Vừa qua, một nghiên cứu của nhóm sinh viên VJU về giải pháp huấn luyện AI để xác định độ chín của trái sầu riêng sử dụng dữ liệu âm thanh (Non-destructive Maturity Measurement of Durian Using Acoustic Signal) đã được đại diện trình bày tại hội thảo quốc tế về khoa học máy tính, điện tử & viễn thông giữa các đối tác Nhật Bản và châu Phi (International Japan-Africa Conference on Electronics, Communications and Computations, JAC-ECC 2024, IEEE) lần thứ 12 ở Ai Cập.
Đây là đề tài nghiên cứu liên ngành được các sinh viên BCSE và ESAS của VJU thực hiện từ giai đoạn lên ý tưởng, lập nhóm, phân công nghiệm vụ, thu thập dữ liệu, chạy mô hình, lập trình ứng dụng (app) và viết báo (paper).
Do cùng là nước xuất khẩu sầu riêng lớn như Việt Nam nên một số nhóm nghiên cứu bên Thái Lan cũng đã và đang theo đuổi hướng nghiên cứu này. Tuy nhiên, các sinh viên VJU lại lựa chọn một hướng tiếp cận thú vị khác: sử dụng microphone trên điện thoại để thu âm tiếng gõ, phân tích phổ âm thanh Short Time Fourier Transform (STFT) và chuyển đổi sang dạng hình ảnh, sử dụng mạng nơ-ron tích chập (CNNs) phiên bản MobileNetV2 cho nhiệm vụ huấn luyện, để sau này chỉ cần thực hiện thu âm tiếng gõ và mạng nơ-ron (được training bằng dữ liệu thu thập được) sẽ giúp phân loại độ chín của trái sầu riêng; ngoài ra, ứng dụng còn được tích hợp trên app điện thoại cho mục đích sử dụng dễ dàng, …
Bên cạnh những đóng góp về mặt học thuật, nghiên cứu này cũng được đánh giá rất cao về tiềm năng ứng dụng, trong bối cảnh ngành nông nghiệp thế giới đang thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu dự định sẽ phát triển nghiên cứu thành một giải pháp hoàn chỉnh để chia sẻ miễn phí đến người nông dân, đồng thời mở rộng giải pháp sang phát hiện một số loại mầm bệnh phổ biến trên cây sầu riêng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *