GS.TS Furuta Motoo – hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật – có nhiều duyên nợ với Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Ông chia sẻ cùng Tuổi Trẻ về những vấn đề khác biệt của văn hóa, xã hội của Việt Nam và Nhật Bản.
Câu chuyện bắt đầu từ việc ông là một trong những người có mặt trong đoàn khách du lịch nước ngoài đầu tiên đến miền Bắc Việt Nam vào năm 1974.
Chan chứa sức sống
* Điều gì đã thôi thúc ông đến Việt Nam vào năm 1974?
– Tôi từng làm khóa luận tốt nghiệp đại học cho chuyên ngành lịch sử về đề tài Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam. Cuộc cách mạng đó, người Nhật cũng có liên quan. Khi học tiếp cao học, tôi cũng nghiên cứu về chiến tranh tại Việt Nam.
Tới khi Hiệp định Paris ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc Việt Nam, tôi đã cố gắng để có mặt trong đoàn du khách Nhật Bản đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Tôi được tham quan Hà Nội, rồi ghé thăm Hạ Long, Hải Phòng, Hòa Bình…
* Ngoài lý do Cách mạng Tháng Tám có liên quan người Nhật, còn có lý do nào khác khiến ông quan tâm đến Việt Nam?
– Thời gian đó cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam đang diễn ra ác liệt. Việt Nam là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc. Báo chí thế giới, rồi báo chí Nhật Bản đều đưa tin hằng ngày về tình hình Việt Nam.
Tôi cho rằng Việt Nam đang là tâm điểm của thế giới lúc đó. Nếu tìm hiểu về Việt Nam, nếu đặt chân được đến đất nước này, tôi nghĩ mình sẽ hiểu rộng được nhiều điều.
* Sau này ông còn có nhiều lần quay lại Việt Nam để dạy học. Có thể nghĩ rằng mảnh đất này không chỉ gợi sự tò mò khám phá như trước mà còn thu hút ông?
– Đúng vậy. Năm 1977, khi đang làm nghiên cứu sinh về chiến tranh tại Việt Nam, tôi lại cố gắng tìm cách để được quay lại. Tôi tình nguyện sang dạy tiếng Nhật cho sinh viên Trường ĐH Ngoại thương.
Sau một năm, do tình hình công tác ở Nhật Bản, tôi về nước. Nhưng tới năm 1980 tôi tiếp tục quay lại với vai trò giảng viên.
Sau này, khi hiểu nhiều hơn về Việt Nam, tôi vẫn yêu đất nước này vì nơi đây chan chứa sức sống của con người, của một xã hội năng động đang phát triển. Và tôi thích có mặt ở những nơi như thế.
Tính kỷ luật không phải bẩm sinh
* So với những năm 1980 và bây giờ, ông thấy Việt Nam có những thay đổi?
– Năm 1974, trong lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, ấn tượng về một xã hội có tổ chức khá rõ nét. Tại Hà Nội, Hải Phòng, tôi đều thấy hình ảnh tập luyện quân sự rất kỷ luật. Giao thông cũng rất trật tự. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, quay lại Hà Nội, khi Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất, tình hình có vẻ đã rất khác.
Tôi quan sát trên đường phố thấy các bạn Việt Nam cứ đi theo hướng mình muốn đi, nhưng kỳ lạ là giao thông vẫn cứ chạy như một dòng sông đang chảy. Nhưng thời đó vẫn trật tự hơn so với sau này.
* Điều gì khiến ông thấy việc thiếu trật tự nhất ở Việt Nam?
– Tôi nghĩ là giao thông.
* Có vẻ như điểm yếu của người Việt Nam lại là điểm mạnh của người Nhật? Phải chăng tính kỷ luật của người Nhật là một đặc trưng, điển hình là câu chuyện xếp hàng?
– Nhiều người nước ngoài ca ngợi người Nhật Bản xếp hàng rất trật tự. Nhưng tôi cho rằng tinh thần kỷ cương này không phải tính cách bẩm sinh của người Nhật.
Khi tôi còn trẻ, ở Tokyo không có ai xếp hàng đi xe điện. Nhưng dần dần người sử dụng xe điện tăng lên đến mức nếu không xếp hàng thì người ta không lên và xuống xe được. Đó là đầu những năm 1970, người Nhật bắt đầu xếp hàng đi xe điện.
Như vậy, chuyện xếp hàng là yêu cầu của thực tiễn và là sản phẩm của giáo dục. Trẻ con Nhật Bản bây giờ được giáo dục những việc như thế.
Người Việt Nam có truyền thống cộng đồng mạnh. Tôi tin rằng tinh thần kỷ cương và tinh thần tập thể không phải điều khó tiếp cận với các bạn trẻ Việt Nam.
* Điểm tích cực mà ông nhìn thấy là gì?
– Tôi thấy ở Việt Nam có một điểm ngược với Nhật. Ở Nhật kỷ cương tốt, vai trò lãnh đạo mạnh hơn, còn ở Việt Nam động lực mạnh mẽ lại từ người dân.
Người dân đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các vấn đề đổi mới, sáng tạo. Sức sống từ dưới lên chứ không phải từ trên dội xuống. Trước đây có bài học về “Khoán 10” cho thấy sức mạnh từ địa phương rất lớn. Vì thế không phải điều gì cũng tốt hết hay xấu hết.
* Gần đây người Việt xôn xao với hình ảnh một người Nhật, ông Hiroaki Honjo, tổng giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Idemitsu Q8, đã cúi chào khách khi khách đến đổ xăng và ra về ở Hà Nội. Nhiều người Việt Nam cho rằng đó là văn hóa Nhật Bản đáng học tập, ông thấy sao về việc này?
– Tôi rất tự hào vì ứng xử của người Nhật đã được nhiều người Việt Nam trân trọng. Và điều này cũng cho tôi một suy nghĩ: Khi người Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ ứng xử văn hóa đó thì các bạn cũng sẽ ý thức hơn để làm được điều như vậy.
Nuôi dưỡng tầm nhìn xa và hoài bão lớn
* Hiện ông sang Việt Nam với tư cách một lãnh đạo trường ĐH, tinh thần văn hóa Nhật Bản mà ông muốn gửi gắm cho thế hệ sinh viên bây giờ là gì?
– Ở Nhật Bản, trong gia đình hay nhà trường đều rất coi trọng giáo dục đạo đức cơ bản, ý thức giao thông và tinh thần teamwork (hợp tác, làm việc theo nhóm). Tôi muốn gửi đến các em học sinh Việt Nam tinh thần kỷ cương và ý thức teamwork kiểu Nhật Bản.
* Tiếp xúc với sinh viên Việt Nam ở hai thế hệ khác nhau, cách nhau 40 năm, ông có nhận xét gì?
– Trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam liên tiếp phải trải qua những cuộc chiến tranh. Điều kiện lịch sử như vậy đã rèn cho người Việt Nam tính kiên nhẫn, chịu khó. So với 40 năm trước, sinh viên ngày nay năng động hơn, tích cực và chủ động hơn rất nhiều.
Các bạn có điều kiện để nuôi dưỡng tầm nhìn xa, rộng, có ước mơ, hoài bão lớn hơn về cuộc đời của mình. Là nhà giáo dục, chúng tôi cũng muốn khuyến khích các bạn trẻ có tầm nhìn xa rộng cho tương lai.
* Khuyến khích người trẻ nuôi dưỡng ước mơ lớn, tạo nền tảng giáo dục để các bạn trẻ thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội sau khi ra trường… Đó có phải là lý do để ông muốn lan tỏa tinh thần giáo dục khai phóng?
– Nhiều chuyên gia đã nói sẽ có ít nhất 2/3 số nghề nghiệp hiện nay trong 20 năm tới sẽ không còn nữa. Nếu cứ đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực nhỏ hẹp thì bản thân sinh viên sau này sẽ khó kiếm được việc làm, khó phát triển và không thích ứng được sự thay đổi của xã hội.
Khi còn làm hiệu trưởng Trường ĐH Đại cương – ĐH Tokyo, chúng tôi cũng vấp phải những phê phán về tinh thần giáo dục này.
Chính đánh giá của doanh nghiệp đã cho câu trả lời khác với những phê phán đó. Khi nhân sự phát triển lên tầm cán bộ cốt cán thì mới thấy hết được giá trị của triết lý giáo dục khai phóng. Giáo dục cần đào tạo những con người có khả năng tạo ra sự khác biệt, đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội.