Trà tham dự cuộc gặp mặt giữa sinh viên MBA – Trường Đại Học Việt Nhật và JICA tại Nhật Bản
Mình là Phạm Hương Trà, sinh năm 1996. Mình sinh ra ở Hà Nội. Hồi đại học, mình học chương trình Kinh doanh Quốc tế của Khoa Quốc Tế – ĐHQGHN năm 2018. Ngay sau khi tốt nghiệp, mình đã “apply” vào Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Việt Nhật. Vậy mà đã hai năm trôi qua rồi, giờ mình đang chuẩn bị bảo vệ, tốt nghiệp và ra trường.
Ngoài học tập, mình chơi một số môn thể thao như bóng rổ, cầu long, bi a. Mình cũng thích ca hát và chơi guitar… Mình là người lạc quan, luôn vui vẻ, rất thích nói chuyện, nghe các câu chuyện từ mọi người để biết có rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Từ khi quen được nhiều người bạn quốc tế sau chuyến đi thực tập thì mình đặt ra mục tiêu đi du lịch Đông Nam Á trong thời gian tới.
1. Tại sao bạn lựa chọn học tại Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) Trường Đại học Việt Nhật?
Mình được biết về Trường khi học môn Marketing kỳ cuối tại đại học. Sau đó, mình tự tìm hiểu về chương trình học, đến thăm quan trường và được tư vấn rất tận tình. Ấn tượng ban đầu của mình là chương trình học được giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh; ngoài ra tụi mình còn được học thêm Tiếng Nhật. Sinh viên sẽ được xét cấp học bổng hàng kì dựa trên kết quả học tập.
Xét các yếu tố đó, mình thấy đây chính là cơ hội cần nắm bắt, và đến giờ mình vẫn vui vì đã may mắn trở thành học viên của Trường. Mình vẫn cho rằng, trong cuộc sống, cơ hội đôi khi đến rất ngẫu nhiên, mình có may mắn và dũng cảm nắm bắt không. Đến giờ, nghĩ lại mình đã rất cảm ơn bản thân vì đã đến buổi giới thiệu về VJU, đó là một dấu mốc đánh dấu sự lựa chọn lớn của mình.
Trà và các bạn tại buổi thuyết trình báo cáo dự án marketing tại công ty IT thực tập bên Nhật
2. Chương trình MBA để lại ấn tượng gì trong bạn?
Cá nhân mình cho rằng MBA là một chương trình khá năng động, đúng chất “Work hard, play hard”. Đội ngũ Giảng viên cả Việt Nam và Nhật Bản của MBA có profile “khủng”, dày kinh nghiệm. Không chỉ về nghiên cứu học thuật, các thầy cô còn có trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Trong các bài giảng, thầy cô không chỉ trang bị cho tụi mình về lí thuyết mà còn luôn đi kèm với ví dụ thực tế trong doanh nghiệp, case study rất sát và mới. Đó có thể là những trải nghiệm của thầy cô tại các công ty nổi tiếng như Samsung, Heineken,… Vì thế mà bọn mình cảm thấy dễ hiểu hơn, nhớ lâu hơn và cảm thấy các buổi học trên lớp rất gần với thực tế.
Đầu vào của MBA được lựa chọn kỹ càng nên học viên có năng lực tương đối đồng đều. Các anh chị đều nói Tiếng Anh rất tốt. Một số anh, chị khóa mình đã đi làm và có kinh nghiệm, do vậy họ có thể chia sẻ kinh nghiệm và giúp chúng mình không chỉ học hỏi từ thầy, cô mà có thể học hỏi lẫn nhau, nâng cao kỹ năng và bổ sung cho nhau.
Chuyến thực tập tại Nhật cũng là một trải nghiệm quí giá với mình. Tụi mình được chuẩn bị vô cùng kĩ từ chỗ ở, phương tiện đi lại, lớp học tại Nhật và các chuyến tham quan nhà máy… Đây là lần đầu tiên mình được ra nước ngoài và trải nghiệm môi trường học tập tại Nhật cho mình cảm thấy bản thân mình thật nhỏ bé. Tuy nhiên, những gì mình thu lại là vô cùng nhiều.
3. Thầy/Cô nào để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?
Giáo viên mà mình ấn tượng nhất chính là thầy Hiroshi Morita, thầy giáo môn Tài chính doanh nghiệp (Corporate Finance). Ai cũng nghĩ tài chính doanh nghiệp là một môn học tương đối nhiều số và khô khan, tuy nhiên thì thầy Morita đã “đảo ngược tình thế” khi giảng dạy. Trong mỗi tiết học, thầy đều dành ra khoảng 10 phút để chia sẻ về sở thích nghệ thuật của thầy. Lần thì thầy sẽ cho cả lớp xem một bức tranh mà thầy tự vẽ, thầy vẽ cực kì đẹp. Lần thì thầy cho cả lớp xem bìa của một album ban nhạc hoặc ảnh chú mèo mà thầy nuôi. Hay có lần thì thầy dạy cả lớp về kanji của một từ chuyên ngành. Như vậy hầu như trong giờ học của thầy cả lớp luôn có một khoảng để thư giãn chứ không chỉ căng thẳng học tính toán. Thầy luôn nói rằng trong cuộc sống, nghệ thuật là một điều rất quan trọng. Nhờ có nghệ thuật mà cuộc sống trở nên thú vị hơn nhiều. Bản thân mình đã chiêm nghiệm điều đó mỗi ngày và cảm thấy rất đúng.
4. Hãy kể một kỷ niệm bạn nhớ nhất trong 2 năm học?
Kỉ niệm nhớ nhất trong 2 năm học chắc phải kể đến những hôm đi seminar với giáo viên hướng dẫn bên Nhật tại trường ĐH Yokohama. Vì lịch dạy của thầy và lịch học của mình và hai bạn nữa khá lệch nhau nên bọn mình thường có buổi seminar để bàn về luận văn vào lúc 6h chiều. Thầy rất kĩ tính và chu đáo nên thường dành nhiều hơn thời gian để hướng dẫn bọn mình. Có lần, thầy trò mải mê bàn bạc đến tận 9 rưỡi tối mới xong. Từ trường, mình đi bộ 20 phút mới tới ga tàu và đi bộ 20 phút nữa mới về tới kí túc xá. 11h đêm mình mới về tới kí túc xá.
Trà trong Noel Party với các bạn sinh viên của trường Yokohama từ nhiều nước trong cùng kí túc xá Ooka International Residence
5. Bạn được nhận vào làm việc tại một công ty Nhật khi chưa nhận bằng, vậy cảm xúc của bạn thế nào?
Mình cảm thấy khá bất ngờ và thích thú. Thật sự thì lúc “apply”, mình khá lo lắng vì lúc đó mình đang bận hoàn thành luận văn. Tuy vậy, đây là công ty mình thích nên mình đã dành thời gian tìm hiểu. Công việc đó bắt đầu từ tháng 6 và mình “áng” chắc tầm đó mình đã bảo vệ luận văn xong, rất phù hợp để đi làm. Sau 4 vòng phỏng vấn online và offline, mình đã trúng tuyển. Sau cảm giác ban đầu “I have made it”, mình háo hức và lo lắng. Háo hức vì đây là công việc đầu tiên của mình và mình sẽ được làm việc yêu thích. Lo lắng vì để thực hiện ước mơ đó, mình sẽ phải chuyển vào Tp.HCM, sống xa gia đình và bạn bè. Đây vừa là cơ hội và là thách thức đối với mình.
6. Bạn có bí kíp gì để “apply” thành công trước khi tốt nghiệp?
Ngoài kiến thức và bằng cấp, mình cho rằng mình nhận được “offer” trước khi ra trường còn do kĩ năng mềm, kiến thức xã hội và kinh nghiệm thực tế của mình. Mình từng đi làm thêm từ năm nhất khi học đại học, có thời gian 3,4 công việc một lúc. Mình luôn cảm thấy mình không nên lãng phí thời gian nên thường sắp xếp thời gian để có thể làm việc, tránh để thời gian chết. Đi làm thêm giúp mình rèn kĩ năng giao tiếp, thuyết phục và xử lí tình huống khi không có quản lí và nắm bắt tâm lí khách hàng.
Khi thực tập ở Nhật, ngoài học trên lớp, mình kết bạn với các bạn từ nhiều nước để được tiếp xúc với các nền văn hoá và cách tiếp cận khác nhau. Mình thích và tích cực tham gia các hoạt động của trường để tăng cơ hội giao tiếp, cọ xát ngôn ngữ. Từ đó, mình có thể so sánh và học hỏi từ các bạn nhiều kỹ năng như thuyết trình, đàm phán, làm việc nhóm… Mình cũng làm thực tập sinh tại một công ty IT trên Tokyo trong 3 tháng mỗi khi không phải học trên trường. Từ Yokohama, nơi mình ở, mình đi tàu mất 1,5 tiếng đến công ty. Ở đây, mình được học thêm kiến thức về coding và giao tiếp tiếng Nhật. Sau này mình mới biết đây là một lợi thế cho mình khi apply vào làm việc cho công ty Nhật.
Trong các vòng phỏng vấn với công ty Nhật, mình đã tận dụng hết những gì đã học được từ chuyến thực tập tại Nhật Bản để thuyết phục Hội đồng. Mình nghĩ, hội đồng phỏng vấn nhìn vào thực lực khi phỏng vấn nên các bạn cũng không cần quá áp lực chuyện phải thi được bằng IELTS mới xin được vào công ty nước ngoài. Chỉ cần bạn chứng minh được bạn phù hợp và có năng lực, nỗ lực của bạn sẽ được công nhận.
7. Bạn hình dung 5 năm tới của mình sẽ như thế nào?
Mình hi vọng trong 5 năm tới mình sẽ trở thành Production Manager của Việt Nam ở công ty mình hoặc có thể được chuyển qua làm việc tại Nhật. Mình sẽ thành thạo được tiếng Nhật giao tiếp, cùng bố mẹ đi du lịch các nước Đông Nam Á. Thật ra mục tiêu sống của mình là “To be happy” nên mọi việc mình làm đều hướng tới một sức khoẻ tốt và cuộc sống hạnh phúc…
Cảm ơn Trà và chúc bạn thành công!