Ngày 20/5/2018, bạn Hoàng Thị Chăm – Học viên Khóa 2, Định hướng Nhật Bản học của Chương trình thạc sĩ Khu vực học, Trường Đại học Việt Nhật (VJU), ĐHQGHN, đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Nhật tại Lễ hội tiếng Nhật 2018, với chủ đề “Tôi muốn giới thiệu tới Nhật Bản! Sự hấp dẫn của Việt Nam”. Cuộc thi do Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại VN, Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản (JF) tổ chức.
Nguồn cảm hứng từ những điều giản dị của cuộc sống
Chia sẻ niềm vui về giải thưởng vừa nhận được,bạn Chăm cho biết, thực ra đây không phải là lần đầu tiên bạn tham gia cuộc thi này. Tuy nhiên, năm nay, khi được thông báo về cuộc thi, Chăm đã báo danh vì muốn có cơ hội đánh giá lại khả năng tiếng Nhật của bản thân sau một năm học tập tại VJU.
Có thể nói, “Nhịp điệu cuộc sống Việt Nam” đã được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật. Câu chuyện này đến với bạn một cách vô cùng ngẫu nhiên, thông qua một bộ phim “Hòa cùng làn gió Việt” được trình chiếu trong buổi giao lưu văn hóa Việt Nhật mà Chăm và các học viên VJU có cơ hội tham dự.
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về nhà báo tự do Komatsu Miyuki, một giáo viên người Nhật sống và làm việc tại Hà Nội. Mẹ của cô mắc bệnh suy giảm trí nhớ. Sau khi bố mất, mẹ cô không có người chăm sóc do Miyuki là người con duy nhất của bà. Vì vậy, mặc dù có nhiều lo lắng về môi trường sống, hệ thống bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe…ở Hà Nội, côđã quyết định đưa mẹ sang Hà Nội sinh sống để dễ bề chăm sóc. Nhưng, thật bất ngờ, trong khi những phương pháp trị liệu tiên tiến của Nhật cũng không chữa trị được căn bệnh này thìchính cuộc sống tại Việt Nam, đặc biệt là sự chân thành, thân thiện và gần gũi của người Việt đã giúp bệnh tình của mẹ chị được cải thiện.
Sống ở Việt Nam, hòa nhịp với cuộc sống Việt Nam, không những giúp bệnh tình của bà mẹ dần chuyển sang hướng tích cực mà chính Komatsu Miyuki cũng tự nhiên bắt nhịp được với cuộc sống nơi đây. Vậy nên, khi biết câu chuyện về những người vợ và con của cựu binh Nhật, trong đó có bà cụ Xuân, người đã phải xa chồng trong suốt 50 năm, nhưng vẫn một mực chung thủy chờ chồng, nuôi con, Komatsu Miyuki đã dành thời gian và công sức để tìm hiểu về gia đình các cựu binh Nhật trong suốt gần 30 năm qua, kiên trì viết báo, tạp chí, hợp tác với các hãng truyền hình để mang câu chuyện của họ đến nước Nhật và giúphọ hoàn thành ước nguyện lớn lao của cuộc đời mình. “Những ai đến Việt Nam, khi hòa mình vào nhịp điệu cuộc sống, những tình cảm chân thành mà dung dị do chính con người Việt Nam tạo ra, trái tim họ cũng sẽ trở nên ấm áp hơn. Nhịp điệu cuộc sống ấy chính là sức hấp dẫn mà mình muốn giới thiệu tới Nhật Bản như chủ đề của cuộc thi này.” Bạn Chăm chia sẻ.
Những điều ấm áp góp phần tạo nên thành công
Khi được hỏi về những khó khăn đã gặp phải trong cuộc thi, bạn Chăm bày tỏ: “Trong thời gian chuẩn bị bài thi, thú thực, mình cũng phải chịu khá nhiều áp lực khi mà thời điểm diễn ra cuộc thi cũng trùng với thời điểm lịch học tại trường bận rộn nhất.Tuy nhiên, rất may mắn khi mình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và ủng hộ của các giảng viên cũng như các học viên VJU.”
Không chỉ trực tiếp giúp Chăm sửa phát âm tiếng Nhật, các giảng viên tiếng Nhật tại VJU như cô Shinobu Aibara, cô Ito Mariko còn tạo cơ hội cho Chăm thuyết trình bài thi trước lớp, từ đó giúp bạn nhận được nhiều ý kiến hữu ích, để hoàn thiện bài hùng biện của mình.
Bạn Chăm còn cho biết, trước ngày thi, cô Aibara đã động viên bạn rằng, chỉ cần phát huy tất cả các thế mạnh, trải nghiệm cuộc thi mà không cần suy nghĩ nhiều hay tạo áp lực cho bản thân. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh giúp Chăm bình tĩnh, tự tin hoàn thành phần thi của mình.
“Mình nghĩ rằng, những cuộc thi như vậy là hoạt động vô cùng bổ ích, không chỉ giúp sinh viên trau dồi kiến thức, sự tự tin, kĩ năng thuyết trình trước đám đông mà còn là nơi giao lưu, kết bạn. Bên cạnh đó, trong những cuộc thi lớn như vậy, các sinh viên còn có cơ hội gặp gỡ cũng như gây ấn tượng với những giám khảo, những khách mời là các giáo sư hay đại diện của các doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó mở rộng những cơ hội của bản thân trong tương lai” – Chăm chia sẻ.