Trong số các luận văn tốt nghiệp của học viên thạc sĩ Khu vực học (MAS), trường Đại học Việt Nhật (VJU) – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) – vừa bảo vệ hôm 29/06/2024, có một đề tài nhận được đánh giá rất cao từ các giáo sư, chuyên gia và thành viên hội đồng.
Đó là nghiên cứu 1920年代における日本の東南アジア進出-横濱正金銀行の西貢支店を中心に (Quá trình thâm nhập Đông Nam Á của Nhật Bản trong thập niên 1920 – Trọng tâm từ ngân hàng Yokohama Specie Bank, chi nhánh Sài Gòn) của anh Đinh Trung Hiếu – học viên MAS khóa 7, định hướng Nhật Bản học.
Hiếu từng du học (tốt nghiệp cử nhân kinh tế ĐH Chuo), sinh sống và làm việc gần 10 năm tại Nhật Bản nên đặc biệt thông thạo ngôn ngữ và am hiểu văn hóa của xứ sở Phù Tang. Thậm chí anh còn có khả năng tra cứu các tài liệu, văn bản cổ mà ngay đến nhiều người Nhật hiện đại cũng phải “chào thua”.
Trở về Việt Nam, Hiếu quyết định đi theo con đường nghiên cứu và ứng tuyển vào VJU vì nhận thấy môi trường đây phù hợp và có thể giúp anh phát triển tiềm năng trong lĩnh vực học thuật.
Về lý do lựa chọn đề tài, Hiếu chia sẻ: Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) thường được xem là “chiến trường” giữa Nhật Bản và các cường quốc phương Tây trong giai đoạn Đệ nhị Thế chiến (1939 – 1945); tuy nhiên mối liên hệ giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á thời tiền chiến (thập niên 1920), nhất là trên lĩnh vực giao thương lại ít được lưu tâm. Còn Yokohama Specie Bank cũng là một ngân hàng đặc biệt, đại diện cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ này, nhưng những nghiên cứu trực tiếp về lịch sử ngân hàng này cùng các chi nhánh hải ngoại của nó cũng rất hiếm gặp.
Từ những hoạt động của Yokohama Specie Bank – chi nhánh Sài Gòn – trong giai đoạn 1920-1931, Hiếu đã đi sâu vào khảo cứu sự thâm nhập, bành trướng của Đế quốc Nhật Bản vào xứ Nam Kỳ (miền Nam Việt Nam), cố gắng giải đáp câu hỏi: Tại sao người Nhật lại chọn Đông Dương thuộc Pháp làm điểm đến? Vì sao Yokohama Specie Bank chi nhánh Sài Gòn được thành lập? Mục đích hoạt động của nó là gì?
Nhờ khả năng ngôn ngữ xuất sắc, dưới sự hướng dẫn tận tình của GS. Momoki Shiroi – chuyên gia Việt Nam học hàng đầu Nhật Bản, và bằng nỗ lực tuyệt vời của bản thân, Hiếu đã hoàn thành xuất sắc nghiên cứu của mình. Anh phát hiện thấy: mối quan tâm của Đế quốc Nhật Bản đối với miền Nam Việt Nam là kết quả tất yếu của một chiến lược lâu dài, bắt nguồn từ hoạt động giao thương giữa người dân hai nước ngay trong thời Minh Trị và phát triển thành những lợi ích kinh tế rõ ràng trong thập niên 1910.
Mối liên hệ ấy, trải qua vô số biến động thời cuộc: Nhật Bản thiết lập xong hệ thống cai trị ở Đài Loan và bắt đầu để mắt tới phương Nam; các hiệp ước, thỏa thuận mà Nhật cùng Pháp ký kết, … đã thiết lập nền móng và mở đường cho sự thâm nhập của Nhật vào Đông Dương. Hay suy thoái kinh tế thế giới sau Đệ nhất Thế chiến (1914 – 1918) đã gián tiếp dẫn đến sự ra đời của Yokohama Specie Bank – chi nhánh Sài Gòn – trong chiến lược ưu tiên giải quyết các vấn đề thiếu hụt nguồn cung cấp nguyên liệu nội tại hơn là theo đuổi mục tiêu lợi nhuận.
Thông qua nghiên cứu, Hiếu muốn giới thiệu tới giới nghiên cứu sử học và những độc giả Việt Nam một giai đoạn tương đối thiếu thông tin trong lịch sử giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác giữa hai nước.
Anh kỳ vọng sẽ tiếp tục theo đuổi công trình này ở mức độ chuyên sâu hơn nữa nếu có cơ hội sang Nhật Bản học tiến sĩ.