Ngày 25-26/5/2021, Chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật Hạ tầng (MIE) – Trường Đại học Việt Nhật tham gia đồng tổ chức Hội thảo quốc tế online “Mô hình rủi ro để cải thiện khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng đối với bão”. Tham gia Hội thảo là các nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các trường Đại học của Anh, Việt Nam và các chuyên gia đến từ các tổ chức khác.

Các cấu trúc nhà cao tầng, cầu nhịp dài, cột buồm và tháp ngày càng trở thành những thành phần quan trọng trong cấu trúc cơ sở hạ tầng giao thông. Những dạng cấu trúc này cực kỳ nhạy cảm với tải trọng gió và đặc biệt dễ bị tác động. Điều này có thể dẫn đến những sự đứt gãy, đổ sụp khi gió bão, kèm theo các sự cố của mạng lưới thông tin liên lạc sau đó, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và chi phí bảo tồn, tu sửa sau các sự cố.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã trình bày nhiều số liệu, phân tích về gió, bản đồ bão, các mô hình kiến trúc hạ tầng hiện đại và mối liên hệ giữa các mô hình này với bão. Đồng thời, đại biểu tham dự cũng đưa ra các phương pháp nhằm dự đoán và giảm thiểu rủi ro và thiệt hại khi xảy ra thiên tai (bão). Đây là một hoạt động quan trọng trong sự hợp tác lâu dài giữa Vương quốc Anh và Việt Nam thuộc dự án “Cải thiện khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trong bão (IRIS)” do Hiệp hội Hoàng gia Anh và Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF) hỗ trợ.

Các bài trình bày tại Hội thảo:

1. Bản đồ gió trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam mới QCVN 02/2021 BXD (TS. Nguyễn Đại Minh – IBST, Việt Nam)

2. Gió – Số liệu và Phân tích (TS. Nguyễn Đăng Mậu, IMHEN, Việt Nam)

3. Phương pháp tính tải trọng gió mới trong Tiêu chuẩn Việt Nam mới TCVN 2737: Hành động và Tác động” 2021 (TS. Vũ Thành Trung IBST, Việt Nam)

4. Phân tích rủi ro và khả năng phục hồi của dây cứu sinh dưới bão (TS. Luis Neves – Đại học Nottingham, Vương quốc Anh)

5. Ứng dụng Dự báo hậu quả để ước tính Khả năng chống chịu của mạng lưới điện đối với gió bão (TS. Sean Wilkinson Đại học Newcastle, Anh)

6. Giới thiệu về Aware Hero: Cách tiếp cận sử dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) và phương tiện truyền thông xã hội để quản lý thiên tai (TS. Nguyễn Ngọc Huy – Oxfam, Việt Nam)

7. Mô hình tính dễ bị tổn thương của các cột đèn chiếu sáng phi mã trong bão (TS. Nguyễn Huy Cung – Đại học Nottingham, Anh)

8. Đánh giá rủi ro bão và tác động của biến đổi khí hậu đối với tài sản cộng đồng (TS. Carmine Galasso – Đại học London, Anh)

9. Sự hợp tác và phát triển trong tương lai (TS. John Owen – Đại học Nottingham, Anh Quốc)

10. Q&A (Tiến sĩ Jörg Franke, Trường Đại học Việt Đức)

Hội thảo là nền tảng để các chuyên gia hạ tầng của Trường Đại học Việt Nhật trình bày các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực hạ tầng; đồng thời là cơ hội để các giảng viên trao đổi tri thức, mở rộng mạng lưới học hỏi và áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới và rút kinh nghiệm từ các bài học của thế giới trong xây dựng, kiến tạo cơ sở hạ tầng để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại khi thiên tai xảy ra, đặc biệt hữu ích cho Việt Nam – một nước nhiệt đới và đang phát triển của Châu Á.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *