Đó là chủ đề bài tham luận của GS. Yoshitaka Kumagai, Phó hiệu trưởng Đại học Quốc tế Akita (AIU) – Nhật Bản, tại tọa đàm “Forest and well-being” (tạm dịch: Rừng và cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc) do VJU cùng AIU phối hợp tổ chức theo hình thức online & offline kết hợp vào chiều 29/10/2024.
Theo GS. Kumagai, giá trị kinh tế từ rừng và ecosytem services (tạm dịch: các dịch vụ hệ sinh thái) gắn với rừng ở Nhật Bản ước tính có thể đạt tới 70 nghìn tỷ Yên (tương đương 11,6 triệu tỷ VND). Một dự án nghiên cứu liên ngành mới do AIU thực hiện đang khuyến khích tầm nhìn kiến tạo một xã hội bền vững, cắt giảm phát thải nhưng vẫn đạt được mục tiêu thịnh vượng từ rừng, thông qua việc tích hợp và khai thác 5 yếu tố: không gian, gỗ, thị trấn, công nghệ và con người. Ông tin rằng Nhật Bản cần theo đuổi một diện mạo mới cho các đô thị trong mối liên hệ với rừng; phát triển những loại vật liệu thân thiện môi trường từ gỗ để phổ biến trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, các ngành nghề thủ công và thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp sinh thái,…
Bên cạnh đó, GS Kumagai còn giới thiệu về tầm nhìn của AIU- một đại học quốc tế với tuổi đời khá trẻ. Trường được thành lập vào năm 2004, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, có quá nhiều trường đại học (hơn 800) nhưng lại thiếu sinh viên. Ông nhấn mạnh vai trò của những đại học vùng (regional university) như AIU, hướng đến giải quyết các vấn đề địa phương bằng chính nguồn lực của địa phương. Ngoài ra, nhờ mạng lưới hợp tác sâu rộng với hơn 200 đối tác quốc tế cùng chủ trương theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng trong bối cảnh toàn cầu hóa, AIU thực sự đang trở thành một đại học “toàn cầu” và tham vọng đào tạo ra những lãnh đạo toàn cầu cho tương lai.
Mặc dù còn cả một chặng đường dài phía trước cùng rất nhiều thách thức cần phải vượt qua, nhưng AIU xứng đáng là một hình mẫu tham khảo cho các đại học trẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *