Tháng 9/2018, Nguyễn Sỹ Cường là học viên VJU đầu tiên xách vali lên đường sang Nhật Bản, đầu quân cho một công ty tư vấn công trình tại thành phố Fukuoka. Đây là một doanh nghiệp cỡ vừa với thâm niên gần 20 năm trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng cầu. Cường làm việc tại vị trí Kỹ sư thiết kế – thuộc “team” (bộ phận) thiết kế cầu thuộc phòng kỹ thuật gồm 12 nhân viên. Trong team có 3 người Việt – chức năng chính của team là đề xuất phương án, tính toán kết cấu, tính sơ bộ khối lượng công trình cầu bê tông dự ứng lực và cầu thép.

Vào những thời điểm bận rộn, Cường phải làm việc đến 10 giờ tối. Khi được hỏi, làm thêm có vất vả không, Cường mỉm cười: “Mình còn trẻ, còn nhiều mục tiêu phía trước. Hơn nữa, về nhà buổi tối thường mình cũng rảnh nên làm thêm với mình không có vấn đề gì lớn!”

Đặt ra mục tiêu để phấn đấu từ những ngày đầu

“Khi nộp CV ứng tuyển, mình đã viết: Tôi muốn trở thành giám đốc công ty. Nghe hơi “ngông” nhưng đó thực sự là mục tiêu của mình. May mắn là điều này không những không làm mất điểm mà còn gây được ấn tượng rất lớn đối với công ty”, Cường chia sẻ. Là người đầu tiên và duy nhất đạt điểm tối đa trong lịch sử tuyển dụng của Công ty, Cường không vì thế mà áp lực bởi đó là xuất phát điểm cho mục tiêu dài hạn của bản thân. Bên cạnh đó, công ty đã đặt ra lộ trình đào tạo tiếng Nhật để phục vụ công việc và lên kế hoạch dự kiến thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Cường được “ngắm” để đưa về làm quản lý chi nhánh sau khi trở nên cứng cáp. Được kì vọng, Cường rất phấn khích và luôn làm tốt mọi công việc được giao.

Trong công việc, Cường vận dụng hết sở trường, kiến thức và những điểm mạnh của mình. Trong các vấn đề chuyên môn, các đồng nghiệp thường hỏi ý kiến Cường. “Ban đầu mình ít đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, đối với các vấn đề hiểu rõ, mình không ngại nêu ý kiến đóng góp. Mình thấy vui vì các ý kiến của mình được đồng nghiệp và sếp đánh giá tốt”, Cường nói. Chủ động trong công việc, mạnh dạn đưa ra các đề xuất, nhiệt tình trao đổi trong các vấn đề chuyên môn, Cường xem đó là cách để cọ xát, trau dồi kỹ năng và phát triển bản thân. Các nỗ lực đó được đồng nghiệp hưởng ứng và công ty ghi nhận sau các lần “review” lương (xét tăng lương). Cường được tăng lương lần 1 chỉ sau 7 tháng làm việc và ở lần tăng lương thứ 2, Cường nhận mức tăng gấp 3 lần so với mức tăng trung bình của các đồng nghiệp khác. Đó là một thành quả đáng khích lệ từ nhiều yếu tố: kiến thức chuyên môn vững, khả năng thích nghi tốt và sự nỗ lực mỗi ngày.

“Bứt phá” bằng đam mê và tự học

Theo thầy Phan Lê Bình – Chuyên gia JICA, Giảng viên MIE, đầu vào không “nổi bật”, song Cường lại là một trong các học viên bứt phá thành công. “Mình từng nghe ai đó nói rằng mặt bằng tiếng Anh của sinh viên kỹ thuật thường “khiêm tốn” hơn các ngành xã hội khác, mình thấy đúng với bản thân mình. Không còn cách nào khác là phải tự nỗ lực gấp mấy lần các bạn khác. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, mỗi ngày trước giờ giảng, mình đọc trước tài liệu thầy cô gửi. Gặp từ vựng hoặc ngữ pháp chưa biết là tra từ điển ngay rồi “note” (ghi) lại. Đến giờ giảng nếu quên thì lại tra lại tiếp. Về nhà lại đọc thêm lần nữa. Dần dần mình tích lũy được nhiều từ vựng hơn”, Cường chia sẻ. Để khắc phục điểm yếu của học viên, các thầy MIE thường giao bài để học viên chuẩn bị trước và “present” (trình bày) trên lớp, vừa rèn luyện Tiếng Anh, vừa tự học. “Dần dần, mình đã tiến bộ hơn rất nhiều. Biết tiếng Anh là một trong những nhân tố rẽ ngang cuộc đời mình sang một trang mới tươi đẹp hơn. Tuy là người ham chơi, nhưng khi đã đam mê mình sẽ hết mình”, Cường bộc bạch.

“Môi trường đào tạo liên ngành và tự học đã tạo nền tảng vững chắc cho mình”

Khi còn là học viên VJU, Cường đã mày mò đọc các tài liệu bằng Tiếng Anh để mở rộng kiến thức. Cường tự học thêm về coding và đào sâu kiến thức về các mảng đam mê như thống kê xác suất, phân tích dữ liệu, chuyển đổi số, học máy… Đó cũng là định hướng đào tạo liên ngành mà VJU đã định hướng cho học viên. “Đến giờ, khi đi làm, mình nhận thấy vốn kiến thức liên ngành là một lợi thế trong công việc, để mình có một cái nhìn bao quát và rộng hơn.” Do yêu cầu của công việc, Cường cũng luôn phải tự học thêm các kiến thức và kĩ năng mới. Với Cường, đây không còn là trở ngại nữa, vì tự học là một trong các kĩ năng mà Cường gối đầu khi còn là học viên MIE.

Môi trường làm việc và văn hóa Nhật là phần bù hoàn hảo của Cường. “Từ một người bộp chộp, ham chơi, mình trở nên chín chắn, trưởng thành hơn và có mục tiêu phấn đấu”.

Làm việc tại Nhật, ngôn ngữ sử dụng nhiều là Tiếng Nhật, do vậy, Cường phải tranh thủ học thêm ngoài giờ. “May mắn là công ty có chế độ đào tạo tiếng Nhật cho người mới. Mỗi ngày, mình học với bác kaichou (chủ tịch) 1 tiếng cộng thêm 2 đến 3 tiếng tự học bằng cách đọc hết các từ vựng, tra hết toàn bộ ngữ pháp xuất hiện trong tài liệu công việc được giao. Cần cù bù thông minh, sau 7 tháng, từ một đứa chỉ chào hỏi được cơ bản, tiếng Nhật của mình đã đạt tương đương trình độ N3. Hiện tại, mình vẫn duy trì tự học, nhưng thời gian hạn chế hơn nhiều do công việc bận rộn. Tuy vậy, mình đã có thể giao tiếp trao đổi công việc nội bộ, viết email và thỉnh thoảng gọi điện cho đối tác. Để phát triển hơn nữa, mình thấy vẫn còn phải học hỏi nhiều vì thực sự tiếng Nhật rất là khó.”

Cường đi du lịch cùng bạn bè vào ngày nghỉ

Mục tiêu khi cán mốc tuổi 30 

Tự nhận là một người trẻ nhiều đam mê và tham vọng, Cường luôn nỗ lực để phát triển bản thân và xây dựng sự nghiệp. Cường cho rằng, thời gian làm việc ở Nhật là vô cùng quý báu để trưởng thành về kiến thức, kỹ năng, tạo lập các mối quan hệ và tích lũy tài chính. Cường ấp ủ ý định sau khi chín muồi sẽ về nước để điều hành doanh nghiệp. “Trong tương lai, mình muốn start up và sử dụng kiến thức và kỹ năng đã tích lũy để làm chủ được những ý tưởng của mình, được cống hiến nhiều hơn. Tuổi trẻ mà, mình muốn cháy hết nhiệt huyết tuổi trẻ!”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *