 tín chỉ, trên cơ sở nâng cao, bổ sung một số học phần, có tham khảo chương trình đào tạo nước ngoài hoặc trên cơ sở chương trình đào tạo của một trường đại học tiên tiến có uy tín trên thế giới đã được điều chỉnh phù hợp với các quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội; Chương trình đào tạo tài năng được thiết kế nhiều hơn chương trình đào tạo chuẩn tương ứng ít nhất là 30 tín chỉ, trên cơ sở nâng cao, bổ sung một số học phần với yêu cầu trình độ cao hơn và nội dung rộng hơn, sâu hơn, có tham khảo chương trình đào tạo nước ngoài có uy tín. Các chương trình song ngành, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng được thiết kế theo quy định của ĐHQGHN.
Đặc biệt, đối với chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, với chuẩn đầu ra trình độ tương đương bậc 3, hoặc bậc 4 tùy vào chương trình đào tạo. Khác với Quy chế trước, Quy chế này quy định học phần ngoại ngữ trong chương trình đào tạo là học phần sinh viên bắt buộc phải học và lấy điểm tích lũy, và do đó được tính vào điểm trung bình chung trong kết quả học tập của toàn khóa.
Ngoài ra về khóa học, ĐHQGHN có điều chỉnh khung thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với hình thức đào tạo hệ vừa học vừa làm dài hơn tối thiểu 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo; thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo. Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
Điểm mới trong việc công nhận tốt nghiệp: Các học phần có cùng nội dung, thời lượng mà sinh viên chuyển trường trong và ngoài ĐHQGHN, học liên thông (nếu có), học cùng lúc hai chương trình đào tạo, học tại trường đại học nước ngoài đã tích lũy được xem xét công nhận. Các học phần khác, căn cứ chương trình đào tạo và nội dung đào tạo, thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định bảo lưu hoặc tương đương. Điểm và số tín chỉ của các học phần được bảo lưu hoặc tương đương được công nhận và chuyển đổi để lập hồ sơ sinh viên trước khi bắt đầu thực hiện kế hoạch học tập theo chương trình đào tạo mới.
Trong tổ chức dạy học có nhiều điểm mới trong thời gian hoạt động giảng dạy và tổ chức giảng dạy để đảm bảo chất lượng đào tạo như: Thời khóa biểu của các lớp học phần bình thường phải được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Trong trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng đối với một học phần bất kỳ không vượt quá 15 giờ/tuần và 4 giờ/ngày.
Thời gian dạy và học trực tuyến: tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng.
Xin Giáo sư cho biết thông tin kỹ hơn về việc chuyển ngành học trong quy chế mới này?
Đặc biệt một điểm mới trong quy chế đào tạo đại học năm 2022 so với trước đó là cho phép sinh viên có thể được chuyển ngành học. Cụ thể, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học một ngành học khác nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học; Có số tín chỉ tích lũy tối thiểu bằng khối lượng thiết kế theo kế hoạch học tập chuẩn của chương trình đào tạo; Điểm trung bình chung các học phần tính đến thời điểm xét đạt từ 2,50 trở lên; Không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét thi hành kỷ luật; Đơn vị đào tạo còn chỉ tiêu đối với ngành sinh viên muốn chuyển đến; Được sự đồng ý của Chủ nhiệm Khoa/Bộ môn (đơn vị chuyên môn phụ trách ngành đào tạo) và thủ trưởng đơn vị đào tạo (đối với các trường thành viên), Giám đốc ĐHQGHN (đối với các đơn vị đào tạo trực thuộc).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là quy chế mới ban hành không xem xét chuyển ngành học đối với sinh viên đã học từ năm thứ hai. Kết quả học tập của các học phần đã tích lũy của sinh viên chuyển ngành hoặc chuyển hình thức đào tạo sẽ được xem xét để bảo lưu và công nhận tương đương theo các học phần trong ngành mới.
Quy chế mới cũng tiếp tục tạo điều kiện và cho phép sinh viên học cùng lúc 2 chương trình đào tạo theo hình thức đào tạo chính quy – và đây cũng là thế mạnh hấp dẫn thí sinh của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực như Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên điều kiện để được học ngành thứ 2 được bổ sung với quy định chặt chẽ hơn: Cụ thể, sinh viên phải đã học ít nhất hai học kỳ của chương trình đào tạo thứ nhất, và nếu điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học đến thời điểm đăng ký học chương trình đào tạo thứ hai đạt từ 2,0 trở lên thì sinh viên phải đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh; còn nếu đạt từ 2,5 trở lên thì sinh viên chỉ phải đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.
Thưa Giáo sư Nguyễn Đình Đức, ông đánh giá như thế nào về Quy chế mới này?
Quy chế về đào tạo bậc đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành đã cập nhật những điểm mới trong Quy chế của Bộ, đồng thời có nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho người học nhiều hơn trước.
Quy chế là hành lang pháp lý quan trọng để sử dụng và huy động nguồn lực chung của toàn Đại học Quốc gia. Quy chế mới đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị; giao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho thủ trưởng các đơn vị đào tạo, đồng thời duy trì được những cơ chế và giá trị cốt lõi để vận hành và phát huy, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giữ vững thương hiệu và chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, tức ngày 21/10/2022 và áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
(Theo giaoduc.net)